Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

iPhone 7 trình làng, iPhone 6, 6S giảm giá sâu

iPhone 7/7 Plus đang được bán rộng rãi trên thị trường, khiến model cũ được điều chỉnh giá liên tục. Tại thời điểm này, mức giá iPhone 6/6S Plus đã giảm sâu, chỉ từ 7 triệu đồng.

Nhìn chung, việc smartphone tiền nhiệm của iPhone 7 được giảm giá sâu chỉ là sự lặp lại tiến trình của những năm trước đây. Lần này, từ iPhone 6 đến iPhone 6S Plus đều có dấu hiệu giảm mạnh. Trong đó, iPhone 6 và iPhone 6S được ghi nhận có mức điều chỉnh mạnh nhất, giảm đến 10 triệu đồng so với thời điểm ra mắt và rẻ hơn 50% giá bán trên kệ chính hãng. 

Thị trường iPhone xách tay cũng sôi động trong dịp này. Ngoài phiên bản máy cũ thường thấy, người dùng có thêm chọn lựa các dòng máy chưa active hoặc trôi bảo hành.

Theo anh Thái Duy, cửa hàng Đức Huy Mobile: “iPhone 7 được nhiều người dự đoán không có sức hút lớn bằng iPhone 7 Plus khi về Việt Nam. Do đó, việc giảm giá các model thế hệ cũ là tín hiệu dễ hiểu”.

Cũng theo anh Duy, các dòng máy iPhone cũ luôn có sức hút lớn nhờ sự hỗ trợ ngày càng tốt hơn từ phía đơn vị kinh doanh trong vấn đề bảo hành. iPhone 6, 6S sẽ rất dễ tạo ra hiệu ứng mua sắm lớn trong dịp cuối năm.

iPhone 6/6 Plus giảm giá còn từ 7 triệu đồng

iPhone 6 và iPhone 6 Plus ghi nhận mức giá giảm khá sâu để chào đón model kế nhiệm iPhone 7. Bộ đôi đời cũ này đang được các cửa hàng tại TP.HCM niêm yết với mức giá từ 7 triệu đồng.

iPhone 6 đang có giá bán từ 7 triệu đồng.

Sức nóng của hai thiết bị này đang không ngừng tăng lên. Tuần trước, mức giá còn cao hơn khoảng 1 triệu đồng. Các màu sắc vốn được ưa chuộng như đen, gold cũng không còn chênh lệch quá nhiều so với kiểu màu còn lại.

iPhone 6 Plus cũng có giá bán chỉ từ 9 triệu đồng.

Sự khác biệt không nhiều so với iPhone 6S và 6S Plus ở mức giá khiến việc chọn mua iPhone 6, 6 Plus trở nên hợp lý hơn. Xét về thiết kế hay cấu hình, bộ đôi này vẫn giữ được tầm ảnh hưởng trong thị trường, nhất là khi việc cập nhật nền tảng iOS mới vẫn được Apple hỗ trợ khá nhiều.

iPhone 6S/6S Plus giá 10-12 triệu đồng

iPhone 6S và iPhone 6S Plus có sự chênh lệch giá khá nhiều so với thời điểm mới ra mắt. Mức giá dao động 10-12 triệu đồng, cách khá xa mức 17-18 triệu đồng lúc mới lên kệ. Cách đây khoảng một  tháng, khi iPhone 7 mới xuất hiện ở Việt Nam, giá bán của bộ đôi này còn ở mức 13-14 triệu đồng.

iPhone 6S về mức giá khoảng 10 triệu đồng.

Việc iPhone 7 không có bộ nhớ trong 16 GB, đồng nghĩa mức giá sàn sẽ cao hơn, kéo theo việc chọn dòng iPhone 6S, 6S Plus 16 GB được người dùng không có nhiều nhu cầu lưu trữ lựa chọn. Hơn nữa, việc giảm giá bán dòng iPhone trước đó cũng là yếu tố cần thiết để cạnh tranh với đối thủ khác.

iPhone 6S Plus về mức giá khoảng 11,6 triệu đồng.

Các tín đồ công nghệ tại Việt Nam tỏ ra háo hức trong đợt giảm giá mạnh này  của dòng smartphone thương hiệu Apple. Tuy đã ra mắt model mới, iPhone 6/6S Plus đều nhận được hỗ trợ lớn từ Apple, nhất là việc nâng cấp hệ điều hành mới mẻ.

Bên cạnh đó, sự sang trọng trong các chi tiết thiết kế, cấu hình lớn, hiệu năng ổn định cũng là yếu tố giúp dòng iPhone giá rẻ có sức thu hút lớn với người dùng.

Microsoft ngày càng sáng tạo hơn Apple


Hôm thứ tư (26/10), Microsoft đã tổ chức buổi lễ ra mắt hàng loạt sản phẩm, từ ứng dụng 3D cho đến dòng máy Surface, bên cạnh đó còn có những phụ kiện cực kỳ độc đáo và sáng tạo, ví dụ như thiết bị Surface Dial.

Surface Dial cho phép người dùng điều khiển hình ảnh trên màn hình cảm ứng, chọn bảng màu sắc, điều chỉnh âm lượng hoặc độ sáng màn hình, thậm chí còn có thể cuộn trang văn bản, theo Business Insider.

"Microsoft thực sự sáng tạo hơn Apple rồi. Tiếp tục nhé, tôi rất thích những sản phẩm lần này", 
một người dùng Twitter cho hay. Ảnh: Twitter.

Cùng với việc ra mắt kính thực tế tăng cường HoloLens giá 3.000 USD (hoặc phụ kiện VR của bên thứ 3 giá từ 300 USD), hay dịch vụ trí thông minh nhân tạo (AI) trên nền đám mây mà Microsoft cung cấp cho các nhà phát triển, công ty đã thực sự làm người dùng ấn tượng với làn sóng đổi mới của họ.

"Tôi là fan của Apple nhưng sự kiện lần này của Microsoft khiến tôi kinh ngạc". Ảnh: Twitter.
Một hình ảnh trái ngược khác là Apple, công ty vốn nổi tiếng với những sáng tạo đi đầu trong làng công nghệ.

Không thể phủ nhận, Táo khuyết đã đưa chúng ta đến với hàng loạt sản phẩm đình đám như iPhone, iPod, iPad và trợ lý ảo Siri. Tuy nhiên, theo thống kê trong ngày báo cáo tài chính hôm thứ ba (25/10), doanh thu của Apple đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, cùng với đó là sự giảm sút về doanh số của hầu hết các sản phẩm.

"Được rồi, đã hết giờ giải lao. Apple cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi hy vọng họ có xem sự kiện lần này". Ảnh: Twitter.

Điều này khiến một nhà phân tích thậm chí đã đặt câu hỏi trực tiếp với Tim Cook: "Có phải Apple giờ đây chỉ là kẻ chạy theo sau người khác?".

Trong suốt sự kiện và cả sau đó, người theo dõi liên tục đăng tải rất nhiều dòng tweet, nhưng hầu như tất cả đều mang nội dung: Microsoft ngày càng sáng tạo hơn Apple.

Cùng ngày, Apple tổ chức sự kiện ra mắt loạt MacBook mới, tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, các sản phẩm từ Táo khuyết không thực sự tạo ra những đột phá mới, mà chỉ cải tiến thiết kế đã xuất hiện từ 4 năm trước.

Máy khóa mạng giảm giá sâu, iPhone 6S còn hơn 7 triệu đồng

Hiện iPhone 6 khóa mạng có giá bán hơn 6 triệu đồng trong khi iPhone 6S khóa mạng cũng chỉ có giá 7,6 triệu.

Sau thời gian im ắng, iPhone khóa mạng bỗng bán tốt trở lại trong khoảng hai tuần qua. Nguyên nhân là do iPhone 7, 7 Plus về nước, giá bán giảm sâu.

Thực tế, đây là những lô hàng mới được các đầu nậu nước ngoài xả ra sau khi iPhone mới lên kệ. So với trước đây, nguồn hàng iPhone khóa mạng giai đoạn này khá sẵn, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng.

Cụ thể, iPhone 6 khóa mạng hiện có giá bán chỉ hơn 6,2 – 6,4 triệu đồng cho bản qua sử dụng 16 GB, iPhone 6S giá 7,5 – 7,8 triệu đồng. Tính ra, giá bán của iPhone 6S khóa mạng bằng hơn một nửa so với máy quốc tế cùng dung lượng (12 triệu đồng). Nếu muốn mua iPhone 6S khóa mạng mới, đầy đủ phụ kiện theo máy, số tiền người dùng phải bỏ ra khoảng gần 9 triệu đồng.

iPhone khóa mạng có sức bán tốt trở lại sau khi giá bán giảm mạnh. Ảnh: Thành Duy.

Với các bản Plus, giá bán chênh khoảng 1,5 triệu đồng so với bản thường. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này hơi kén khách nên số lượng bán ra không lớn, cũng không sẵn hàng.

Trong số những model này, iPhone 6S khóa mạng đang có sức bán tốt. “Giá bán chỉ ngang bằng với một chiếc iPhone 6 qua sử dụng nên nhiều người sẵng sàng chọn 6S, chấp nhận một số điểm khó chịu của máy khóa mạng”, anh Tuấn Anh, đại diện một cửa hàng xách tay tại Cầu Giấy cho biết.

Cũng theo anh này, iPhone 7 khóa mạng cũng về nhiều trong ít ngày qua và được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn, iPhone 7 khóa mạng bản 256 GB được bán với giá khoảng 15 triệu đồng, thấp hơn 2 triệu so với máy quốc tế bản 32 GB.

Với iPhone 7 khóa mạng, các cửa hàng ưu tiên mang về bản dung lượng lớn bởi các model này dễ bán hơn trong khi giá không chênh nhiều so với bản 32 GB. Chẳng hạn, iPhone 7 khóa mạng 256 GB có mức chênh chỉ 300.000 đồng so với  bản 32 GB.

“Không phải ai cũng sẵn sàng mua iPhone khóa mạng bởi những bất tiện nó đem lại. Đổi lại, họ có cơ hội sở hữu sản phẩm mơ ước với giá rẻ hơn nhiều. Từ lâu, dân sành iPhone đều đánh giá cao chất lượng của iPhone khóa mạng hơn so với máy quốc tế hàng lướt bởi những model này thường không bị mông má”, anh Trung Trí – đại diện một cửa hàng cho hay.

iPhone khóa mạng không phải sản phẩm lạ lẫm với người dùng Việt Nam. Về nguồn gốc, máy được cung cấp bởi các nhà mạng nước ngoài và cơ bản chỉ dùng được với SIM của nhà mạng đó. iPhone khóa mạng về Việt Nam chủ yếu từ thị trường Mỹ, Nhật trong đó máy Nhật chiếm số lượng lớn.

Để sử dụng, người dùng phải lắp SIM ghép – là một bản mạch nhỏ đặt dưới SIM – để đánh lừa máy. Với sản phẩm dạng này, máy gặp một số lỗi cố hữu như phải lưu danh bạ bằng đầu +84, lỗi tin nhắn iMessage, lỗi dùng máy để phát Wi-Fi, nghiêm trọng hơn là sóng tín hiệu sóng không ổn định và hao pin.

Những năm gần đây, công nghệ SIM ghép phát triển, cho phép khắc phục phần lớn các lỗi kể trên, thậm chí không cần jailbreak máy. Tuy nhiên, về cơ bản iPhone khóa mạng vẫn hoạt động kém ổn định so với máy quốc tế.

Muốn dùng MacBook Pro 2016 sạc iPhone 7 phải bỏ ra 19 USD

Sau khi bỏ cổng USB trên MacBook Pro 2016, Apple tung ra bộ chuyển đổi giá 19 USD để kết nối iPhone 7 vào chiếc laptop mới.

Apple đã sống đúng với từ "dũng cảm" trong thời gian gần đây. Đầu tiên, họ "dũng cảm" xóa bỏ cổng tai nghe 3,5 mm trên iPhone 7, mới đây, hãng lại xóa bỏ hàng loạt cổng kết nối trên MacBook Pro 2016.

Tuy vậy, điều dũng cảm nhất mà Apple vừa làm, theo Geek đánh giálà bán ra bộ chuyển cổng mới với giá 19 USD nhằm kết nối iPhone và MacBook Pro 2016.

Theo đó, iPhone 7 vừa bán ra tháng trước không thể kết nối trực tiếp vào MacBook Pro 2016. Muốn làm thế, người dùng phải bỏ ra 19 USD.

iPhone 7 và MacBook Pro 2016 không thể trực tiếp kết nối với nhau. Ảnh:MSPoweruser.

Nguyên nhân đến từ việc MacBook Pro 2016 đã bị loại bỏ hầu hết các loại cổng truyền thống. Từ Magsafe, HDMI, USB Type A đều biến mất, thay vào đó là USB-C và cổng Thunderbolt.

Điều khó hiểu là Apple đã bán kèm bộ chuyển tai nghe Lightning cho iPhone 7, nhưng lại bán riêng cổng USB Type-C với giá 19 USD, trong khi chiếc MacBook Pro 2016 rẻ nhất cũng đã lên đến 1.499 USD.

Bộ chuyển đổi dành cho MacBook Pro 2016 giá 19 USD. Ảnh: Apple.

Thực tế, không khó để thấy mục đích của Apple. Người dùng đang mất dần thói quen cắm điện thoại vào máy tính, nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của Wi-Fi và các dịch vụ lưu trữ đám mây. Bộ chuyển đổi này chỉ có mục đích dự phòng trong các trường hợp cần sạc gấp thông qua laptop.

Vài nhà sản xuất phụ kiện cũng có sản phẩm tương tự với mức giá rẻ hơn nhiều, từ 7 USD. Tuy nhiên, chúng  không có "mác" Apple cũng như tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Táo khuyết đặt ra.

Nhiều nhà sản xuất phụ kiện như Griffin cũng tung ra bộ chuyển đổi cho phép dùng cổng sạc Magsafe trên MacBook Pro 2016, với giá từ 35 USD.

Cơn khát 'mua sắm' doanh nghiệp toàn cầu của Trung Quốc chưa dừng lại

Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nhiều nhất thế giới. Vậy điều gì có thể ngăn cản cơn sốt “mua sắm” của quốc gia này trên toàn cầu?

Vào ngày 24/10 vừa qua, HNA Group của Trung Quốc trở thành cổ đông thiểu số của tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings Inc bằng việc mua lại số phần trị giá 6,5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn thứ sáu của một công ty Trung Quốc trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra 218,8 tỷ USD trong các thương vụ M&A nước ngoài, tăng 230% so với cùng kỳ 2015.

Cơn sốt M&A nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc bắt đầu từ nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu cho các nhà máy thép và ngành công nghiệp sản xuất. Mô hình này được gọi là nền kinh tế cũ.

Khi kinh tế Trung Quốc phát triển, mô hình kinh tế bắt đầu thay đổi và khẩu vị của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng thay đổi theo. Nhà đầu tư chuyển sang việc săn lùng các thương hiệu và công nghệ có thể thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng tại đây, thay vì tập trung xuất khẩu như trước. Đây là mô hình kinh tế mới của Trung Quốc.

Tham vọng M&A toàn cầu của Trung Quốc chưa dừng lại.

Và với sự bùng nổ của dòng tiền Trung Quốc đổ ra nước ngoài, các nhà quan sát nhận thấy những công ty nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc hiện nay khác hẳn với lúc trước. Điều này được thể hiện qua các ngành được Trung Quốc bỏ tiền vào M&A nhiều nhất hiện nay.

Trước năm 2013, hoạt động M&A quốc tế của Trung Quốc chỉ xoay quanh các tập đoàn quốc doanh mua lại các mỏ quặng sắt ở Australia, công ty năng lượng ở Canada hay quặng đồng ở châu Phi. Hơn một nửa các thương vụ mua bán liên quan đến các công ty năng lượng và hàng hoá. Giờ đây, các công ty tư nhân đang đổ tiền mua lại những tài sản đẳng cấp hơn như các đội bóng của Italy, những hãng phim của Mỹ hay những hãng thời trang cao cấp của Pháp. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc doanh chuyển sang mua những công ty sản xuất chip máy tính và công nghệ nông nghiệp.

Những địa điểm thu hút nhà đầu tư Trung Quốc cũng thay đổi theo năm tháng. Từ 2006 đến 2016, mức đầu tư vào M&A các công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tương đối ổn định với giá trị các thương vụ từ 10 tỷ USD trở xuống. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ và Tây Âu, Trung Quốc bắt đầu “đốt tiền” với tần suất dày đặc từ 2010 trở đi với thương vụ đắt giá nhất là việc tập đoàn hoá chất quốc doanh ChinaChem mua lại công ty thuốc trừ sâu Syngenta AG của Thuỵ Sĩ với giá 43,2 tỷ USD.

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc có thể kéo dài cường độ M&A như thế này mãi được không? Có năm tình huống có khả năng sẽ làm gián đoạn tốc độ mua bán công ty nước ngoài của Trung Quốc.

Thứ nhất, chính phủ các nước phương Tây có thể sẽ có những chế tài nhất định để ngăn các thương vụ này diễn ra. Chẳng hạn, tại Mỹ, Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài được lập ra để giám sát các hoạt động mua bán có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chính phủ Anh cũng vừa lập ra một quy trình xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các ngành nhạy cảm.

Thứ hai, chính phủ Trung Quốc có thể ra tay ngăn chặn một số thương vụ nhất định. Các nhà quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc muốn ngăn tình trạng nhiều công ty Trung Quốc tái niêm yết sau một thương vụ lớn để có giá trị vốn hoá lớn hơn

Thứ ba, Trung Quốc có thể ngăn luồng tiền nội tệ chảy ra khỏi đất nước. Một khi quy định về chuyển tiền ra nước ngoài bị siết lại thì mỗi giao dịch có thể tốn nhiều tuần và gây ảnh hưởng đến các thương vụ M&A quan trọng.

Thứ tư, hiện nay việc vay tiền ngân hàng để mua lại công ty nước ngoài rất dễ dàng. Các công ty quốc doanh hay tư nhân đều có thể vay vốn cho mục địch M&A, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, bất cứ động thái nào của ngân hàng để siết nguồn tín dụng này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động M&A vốn đang rất rầm rộ.

Thứ năm, các công ty Trung Quốc lo rằng đồng nhân dân tệ sẽ trượt giá trong thời gian gần, làm những thương vụ mua bán bằng tiền nội tệ sẽ đắt đỏ hơn. Do đó, họ đang đổ tiền mua các công ty nước ngoài khi đồng tiền của họ vẫn còn có giá. Nếu đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh, các công ty Trung Quốc sẽ quay trở lại M&A trong nội địa.

Trong năm tình huống này thì tình huống thứ nhất và thứ ba đã diễn ra. Trung Quốc đã không mua được Western Digital với giá 3,8 tỷ USD và Fairchild Semiconductor với giá 2,5 tỷ USD vì chính phủ Mỹ ngăn chặn hai thương vụ này, viện lý do an ninh quốc gia. Kế hoạch mua lại công ty Qihoo 360 Technology, một công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng đã thất bại vì quy trình kiểm soát dòng tiền của chính phủ Trung Quốc.

Đất khu văn phòng gần trung tâm Sài Gòn 280 triệu đồng mỗi m2

Phố Nguyễn Văn Trỗi nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu trung tâm quận 1 xuất hiện dày đặc các show room và cao ốc văn phòng có giá đất mặt tiền 280 triệu đồng mỗi m2, theo Propzy.

Đơn vị này vừa công bố 3 cung đường "bất động sản vàng" tại quận Phú Nhuận có giá trị thương mại cao nằm gần khu trung tâm quận 1, TP HCM. Đây là một hiện tượng trong thị trường bất động sản tại địa bàn này.

Theo đó, tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi đi qua địa bàn 2 quận Phú Nhuận và Tân Bình là cung đường ngoại giao nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với quận 1 có giá đất mặt tiền trung bình 280 triệu đồng mỗi m2. Tuyến phố này xuất hiện dày đặc các gian hàng trưng bày sản phẩm và cao ốc văn phòng nên được mệnh danh là cung đường của "buiding office và show room".

Giá đất mặt tiền 3 cung đường bất động sản vàng tại Phú Nhuận có giá trị thương mại cao. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, khu vực Phan Xích Long là thiên đường của các chuỗi ẩm thực F&B quốc tế và thuần Việt, cũng là phố ngân hàng (nhiều phòng giao dịch ngân hàng có mặt tại đây) có giá đất mặt tiền dao động ở ngưỡng 200-220 triệu đồng mỗi m2.

Trong khi đó, tuyến đường Lê Văn Sỹ cũng được mệnh danh là cung đường bất động sản vàng của quận Phú Nhuận có giá đất mặt tiền trung bình 120 triệu đồng mỗi m2. Tuyến phố này ngập tràn shop thương mại đủ mọi ngành nghề: thời trang, mỹ phẩm.

Phố Nguyễn Văn Trỗi dày đặc các tòa nhà văn phòng và show room trưng bày hàng hóa xuất hiện 
trên tuyến đường ngoại giao nối từ sân bay Tân Sơn Nhất với quận 1, TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Đơn vị này đánh giá, từ quận Phú Nhuận có thể di chuyển khắp các khu vực khác và di chuyển vào trung tâm thành phố, nên Phú Nhuận thường được chọn là nơi để đặt văn phòng kết hợp với nhà ở. Một số nhà đầu tư lựa chọn hình thức mua các thửa đất lớn rồi chia nhỏ để xây dựng với diện tích đất 35-45m2 kết cấu một trệt, một lửng, 2 lầu và sân thượng, sau đó bán lại với tầm giá 4,5-5,5 tỷ đồng.

Nghiên cứu của Propzy, nếu có 2 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể giải được bài toán mua nhà phố với nhiều loại diện tích khác nhau tùy vị trí. Tại quận Phú Nhuận với 2 tỷ đồng có thể mua được nhà 25-30 m2. Trong khi đó, tại quận Gò Vấp, 2 tỷ đồng có thể đầu tư căn nhà phố 40-50 m2. Nếu chịu khó di chuyển ra xa hơn đến quận 12, số tiền này có thể mua được nhà 70-100 m2.

Nếu vẫn muốn tìm một địa chỉ ở Phú Nhuận với tầm tiền từ 1,2 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng, vẫn còn một số lượng nhà phố diện tích nhỏ tập trung ở các khu vực dọc tuyến đường sắt Bắc Nam.

Lý do không nên làm việc vì tiền

Bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn, không vui vẻ và thường xuyên nhảy việc để tránh sự chán nản, thiếu động lực.

Mọi người làm việc vì tiền và để kiếm sống. Đây chính là thực tế. Nếu không có tiền, chúng ta không thể chi trả cho các nhu cầu thiết yếu, như nơi ở, đồ ăn, quần áo. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để tiền kiểm soát mình. Vì khi đó, bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc và sự thỏa mãn.

Vấn đề ngày nay là phần lớn mọi người làm những công việc mà họ không thích, chỉ để kiếm tiền. Họ cho rằng nếu kiếm đủ tiền để mua xe sang, quần áo đẹp, đồ điện tử xịn,... họ sẽ vui vẻ. Tuy nhiên, họ đã quên mất một điều - tiền không thể mua hạnh phúc.

Hãy làm việc mình thích và kiếm tiền từ chúng. Nếu không, bạn có thể gặp phải những vấn đề sau đây:

1. Bạn sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền


Kể cả bạn có là nhân viên được trả lương cao nhất ở cấp bậc của mình trong công ty, bạn sẽ vẫn cảm thấy thiệt thòi. Vì thế, bạn sẽ luôn phàn nàn về lương lậu và nói về việc ai đó được trả nhiều hơn, dù bạn xứng đáng hơn. Kết quả là bạn cảm thấy không hạnh phúc và không thỏa mãn.

2. Thường xuyên nhảy việc

Vì không vui vẻ và cảm thấy không được trả lương xứng đáng, bạn sẽ luôn nhìn sang các công ty khác mà bạn cảm thấy mình sẽ được trả nhiều hơn. Đó là lý do bạn sẽ nhảy việc thường xuyên. Đầu tiên, bạn có thể hạnh phúc một chút, vì được gặp người mới, và vào môi trường mới. Tuy nhiên, khi đã quen với nó rồi, cảm xúc này sẽ biến mất và bạn lại rơi vào tình trạng cũ, trừ phi công việc mới thực sự là đam mê của bạn.

3. Mắc nợ nhiều hơn

Một khi đã tốt nghiệp Đại học và đi làm, bạn sẽ phải trả nợ học phí. Sau đó, bạn có thể muốn mua nhà và lại đi vay tiền. Nhưng bạn vẫn muốn duy trì phong cách sống của mình, mua smartphone mới nhất hoặc đi châu Âu du lịch. Bạn tự tin với những khoản chi này vì nghĩ mình có thể trả chúng sau. Việc này sẽ sớm biến thành vòng luẩn quẩn, khi bạn lấy lương và chỉ dùng nó để trả nợ. Bạn sẽ mãi mắc kẹt trong công việc lương cao, dù không mấy thích thú, vì nó là cách duy nhất giúp bạn trả nợ.

4. Trở thành nô lệ đồng tiền

Sau một thời gian, tiền sẽ bắt đầu kiểm soát bạn, thay vì bạn kiểm soát chúng. Bạn sẽ trở thành nô lệ của đồng tiền. Đừng quên rằng tiền không phải là điều quan trọng nhất thế giới. Vì thế, đừng để nó làm trung tâm cuộc sống của bạn. Hãy đi theo thứ khiến bạn cảm thấy mình đang sống và có niềm vui.

Tràn lan camera an ninh giá rẻ

Đáp ứng nhu cầu quan sát nhà ở, cửa hàng từ xa tăng cao, thị trường camera an ninh đang tràn ngập những sản phẩm giá rẻ, nhưng đi cùng với nó là không ít hiểm họa.

Chỉ cần gõ từ khóa camera an ninh giá rẻ trên công cụ tìm kiếm Google, có đến hơn 850.000 kết quả được trả về trong 0,24 giây. Xếp đầu các kết quả hiển thị là một loạt website trả tiền quảng cáo với các từ khóa “giá rẻ”, “giá sốc” để thu hút người mua hàng.

Tại các website, sản phẩm camera an ninh cũng rất phong phú về thương hiệu, chủng loại và giá cả. Phổ biến hiện nay là loại camera dạng tròn (dome), dạng hộp có mái che (box) và dạng ngụy trang với máy ảnh chỉ nhỏ bằng một ngón tay. Tuy nhiên, camera dạng tròn và không dây đang được quảng cáo nhiều hơn cả. Nhiều sản phẩm chỉ có giá từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng. Người có nhu cầu chỉ cần mua camera này về, gắn vào vị trí cần thiết, cắm điện cho camera hoạt động và kết nối với hệ thống wifi của gia đình. Để quan sát hình ảnh, họ chỉ cần tải ứng dụng của nhà sản xuất thiết bị về điện thoại, nhập mã sản phẩm là có thể xem thoải mái.

Không chỉ bán trên internet, camera an ninh hiện cũng rất phổ biến tại các chợ có bán đồ điện tử như: Nhật Tảo, Dân Sinh, Tân Thành tại TP HCM; hay như khu vực: Hàng Bài, Tràng Thi, Phố Huế… ở Hà Nội. Tại các địa điểm này, camera an ninh đắt, rẻ gì cũng có. Hầu hết khách hàng gia đình, thích tiết kiệm chi phí, gọn nhẹ và không cần tìm hiểu về kỹ thuật thường được tư vấn chọn camera không dây.

Camera không dây giá rẻ đang rất được ưa chuộng trên thị trường.

“Nếu anh chị lắp trong nhà, không bị ảnh hưởng thời tiết thì nên dùng loại không dây vì nó gọn, không tốn tiền mua đầu ghi và dây cáp. Tuy nhiên, nhược điểm của camera này là có thể bị hack và bị nhiễu tín hiệu. Để không bị hack thì nên thường xuyên đổi mật khẩu”, chị Hồng Thắm - nhân viên tư vấn của một hệ thống kinh doanh camera an ninh ở TP HCM nói.

Trong khi đó, tại các cửa hàng điện máy lớn, mặt bằng giá của camera an ninh khá cao, loại rẻ nhất khi đang khuyến mãi cũng ngót nghét một triệu đồng. Thông thường, dòng camera an ninh của những thương hiệu lớn dao động ở mức 3 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng.

Theo các đại lý, camera giá rẻ thường có tuổi thọ ngắn, góc quay hẹp, có loại chỉ sau vài tháng dùng là chất lượng hình ảnh giảm rõ rệt. Còn theo các chuyên gia, việc mua camera an ninh giá rẻ, vốn có xuất xứ không rõ ràng, thương hiệu nhái hay không uy tín còn ẩn chứa hiểm họa về an toàn thông tin.

“Các camera an ninh hiện tại về mặt kỹ thuật thì nó như là một cái máy tính, có hệ điều hành. Và do nhỏ gọn nên việc bảo mật của nó không biết cố tình hay hữu ý bỏ qua nên rất yếu, dễ bị hack. Thậm chí trong vòng 30 giây, tôi có thể demo hack vào một cái camera an ninh mà không cần tên đăng nhập và mật khẩu. Điều này rất nguy hiểm vì nó đang tràn ngập ngoài thị trường và giá rất rẻ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Mạng máy tính và Truyền thông Đại học Công nghệ thông tin TP HCM nhận xét.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều nguy hiểm hơn là khả năng bị theo dõi, đánh cắp thông tin. Cụ thể, những camera cho phép xem từ xa miễn phí thực tế đã chuyển dữ liệu ghi hình về máy chủ của công ty sản xuất thiết bị. Từ đó, người dùng mới có thể kết nối vào hệ thống này để xem. Với những nhà sản xuất không có uy tín ở nước ngoài, dữ liệu mà họ thu thập được từ các camera của khách hàng rất có khả năng bị trục lợi vì ý đồ xấu, không chỉ là an ninh cá nhân mà còn cả vấn đề an ninh quốc gia.

“Sở Thông tin Truyền thông đã tham mưu với Ủy ban thành phố về những tiêu chí khi sử dụng camera an ninh. Chúng tôi cũng đang cùng các cơ quan chức năng rà lại tất cả hệ thống đã lắp đặt dể xem xét khả năng an toàn thông tin của nó”, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP CHM cho biết về vấn đề đầu tư các hệ thống camera an ninh trên địa bàn.

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin VNISA phía Nam cho biết, camera an ninh đang là chủ đề nóng, được nhiều chuyên gia công nghệ quan tâm. Ông cho biết, sắp tới đây, vào ngày 17/11, vấn đề này một lần sẽ nữa được đưa ra thảo luận nhân sự kiện “Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2016’.

Vụ trưởng Ngân sách: Trung ương vẫn ưu tiên chi lớn cho TP HCM

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng với mức chi ngân sách theo đầu người gấp 1,7 lần các địa phương khác và khoảng 7.000 tỷ đồng bổ sung đầu tư trong năm 2016, TP HCM không phải chịu thiệt trong vấn đề chi tiêu.

Trước việc phải điều chỉnh tỷ lệ ngân sách điều tiết về trung ương (theo hướng giảm tỷ lệ để lại địa phương), nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM, đã nêu quan điểm không đồng tình. Cụ thể, theo kế hoạch từ năm 2017, tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại trong giai đoạn 2017-2020 giảm mạnh từ 23% xuống 18% số thu phải điều tiết. Với vai trò là địa phương đầu tàu, có số thu ngân sách lớn (TP HCM cùng với Hà Nội chiếm 50% cả nước), TP HCM cho rằng tỷ lệ điều tiết này không phù hợp và sẽ gây khó khăn trong chi tiêu.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính - khẳng định TP HCM vẫn đảm bảo 
đủ nguồn lực phát triển. Ảnh: Thanh Lan.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính khẳng định việc xác định lại tỷ lệ điều tiết này đã được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của thành phố. Theo ông Hưng, thực chất, ngân sách trung ương vẫn luôn ưu tiên dành nguồn chi lớn cho TP HCM.

Theo quy định hiện hành, khoản thu ngân sách tại các địa phương gồm ba phần. Một phần nộp lại 100% cho trung ương (như dầu thô); một phần các địa phương được hưởng 100% (ví dụ khoản thu từ xổ số...) và phần còn lại phải chia sẻ giữa trung ương và địa phương theo tỷ lệ điều tiết. Ví dụ như TP HCM, tỷ lệ điều tiết hiện tại là 77:23 (TP HCM giữ lại 23%, phần còn lại nộp về trung ương). Giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 18%.
Vị này lý giải, mức chi trên đầu dân số của thành phố đang gấp 1,7 lần so với các địa phương khác. Ngoài ra, trung ương còn bổ sung cho thành phố trên 7.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án. "Nếu tính cả 7.000 tỷ này, tỷ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại không phải chỉ là 18% mà là 22%. Trong 7.000 tỷ đó ít nhất có 3.200 tỷ để đầu tư xây dựng 2 bệnh viện tuyến cuối (Hàm Nghi và Ung bướu)", ông Hưng nói.

Ngoài việc thu ngân sách vượt sẽ có thưởng, trong giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Vụ Ngân sách cho biết sẽ tiếp tục bổ sung cho địa phương này trên dưới 3 tỷ USD vốn ODA để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý các vấn đề môi trường và nguồn một tỷ đôla Mỹ cho vay lại.

"Không phải Bộ Tài chính không ý thức được trường hợp của TP HCM. Chúng tôi đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết giảm không quá lớn, nếu giảm vẫn phải có nguồn lực khác bù vào để đảm bảo thành phố không bị tác động quá lớn", ông Hưng lý giải.

Không riêng TP HCM, Hà Nội cũng bị điều chỉnh tỷ lệ giữ lại tại địa phương từ 42% xuống 28%; Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 68%. Theo đại diện Bộ Tài chính, nhu cầu ngân sách có thể sẽ không tăng như nhu cầu của các địa phương này nhưng không thể nói là giảm quá lớn. Ông lấy ví dụ, hai thành phố như Hà Nội, TP HCM còn có nhiều công trình do trung ương đầu tư. Như TP HCM được trung ương đầu tư 6.000-7.000 tỷ đồng vào các công trình, sau này khi các doanh nghiệp làm việc trên địa bàn nộp thuế cho thành phố và cũng đóng góp vào tăng trưởng cho họ. Theo ông Hưng, đây cũng được xem là nguồn lực của địa phương.

"Để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn sẽ phải lấy từ các địa phương có điều kiện hơn. Đây là nguyên lý điều hoà ngân sách chung của tất cả các nước. Nếu cả 63 địa phương đều kêu thì miếng bánh ngân sách không bao giờ đủ được", ông Hưng chia sẻ.

Trên thực tế, trong khi 13 địa phương chiếm 80% số thu cả nước và có điều tiết, đóng góp lại cho ngân sách trung ương thì vẫn còn 50 địa phương đều đặn nhận tiền hỗ trợ, bổ sung từ trung ương.

Một ví dụ điển hình như tỉnh Bắc Kạn có số thu ít nhất cả nước khi nguồn thu cả năm không đầy 600 tỷ đồng (chưa bằng một ngày thu của những địa phương như TP HCM). Ngược lại, những địa phương này có địa bàn khá khó khăn, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp nên dư địa thu cũng không thể lớn như các đơn vị có cơ cấu công nghiệp và dịch vụ khác, chưa kể còn chịu nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu... "Do đó, khi xây dựng định mức phân bổ thì cần xác định nguồn lực làm sao cho cân bằng hơn để mỗi địa phương có thể đảm đương các nhiệm vụ vụ kinh tế xã hội trên địa bàn mình", ông Hưng nói.

Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy TP HCM cũng nói, vấn đề hạ tầng của TP đang quá bức bối trong khi chi thường xuyên đã giảm tối đa và không thể cắt thêm. Do đó, theo bà, nếu bị giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại, TP HCM chỉ còn cách cắt giảm chi đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Không riêng lãnh đạo thành phố, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc đột ngột bị "thắt lưng buộc bụng" có thể làm suy giảm tăng trưởng của các thành phố đầu tàu tăng trưởng kinh tế như TP HCM, Hà Nội và thậm chí là ảnh hưởng chung đến cả nước. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong khi đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và luôn bị trung ương giao chỉ tiêu thu cao, các địa phương như TP HCM bị giảm tỷ lệ giữ lại có thể gây ra tình trạng không công bằng.