Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Hà Nội: Cả đời tích cóp được hơn 200 triệu đồng, cụ bà 88 tuổi mang đi đóng hụi, khi đòi nợ, chủ hụi chỉ móc trả 239.000 đồng


Trong những ngày này nhiều gia đình tại vùng quê nghèo thuộc thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội mất ăn, mất ngủ vì lâm vào cảnh vỡ hụi.






Thông tin bà chủ hụi tên P. ở huyện Thanh Oai bị vỡ hụi được lan truyền từ chính những người trực tiếp góp vốn tham gia với ước mơ làm giàu. Sau đó, nhiều người bảo nhau kéo đến nhà bà P. với mong muốn làm rõ cũng như đòi lại tiền nhưng không được tiếp xúc. Có thông tin cho rằng, bà P. đi điều trị bệnh hoặc bà P. đã bỏ nhà đi nơi khác ở, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng vì có nguy cơ mất trắng số tiền đã góp cho chủ hụi.

Lang thang vì chồng không cho về nhà

Chiều 17/12, chúng tôi đã về địa trên để ghi nhận tình hình thực tế thì được biết bắt đầu từ tháng 11/2017 người dân tại đây đã bị đảo lộn. Theo như thông tin từ chính những người dân ở đây cho biết, rất nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng và có cả những hoàn cảnh hết sức éo le cũng trắng tay vì nghe theo chủ hụi.



Bà Sam phải sống cảnh lang thang vì mất tới 600 triệu đồng khi nghe theo chủ hụi.

Các trường hợp bị mất trắng hoặc lâm vào cảnh nợ nần không trừ một ai, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo đều "dính" với chủ hụi.

Trường hợp được người dân nhắc nhiều nhất là bà Sam đã gần 60 tuổi, rơi vào cảnh ly tán sau khi bị mất trắng 600 triệu đồng, số tiền bà cùng gia đình tích cóp suốt nhiều năm.

"Khi vỡ lở cả thôn ai cũng khổ, nhưng khổ nhất vẫn là bà Sam. Bà ấy chơi tới 600 triệu, giờ mất trắng. Chồng đuổi đi không cho về nhà, đốt hết quần áo, chăn màn của bà ấy. Một tháng nay, bà ấy cứ đi lang thang khắp nơi vì không dám về nhà", một người dân trong thôn Châu Mai cho biết.

Theo người dân thôn Châu Mai, sau khi vỡ hụi, bà Sam bị chồng đuổi đi, không cho về cũng không có tiền để ăn tiêu nên cả ngày bà này chỉ ngồi ở cổng nhà bà P. (chủ hụi) gào khóc.

"Đến nỗi bà ấy tranh thủ về qua nhà băm rau cho lợn ăn, chồng cũng đuổi. Dân ở đây ai cũng thương bà ấy, gần 60 tuổi mà đầu bạc trắng chỉ vì nghĩ đến tiền hụi không biết đến khi nào mới lấy được", một người dân lắc đầu ngao ngán.


Video tạm dừng




Được sự hướng dẫn của hàng xóm, chúng tôi đi tìm gặp bà Sam khi bà này đang đạp xe ở trong con đường làng.

Trao đổi với PV, bà Sam cho biết, gia đình bà đã đóng góp 600 triệu cho chủ hụi có tên là P.. Khi nghe tin chủ tuyên bố vỡ nợ, cả gia đình bà bàng hoàng, lo lắng. "Bây giờ tôi không biết phải đi đâu về đâu, tôi quá mệt mỏi và cũng hết chỗ tá túc. Chồng tôi đốt sạch quần áo, đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi có nhà mà như không", bà Sam cho biết.

Theo bà Sam, chủ hụi có hứa trả cho gia đình bà 2 sào ruộng, nhưng trước sự việc rối bời và quá nhiều người đòi nợ thì không chắc chắn chủ hụi giữ cam kết.

Con cái phải bỏ học

Cũng trong tình cảnh thẫn thờ vì mất tiền, căn nhà của cụ bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi) tăm tối, lạnh lẽo hơn bao giờ hết. Cụ Mượn cho biết, suốt 15 năm qua sống bằng nghề trồng cấy rau và tích góp được 210 triệu đồng, thì đã góp hết cho chủ hụi tên P.





Sau bao nhiêu năm tích góp được hơn 200 triệu đồng, giờ đây, khi đến tuổi "gần đất xa trời" cụ Mượn lại trắng tay.

"Tôi đến đòi thì nó nói không có tiền, khi nào có thì nó báo. Tôi xót xa, khóc mãi, P. mới móc ra trả được cho tôi 239.000 đồng. Nó bảo, nó chết là hết. Nếu kiện cáo nó đi tù thì không trả. Nghĩ đến câu nói của nó, cứ đêm đến là tôi khóc một mình vì tiền đó là công sức tôi bán rau, con cháu cho không biết bao nhiêu năm nay", cụ Mượn chua xót.

Bi đát không kém gì các gia đình nêu trên, bà Đào Thị Phơi (64 tuổi, ở xóm 7) cũng đang lo lắng tột độ kể từ khi trong xóm xuất hiện thông tin vỡ hụi. Bà Phơi cho biết, hiện bà sống cùng con trai tên Hoàng Như Bền.



Bà Phơi chia sẻ về việc con trai bị mất trắng 90 trệu đồng.

Trớ trêu thay, bản thân anh Bền lại là người bị câm điếc bẩm sinh, vợ chồng anh Bền quanh năm chỉ làm nghề nhặt ve chai, phế thải. Sau khi tích góp được khoảng 90 triệu đồng với ý định để xây nhà. Nhưng vì muốn có thêm tiền nên vợ chồng anh Bền đã đem theo toàn bộ số tiền này góp cho chủ hụi.

Bà Phơi vẻ mặt căm phẫn chia sẻ: "Hồi tháng 10, vợ chồng nó đến lượt lấy tiền nhưng chủ hụi không thể trả để cho nó xây nhà. Nhà đang xây dở, không lấy được tiền, vợ chồng nó lại phải vay lãi ngân hàng để xây cho xong".

Theo bà Phơi, từ ngày vỡ hụi, 2 đứa con lớn của anh Bền phải bỏ học phụ giúp bố mẹ kiếm tiền trả nợ. Vì quá tin tưởng vào hàng xóm nên vợ chồng con trai bà Phơi mới bỏ tiền ra để chơi hụi.

Trưa cùng ngày, chúng tôi tìm đến căn nhà khang trang được cho là của gia đình bà P. (chủ hụi) ở thôn Châu Mai. Tuy nhiên, cánh cửa của ngôi nhà này luôn trong tình trạng đóng kín.

Chờ đợi cơ hội mở cửa, chúng tôi đã đến gần nhưng bà P. phát hiện nên chỉ nói vài câu rồi lại đi vào nhà.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên lãnh đạo xã Liên Châu xác nhận đã nhận được thông tin phản ánh của 5 người dân về sự việc nói trên. Khi công an xã xuống làm việc thì có gần 80 người đã phản ánh. Sau khi làm công tác tư tưởng, tình hình đã dần ổn định. Lãnh đạo xã cũng xác nhận bà P. hiện vẫn đang ở nhà theo như người dân nhìn thấy.

Hiện tại vụ việc đã được báo cáo lên cấp huyện để có hướng xử lý.

Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng 2 năm người dân địa phương này biết đến bà P. là một đại gia có tiếng chuyên cho vay và làm ăn lớn. Sau khi tìm hiểu, nhiều người đã hùn vốn cho bà P. để hưởng lãi suất cao.

Hiện tại có rất nhiều người đã tham gia vào hội của bà P., người đóng 4 triệu hoặc 5 triệu/tháng, với kỳ hạn 11 tháng sau sẽ được lĩnh. Một số người mới đóng được vài tháng thì vỡ trận, nhưng cũng có những người đóng tiền đều đặn, gần đến kỳ rút thì lại có nguy cơ mất trắng.

Mỹ là quốc gia được người Việt Nam viếng thăm nhiều nhất trong năm 2017


Trong 80 quốc gia được người Việt Nam lựa chọn đi du lịch trong năm 2017, Mỹ là những quốc gia được lựa chọn nhiều nhất. Ngoài ra còn có Úc, Thái Lan, Singapore, Malaysia…






Đây là thống kê thú vị dựa trên ứng dụng đặt xe Uber của người Việt. Qua đó, mọi người có thể thấy được rất nhiều điều về một thành phố hay một đất nước qua việc đi lại của người dân, như thói quen của người Việt thường đi đâu, giờ nào và làm gì vào những ngày cuối tuần…



Người Việt thích đặt xe qua ứng dụng khi đi đến những đất nước xa lạ. Ảnh: UB

Tại Việt Nam, thống kê tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 5 giờ chiều là thời gian mọi người hay đặt xe nhiều nhất. Đây là thời gian rất quan trọng và thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Đó có thể là lúc mọi người vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc dài mệt mỏi, ghé qua trường đón con hay chuẩn bị công việc cho ca trực đêm.

Tuy nhiên, ngày thứ bảy mới thực sự là thời điểm sôi động nhất trong tuần. Quả thực, người Việt Nam rất biết cách tận dụng những ngày nghỉ này để chơi cùng gia đình hay đi xa. Và thời điểm mà mọi người đặt xe dịch vụ nhiều nhất trong năm chính là ngày 23/9 – Tết Trung Thu.



Mỹ là đất nước người Việt đi du lịch nhiều nhất trong năm. Ảnh: UB

Tại nước ngoài, 80 quốc gia trên thế giới là con số được người Việt khám phá trong năm 2017, phần lớn là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, đam mê phiêu lưu khám phá đang chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam. Và việc sử dụng ứng dụng đặt xe khi di chuyển tại các nước xa lạ được cho là phương tiện tiện lợi nhất, an toàn nhất.

Theo ghi nhận, người Sài Gòn đã đặt chân đến 544 thành phố của các quốc gia trên thế giới, còn những tâm hồn đam mê du lịch Hà Thành đã khám phá hơn 490 thành phố.

Khởi động giám sát vốn, tài sản Nhà nước 2011-2016 tại doanh nghiệp


Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc với nhiều cơ quan bộ ngành, tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước...


Hội thảo thực trạng sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề đặt ra - Ảnh:qh.vn



Hôm 19/12, một hội thảo về thực trạng sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và những vấn đề đặt ra đã diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Đây là một trong những hoạt động khởi động chương trình giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016".

Như VnEconomy đã thông tin, đó là chuyên đề duy nhất được chọn cho giám sát tối cao của Quốc hội năm sau.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại hội thảo, năm 2016, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của 273 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 495.126 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2015.

Tổng số nợ phải trả là 325.335 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 31.723 tỷ đồng, tăng 54% so với số thực hiện 2015 nếu xét cùng số lượng doanh nghiệp hiện có trong 2015.

Tổng phát sinh nộp ngân sách Nhà nước 62.967 tỷ đồng, tăng 24% so với 2015 nếu xét cùng số lượng doanh nghiệp hiện có trong 2015.

Trước đó, tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, một báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 cũng được gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội. Số liệu từ đây cho thấy, công việc của đoàn giám sát sẽ khó có thể nhàn nhã, khi mà nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra.

Kết quả kiểm toán 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cũng phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót... theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội cho biết, phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển nói: trong giai đoạn 2011-2016, môi trường pháp lý về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từng bước được xây dựng, hoàn thiện về cơ bản, đáp ứng mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công cũng như công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, đây vẫn là công việc khó khăn, phức tạp, còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi nhiều giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt.

Được biết, trong quá trình giám sát, đoàn giám sát sẽ làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... và các nhà tài trợ JICA, OPEC, ADB, WB.

Đoàn cũng sẽ làm việc, khảo sát tại nhiều tỉnh, thành: Tp.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang; Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa; Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum.

Lịch trình làm việc của đoàn còn có các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Những áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc khiến nhiều người trẻ rơi vào "hố sâu" trầm cảm


Hiện nay, nhiều người trẻ ở Hàn Quốc đang gặp phải những áp lực vô hình từ chính xã hội mang lại đến mức muốn trốn chạy khỏi đó theo những cách thức tiêu cực nhất.






Được thế giới biết đến với làn sóng Hallyu sôi động, trẻ trung, những chuyện tình drama lãng mãn, ngọt ngào và công nghệ thẩm mỹ hàng đầu châu Á, Hàn Quốc hiện lên trong mắt nhiều người là một quốc gia lý tưởng để sống và làm việc, thế nhưng, khuất sau vẻ ngoài bóng bẩy, hào nhoáng là một xã hội được gói gọn trong hai chữ "áp lực".

Dưới đây là 5 loại áp lực có thể gặp phải khi sống ở Hàn Quốc đến mức bạn muốn trầm cảm:

1. Áp lực từ công việc và nỗi sợ hãi thất nghiệp ở giới trẻ Hàn Quốc.



Ảnh minh họa.

Đã qua cái thời phát triển như vũ bão của nền kinh tế Hàn Quốc vào những năm 1960, 1970, hiện tại, người trẻ nước này đang phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ tỉ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng. Ở xứ sở Kim Chi, có một việc làm ổn định trở thành yếu tố quyết định khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Chính điều này đã dẫn dến những vấn đề nổi cộm như áp lực thi cử đối với học sinh, sinh viên và xu hướng chết do lao lực giống với đất nước láng giềng Nhật Bản.

Nhiều người trẻ tuổi ở Hàn Quốc thừa nhận, họ đang vật lộn tìm ra lối thoát cho bản thân, thậm chí là muốn rời bỏ đất nước để trốn tránh áp lực mà xã hội mang lại. Môi trường học tập và làm việc trở nên cạnh tranh cũng đã kéo theo số người mắc chứng trầm cảm và vấn nạn tự sát tăng cao. Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2017, Hàn Quốc một lần nữa tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất châu Á và thứ 4 thế giới với khoảng 284 người tự tử/ ngày.

2. Áp lực vì mối quan hệ cấp bậc



Ảnh minh họa.

Dù đã phát triển đến mức trở thành một trong 4 "con rồng Châu Á", Hàn Quốc vẫn tồn tại những hệ tư tưởng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông và chịu ảnh hưởng rất nặng từ giáo lý Khổng Tử. Chính điều này đã khiến đất nước này đề cao vai trò của văn hóa cấp bậc.

Những cụm từ "tiền bối", "hậu bối" trở thành những thứ thân quen hơn bao giờ hết khi người ta tiếp cận với xã hội Hàn Quốc. Cùng với đó, mặt trái của loại văn hóa này đã khiến không ít người trẻ tuổi phải chịu đựng những áp lực không tên mà không có cách thể nào thoát ra được.

Ở đất nước Đông Á này, mối quan hệ tiền bối – hậu bối không dựa vào độ tuổi mà gắn chặt với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên. Bên cạnh những lợi ích như nâng cao tính đoàn kết, phát triển đội ngũ tập thể thì tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", chèn ép, sai vặt hay yêu cầu vô lý được đưa ra từ những tiền bối mà những hậu bối chỉ có thể "ngậm đắng nuốt cay" làm theo.

Bên cạnh đó, quan hệ cấp bậc còn được thể hiện giữa những người lớn tuổi với người nhỏ tuổi hơn, cha mẹ với con cái... mà ở đó, những đứa trẻ ở Hàn Quốc thường phải mang gánh nặng do chính những bề trên đặt lên.

3. Áp lực từ việc phải có ngoại hình đẹp



Ảnh minh họa.

Ở xứ sở Kim Chi, một khuôn mặt được cho là đẹp bao gồm: da trắng mịn, mũi cao, mắt to hai mí, khuôn mặt nhỏ, cằm nhọn và hàm răng phải trắng đều tăm tắp. Người Hàn Quốc có khái niệm làm đẹp từ rất sớm, họ thường tranh thủ thời gian cho việc trang điểm mọi lúc mọi nơi bất kể nam hay nữ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra cho thấy các công ty, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều đòi hỏi ở nhân viên một ngoại hình vừa mắt, có phong thái, thời trang bên cạnh học vấn và năng lực. Không ít công ty thậm chí còn công khai từ chối những người có hình xăm hay để râu đến xin việc.

Do vậy, người dân nước này dường như bị một áp lực là phải ... đẹp để đảm bảo cuộc sống "dễ thở" hơn và những người xấu xí dù tài năng đến mấy cũng ít được coi trọng trong xã hội.

4. Bắt nạt học đường



Ảnh minh họa.

Ngày 1/9/2017, một nữ sinh 14 tuổi sống tại Busan đã bị chính những người bạn cùng trang lứa đánh đập đến mức mặt mũi biến dạng, thân thể bầm dập và phải chịu tổn thương tinh thần trong suốt cuộc đời. Sự việc đã gây chấn động đất nước này trong một thời gian dài đồng thời dấy lên thực trạng bạo lực học đường đang ngày một gia tăng ở đất nước này.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc vào tháng 11 và 12 năm 2009, 22% trong số 4.073 học sinh ở 64 trường tiểu học và trung học cho biết, các em từng bị bắt nạt ở trường.

Học sinh Hàn Quốc thường chơi theo hội, nhóm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn phải là người hòa đồng hoặc bị ghét thì khả năng bị đánh hội đồng, tẩy chay, bắt nạt... là rất cao.

5. "Búa rìu" dư luận



Ảnh minh họa.

Sống trong một xã hội nền tảng gắn kết, dư luận Hàn Quốc cũng xây dựng cho mình một mạng lưới lớn mạnh và nổi tiếng nghiêm khắc. Có những khi chỉ một lời đồn vô căn cứ cũng có thể khiến người dân nước này dậy nên những đợt sóng gió mà bản thân người trong cuộc, về một mặt nào đó, luôn là những người bị tổn thương nhiều nhất.

Đặc biệt trong giới giải trí, từng có thời điểm, thế giới liên tục rúng động trước những vụ tự sát của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều ngôi sao đã tìm đến cái chết khi không thể tiếp tục gồng mình gánh chịu sức ép của sự nổi tiếng, từ dư luận và cả nỗi sợ hãi của việc bị lãng quên.

Trên thực tế, kể cả những người bình thường cũng sẽ bị "ném đá", vùi dập nếu làm trái với tiếng nói của số đông hay khi không được dư luận nước này chấp nhận.

Tam Đảo - Thị trấn nghỉ dưỡng yên tĩnh biến thành đại công trường


Theo sự phản ánh của nhiều du khách, thời gian gần đây khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo mọc lên nhiều công trình xây dựng khiến nơi này luôn trong tình trạng xe tải chở vật liệu xây dựng chạy ồn ào và bụi bặm.








Thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với khí hậu mát mẻ, trong lành là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch mỗi dịp lễ, tết.





Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Tam Đảo có đặc trưng là “du lịch nghỉ dưỡng núi, nghỉ cuối tuần, sinh thái, hội nghị, hội thảo”.





Bên cạnh đó, Tam Đảo thu hút khách du lịch bởi vẻ nguyên sơ, mộc mạc.





Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, các du khách phản ánh nơi đây có nhiều công trình xây dựng trên địa bàn khiến thị trấn nghỉ dưỡng Tam Đảo luôn trong tình trạng ồn ào và bụi bặm.





Anh Nguyễn Văn Phúc (Linh Đàm, Hà Nội) thường xuyên tới du lịch Tam Đảo cho biết, trước đó Tam Đảo rất trong lành nên thỉnh thoảng anh vẫn lên du lịch đổi gió vì rất gần Hà Nội. Tuy nhiên, lần tới gần đây nhất anh đã chứng kiến cảnh Tam Đảo trở thành đại công trường trái ngược hẳn với trước đây.





Hình ảnh những cao ốc mọc lên ở thị trấn nghỉ dưỡng.





9 căn biệt thự bị bỏ hoang lâu ngày đang được tháo dỡ để cải tạo lại ở giữa trung tâm thị trấn.





Theo lãnh đạo thị trấn Tam Đảo, dự kiến đến năm 2019, việc xây dựng các công trình lớn trên địa bàn sẽ được tạm dừng để du khách và người dân địa phương hưởng thụ hạ tầng và các công trình đã xây dựng.





Từng tốp du lịch bụi tìm đến với Tam Đảo bất ngờ trước sự đổi thay đột ngột của thị trấn nghỉ dưỡng trong lành.





Vật liệu xây dựng tràn lan trên đường, trên vỉa hè tạo nên khung cảnh lộn xộn tại Tam Đảo.



Lãnh đạo thị trấn cho biết việc xây dựng trên địa bàn nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Làm thế nào để liên lạc với người ngoài hành tinh?


Chỉ cần một chiếc đồng hồ, vài phép đo lượng giác và một đoạn nhạc của Jean-Michel Jarre?






Vào năm 2029, cư dân của hành tinh GJ 273b, nếu tồn tại, sẽ nhận được một đoạn tin nhắn thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Đoạn tin mã hóa bằng sóng radio này được gửi từ một hành tinh màu xanh vô hại cách họ 12,4 năm ánh sáng, chứa các kiến thức về toán học, vật lý và cả âm nhạc - Trái Đất.

Thông điệp được phát đi từ vô cùng rõ ràng: “Hãy nói chuyện với chúng tôi”. Hoặc ít nhất đó là như Douglas Vakoch hi vọng.

Cơ quan tình báo ngoài hành tinh (METI) do Vakoch đứng đầu cùng với các nhà tổ chức của Sónar, một festival âm nhạc tại Barcelona, thông báo rằng họ đã gửi nhiều thông điệp tới Luyten, ngôi sao lùn mà GJ 273b đang xoay quanh.

“Sónar đang gọi GJ 273b” là thông điệp được truyền đi vào giữa tháng 10 bằng ăng-ten ra-da tại Ramfjordmoen, Bắc Cực. Đài ăng ten này thuộc sở hữu của EISCAT, một tổ chức thuộc Viện khoa học vật lý không gian Thụy Điển tại Kiruma, chủ yếu dùng để đo đạc nhiệt độ trái đất, tuy nhiên, thỉnh thoảng nó cũng được dùng để gửi các thông điệp đến người ngoài hành tinh. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2008, đài ăng ten này đã gửi một đoạn quảng cáo của hãng snack Doritos tortilla tới chòm sao Ursa Major.

Dữ liệu của giáo sư Vakoch được mã hóa nhị phân và gửi bằng hai tần số, với xung nhịp là 1 và 0, bao gồm bộ số đếm từ 1 đến 5, các phép toán cộng và nhân, một số hàm lượng giác cơ bản và nội dung mô tả sóng điện từ. Ngoài ra, nó còn được đính kèm một chiếc đồng hồ đếm số giây trôi qua kể từ khi thông điệp này được phát từ Trái đất. Âm nhạc thì được tuyển chọn kỹ càng từ các tác phẩm của nhạc sĩ Pháp tài hoa Jean-Michel Jarre. Những gì mà cư dân hành tinh GJ 273b có thể luận ra được từ thông điệp dài tổng cộng chỉ 10 giây này thì không ai biết, tuy nhiên đây là chiêu trò quảng cáo hữu hiệu của Sónar nhằm kỷ niệm 25 năm festival diễn ra vào năm sau.

Việc phát tín hiệu này, không chỉ để quảng cáo cho Sónar mà còn ngẫu nhiên trùng với kỷ niệm 43 năm kể từ khi con người gửi Arecibo, một hướng dẫn bằng hình ảnh về loài người và hệ mặt trời, tới Messier 13, một chùm sao cách Trái đất 25,000 năm ánh sáng, bằng đài thiên văn đặt tại Puerto Rico.

Thông điệp của METI đơn giản hơn nhiều so với Arecibo, vì vậy họ hi vọng những cư dân tại hành tinh kia có thể dễ dàng giải mã được thông điệp này. Nhóm cũng hi vọng sẽ có thể gửi thêm nhiều thông điệp hơn nữa tới GJ 273b vào tháng 4 năm 2018 và lần này sẽ bao gồm thời gian loài người sẵn sàng đón nhận phản hồi từ họ vào ngày Đông chí, tại Bắc bán cầu năm 2043. Nhóm đã lên kế hoạch để gửi thông điệp này tới hàng ngàn ngôi sao khác với hi vọng chứng minh chúng ta không đơn độc trong vũ trụ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng việc tiết lộ sự tồn tại của con người cho vũ trụ bí ẩn bên ngoài kia là vô cùng rủi ro. Giáo sư Vakoch thì lại không lo lắng về điều đó. Ông chỉ ra rằng hiện tại thì đã quá muộn để giữ im lặng. Một nền văn minh ngoài trái đất nếu đã sở hữu công nghệ phát triển hơn chỉ vài trăm năm sẽ hoàn toàn có thể phát hiện sóng vô tuyến và radio mà con người liên tục gửi vào vũ trụ trong hàng thập kỷ qua.

Hai năm thí điểm Uber, Grab: Sắp có quy định mới


"Cuộc chiến" giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ (Uber, Grab) vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện thí điểm, Bộ GTVT đã có sự nhìn nhận lại nhiều vấn đề và đưa ra hướng giải quyết.






Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đầu năm 2016, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch thí điểm chi tiết. Sau 2 năm thực hiện thí điểm đã xuất hiện nhiều tồn tại của loại hình xe hợp đồng vận tải ứng dụng khoa học công nghệ (taxi công nghệ) và cuộc cạnh tranh chưa hồi kết giữa loại hình này với loại hình taxi truyền thống.

36.000 xe ô tô tham gia thí điểm cần quản lý như xe taxi?

Tại Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ GTVT tổ chức diễn ra chiều ngày 19/12, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP HCM. Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm.

Cũng đã có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, sau 2 năm thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM, loại hình vận tải này được người dân đón nhận, nhiều người được hưởng dịch vụ đi lại bằng ô tô hơn. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, "taxi công nghệ" là một dạng taxi và tác động đến hạ tầng tương tự như những xe taxi tuy nhiên lại hưởng nhiều ưu đãi hơn taxi truyền thống.

Đồng tình với ông Lâm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội công nhận, "taxi công nghệ" mạng lại nhiều tiện ích như: tận dụng xe nhàn rỗi, chất lượng dịch vụ cao, tiết kiệm được thời gian cho người dân... Tuy nhiên, ông Viện cũng cho rằng, bản chất của xe hợp động ứng dụng công nghệ tương đương xe taxi nên cần phải được quản lý như taxi.

Còn đại diện Sở GTVT Khánh Hoà cho biết, địa phương này đã "tẩy chay" Uber, Grab vì cho rằng các doanh nghiệp này "tự tung tự tác" khi tự quyết định giá cước và thu cước vận tải qua lái xe nhưng vẫn khẳng định mình là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Sửa Nghị định để "taxi công nghệ" và "taxi truyền thống" gần nhau

Trước những ý kiến của các địa phương, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, năm 2014 khi loại hình Uber xuất hiện, Bộ GTVT nhận thấy những xe chạy trên nền tảng ứng dụng này hoàn toàn là xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải, như vậy rất rủi ro cho hành khách và tài xế.

"Tuy nhiên, đến khi Grab xuất hiện và đưa những xe taxi đang hoạt động, những xe trong hợp tác xã vận tải, những xe cá nhân có đăng ký kinh doanh vận tải vào hoạt động thì bản chất của hình thức xe hợp đồng là không thay đổi. Loại hình này sẽ sai khi đưa xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải. Và ngược lại, sẽ đúng khi đưa vào những xe đăng ký kinh doanh vận tải. Nhà nước không cấm những phần mềm kết nối không làm thay đổi bản chất", ông Ngọc lý giải.

Về việc tại sao Grab, Uber không kê khai giá như taxi truyền thống, ông Ngọc cho biết, bản chất của xe hợp đồng là không cần kê khai giá mà đây là sự thoả thuận dân sự giữa hành khách và hợp tác xã kinh doanh vận tải. Grab, Uber là phần mềm kết nối trung gian nên cũng không cần kê khai giá trong ứng dụng.

Nhìn nhận về quá trình thí điểm 2 năm qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sự tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ thay đổi tính chất của tổ chức kinh doanh. Do vậy, sự "lúng túng" của cơ quan quản lý trong việc phân biệt giữa "taxi truyền thống" và "taxi công nghệ" là bình thường.

"Về mặt chính sách, khi ta chưa sửa đổi được chính sách, ta chấp nhận sự không công bằng của hai hình thức này như: đường cấm thì chỉ Uber, Grab được đi còn taxi thì không hay việc nộp thuế thì các công ty taxi phải nộp rất nhiều thuế trong khi lái xe sử dụng Uber, Grab thì tự nộp thuế thu nhập cá nhân", ông Hiếu cho biết.

Vì thế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần sửa Luật Giao thông đường bộ trước khi sửa Nghị định 86 và việc sửa sẽ theo hướng xem xét nhiều điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ như: số lượng xe taxi, tập huấn lái xe... để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.

Về việc đăng ký kê khai giá, đại diện CIEM cũng cho rằng, giá là phải để thị trường quyết định và là thoả thuận giữa người mua và người bán.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đồng tình cho rằng, sau 2 năm thực hiện thí điểm, cái "được" đó chính là sự thay đổi về tư duy quản lý, quản lý cần phải ứng dụng khoa học công nghệ.

"Bản thân các hãng taxi truyền thống cũng trăn trở, mày mò để tìm tòi hướng đi mới trong khi đó công nghệ phát triển và xâm nhập vào cuộc sống rất nhanh. Cơ quan quản lý muốn bắt nhịp được cũng rất vất vả. Bộ GTVT đã phối hợp nhiều với các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương để tìm ra cơ chế quản lý. Bản thân tôi cũng rất trăn trở. Tôi cho rằng cần bình đẳng, công khai, minh bạch nhưng cũng cần tạo ra môi trường mới, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động", Thứ trưởng nói.

Nói về việc đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của hành khách khi sử dụng những hợp đồng vận tải điện tử như Uber, Grab, Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều quy định ngặt nghèo hơn, cụ thể hơn về việc an toàn bởi "anh có lợi nhuận thì anh phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng con người".

Lãnh đạo ngành giao thông cũng thừa nhận, những điều kiện hiện nay còn chưa phù hợp khiến các doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng, vẫn còn nhiều trường hợp "lách luật" mà không có chế tài xử lý vi phạm. Vì vậy, hướng sửa của Nghị định 86 ngoài vấn đề công nghệ thì điều kiện kinh doanh giữa "taxi truyền thống" và "taxi công nghệ" phải gần nhau.

"Nếu cần thiết sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không để tồn tại những hợp đồng công nghệ xuyên biên giới", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Sau những bi kịch sảy thai, chứng kiến chồng bị ám sát, Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Mỹ Jacquline Kennedy vẫn bản lĩnh như chưa bao giờ bị khuất phục!


Hình ảnh vị đệ nhất phu nhân trong tà voan đen tuyền, từ chối lau đi những vệt máu của chồng còn đọng lại trên mặt nhưng vẫn uy nghi dẫn đầu mọi nghi lễ năm 1963 đen tối, đã đi sâu vào trái tim của nhân dân Mỹ và trở thành một biểu tượng cho cái đẹp bất tử.












Từ cô phóng viên ảnh tới đệ nhất phu nhân và biểu tượng thời trang nơi Nhà Trắng

Jackie Kennedy có tên thật là Jacqueline Kenedy Onassis. Bà là phu nhân của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong nhiệm kỳ từ 1961 - 1963. Trong quãng thời gian bà và chồng sinh sống tại Nhà Trắng, Jackie được coi là quý bà kiều diễm nhất trong các Đệ nhất phu nhân nước Mỹ và đồng thời, là một biểu tượng thời trang không thể thay thế.





Jackie Kennedy được sinh ra trong một gia đình giàu có với cha là chủ tịch ngân hàng, và người mẹ luôn có ý thức uốn nắn con cái theo nề nếp của giới thượng lưu.

Những năm tháng sinh viên, bà trau dồi vốn văn hóa sâu rộng của mình tại 2 trường đại học danh giá hàng đầu là Vassar College và George Washington University. Việc làm đầu tiên của bà là một chân phóng viên ảnh cho tờ báo Washington Times-Herald. Nhờ đó, Jackie có cơ hội tiếp xúc với nhiều chính trị gia tại thủ đô nước Mỹ, trong đó có tổng thống tương lai Kennedy, đồng thời cũng là vị hôn phu của cuộc đời bà sau này.

Cuối năm 1953, Jackie kết hôn với thượng nghị sĩ John F. Kennedy, một trong những ngôi sao đang tỏa sáng của đảng Dân chủ tại Newport, tiểu bang Rhode Island. Bảy năm sau đó (1961), ông đánh bại đối thủ Richard Nixon với số phiếu sít sao trong cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất ở tuổi 43. Jackie Kennedy khi đó 31 tuổi, cũng là đệ nhất phu nhân trẻ thứ 3 trong lịch sử Nhà Trắng.

Kể từ giây phút đầu tiên trở thành Đệ nhất phu nhân quyền lực, với Jackie, bà luôn có suy nghĩ rằng: Những gì mặc trên người sẽ nói lên bạn là ai. Đó chính là lý do vì sao bà xây dựng hình ảnh một Đệ nhất Phu nhân không chỉ có sự thanh lịch, mà còn là để đáp ứng một cách hoàn hảo nhất cho lý tưởng bà về vị trí uy nghi này.





Bà thú thật với các nhà thiết kế rằng muốn được ăn diện "như thể Jack là Tổng Thống Pháp".

Bà thú thật với các nhà thiết kế rằng muốn được ăn diện như thể Jack là Tổng Thống Pháp. Vậy nên nét chủ đạo trong "thời trang Nhà Trắng" của Jackie Kennedy chính là: Thanh lịch mà không khoa trương. Tóm lại là hoàn hảo. Những tông màu pastel dịu nhẹ như cam vàng, xanh lục véronèse hay sắc xanh lơ nattier rất được bà ưa thích. Ngoài ra, đôi găng tay trắng ngần cùng chiếc mũ pillbox hợp xu hướng những năm 60 luôn là hai phụ kiện mà Đệ nhất phu nhân luôn diện lên người.

Năm 1963 đen tối với hai bi kịch lớn nhất dồn dập ập tới cuộc đời của Đệ nhất phu nhân

Bé Patrick Bouvier Kennedy là người con thứ ba của Tổng thống John F.Kennedy và phu nhân Jacqueline. Cậu sinh ngày 7/8/1963 tại căn cứ không quân Otis, sinh non 5 tuần rưỡi. Lúc đó, cậu chỉ nặng 2,1 kg và bị khó thở. Tổng thống lúc ấy đã liên tục hỏi các bác sĩ rằng:"Liệu thằng bé có bị chậm phát triển không?".

Bác sĩ chính trong ca trực nhanh chóng chỉ đạo đồng nghiệp nỗ lực duy trì sự sống cho Patrick. Tuy nhiên, cậu qua đời chỉ sau 39 giờ từ khi ra khỏi bụng mẹ vì chứng suy hô hấp cấp. Sự ra đi của Patrick để lại vết thương lòng sâu sắc đối với người từng trải qua những ca sinh nở khó khăn như Jackie. Bà từng bị sẩy thai, bé Arabella chết từ trong bụng mẹ, còn người con trai sau cùng là John Jr. cũng sinh non nhưng may mắn vượt qua bệnh tật.





Jackie nói với chồng như vậy sau khi ông báo tin rằng con trai họ đã qua đời.

Nỗi đau buồn mất con trở thành sợi xích vô hình kéo vợ chồng Tổng thống Kennedy lại gần hơn. Ông đi lại như con thoi giữa bệnh viện nhi đang giành giật sự sống cho bé Patrick và trạm quân y, nơi vợ ông đang nghỉ hậu sản. "Điều duy nhất mà em không thể chịu đựng nổi, đó là khi em phải mất anh!", bà nói với chồng như vậy sau khi ông báo tin rằng con trai họ đã qua đời. Đáp lại, tổng thống Kennedy quỳ xuống bên vợ, hai mắt đỏ hoe: "Anh biết... Anh biết…!".

Một tuần sau khi bé Patrick qua đời, nhiều người kể rằng ông Kennedy đã ôm chặt bà Jacqueline khi dìu vợ rời bệnh viện. Hơn 3 tháng sau, bà Jacqueline cùng chồng đến bang Texas, nơi có đông đảo người dân ủng hộ Tổng thống. Tuy nhiên sự kiện ngày 22/11 này cũng là thời khắc người chồng đáng quý vĩnh viễn lìa xa bà, điều mà bà lo sợ nhất.





Đây được cho là một trong những thảm kịch đen tối nhất trong lịch sử của Hợp chủng quốc Hoa Kì.

Jackie Kennedy có lẽ không thể ngờ rằng, chỉ ba tháng sau khi chịu đựng nỗi đau mất con, bà phải chịu đựng thêm nỗi đau mất chồng, chứng kiến người đàn ông mà mình thương yêu ngã gục ngay bên cạnh, khi hai vợ chồng đang ngồi trên chiếc xe mui trần để vẫy chào người dân. Hầu hết người dân ở thời điểm đó sẽ khó có thể quên được hình ảnh Đệ nhất Phu nhân với bộ đầm Channel màu hồng phấn lại lấm lem vệt máu từ thi thể cố Tổng thống. Bà kiên quyết từ chối việc rửa sạch vết máu trên mặt hay thay một bộ đầm mới bằng một lời khẳng định hùng hồn: "Tôi muốn bọn chúng phải nhìn thấy hậu quả mà chúng đã gây ra."





Hành động này của Đệ nhất Phu nhân khiến hàng triệu người dân Mỹ cảm thấy cảm phục bà hơn bao giờ hết.

Hành trình mưu cầu hạnh phúc cho bản thân sau những mất mát quá lớn

Hình ảnh của Jackie, với lòng can đảm đặc biệt của một goá phụ sau cái chết của chồng, đã thực sự chinh phục lòng ngưỡng mộ của cả thế giới. Đệ nhất phu nhân nước Mỹ thời ấy tuy phải trải qua nhiều cú sốc lớn ở cùng một thời điểm, nhưng bà chỉ cho phép mình được buồn bã trong vòng 1 năm mà thôi.

Khi xuất hiện trở lại trước công chúng, Jacquline Kennedy không ngần ngại thể hiện chính kiến của mình về những dự định tương lai, cho dù điều ấy có thể khiến công chúng và những nữ nhân "tiến bộ" nổi đóa.





Bà đủ can đảm để gạt bỏ hết những thứ đó qua một bên, một lần nữa, để đấu tranh đạt được điều bà thực sự muốn. Lần này là sự an toàn, đảm bảo cho bà và các con.

Bà tái hôn với tỷ phú người Hy Lạp Aristole Onassis. Bà không sống cho kỳ vọng của người khác. Bà đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người vợ và hơn thế nữa, khiến cho cả thế giới không thể lãng quên sự nghiệp của chồng bà. Nhưng tới năm 1975, Onassis qua đời khi đang trong giai đoạn đầu tiến hành thủ tục ly hôn, để lại cho vợ phần thừa kế lớn.

Góa bụa lần thứ hai và sở hữu trong tay món tiền thừa kế hàng chục triệu USD, vị Đệ nhất Phu nhân huyên thoại ấy dư sức sống vương giả cả đời. Nhưng không, bà quyết định đi làm. Jackie đã trở thành biên tập viên cho nhà xuất bản Doubleday. Tiếp đó, bà trở thành đầu tàu của các cuộc đấu tranh bảo tồn di sản văn hóa và ngăn chặn các chính sách xây dựng làm ảnh hưởng tới các công trình cộng đồng của nước Mỹ.





Với một cuộc đời không ngừng làm việc và cố gắng cống hiến cho xã hội, Jackie đã có cho mình những kinh nghiệm sống quý báu hội tụ đầy đủ văn hóa, bối cảnh và cái "chất" cốt lõi của "giấc mơ Mỹ".

Văn hóa Mỹ chính là thứ luôn ám ảnh bà kể từ khi bà còn công tác tại Nhà Trắng. Với tầm nhìn và trực giác nhạy bén của một người phụ nữ, Jackie biết nếu có một thứ gì mà nước Mỹ cần ở thời điểm đó, mà với khả năng, uy tín và vị thế của một Đệ nhất phu nhân có thể mang lại được, thì đó chính là văn hóa.

Jackie Kennedy qua đời ngày 19 tháng 5 năm 1994. Tang lễ của bà được truyền hình toàn quốc, dù được tổ chức cách riêng tư theo ước nguyện của cố Đệ nhất Phu nhân. Jackie được chôn bên cạnh tổng thống quá cố tại nghĩa trang Arlington. Tổng thống Bill Clinton đã đến dự tang lễ, Hai người con đã đặt hoa lên quan tài, chào từ biệt một trong những chân dung Đệ nhất Phu nhân có ảnh hưởng nhất nước Mỹ cũng như một trong những thời kỳ đáng ghi nhớ lịch sử Hoa Kỳ.

Tạm kết





Cuộc đời truân chuyên nhưng cũng không kém phi thường của bà Đệ nhất phu Nhân Jackie Kennedy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật và xã hội.

Suốt cuộc đời mình, Jacquline đã sống đúng với trách nhiệm của một Đệ nhất Phu nhân nơi Nhà Trắng quyền lực. Bên cạnh đó, với những lý tưởng vốn đã nằm trong nền tảng chính kiến của bản thân, bà đủ cá tính để vượt ra ngoài khuôn khổ mong đợi mà mọi người dành cho mình. Đó thái độ của người phụ nữ biết rõ mình muốn gì và không ngần ngại đấu tranh để có được điều mình muốn, dù đó là một chiếc ghế trong chính trường, một công việc ngoài xã hội, hay một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống như một người nội trợ đảm đang, giúp đỡ và truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác.

Không hề có một tấm băng rôn hay biểu ngữ nào nhằm hô hào "Giải phóng phụ nữ" trong toàn bộ cuộc đời Jackie. Công chúng chỉ thấy được tình yêu, những quyết định mang tính lịch sử và phong cách lịch lãm trở thành biểu tượng vượt thời gian đã truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn thế giới. Đây chắc chắn là thứ nữ quyền không ồn ào, không bạo lực, nhưng đồng thời cũng không hề có bất kì một sự thỏa hiệp nào trên hành trình mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.

Nguồn: Wikipedia, Washington Post, Vanity Fair

Hàng loạt chủ đầu tư, nhà thầu bị chính quyền Đà Nẵng xử phạt


Danh sách các đơn vị vừa bị xử phạt vì vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng có những tên tuổi lớn như Công ty CP Đầu tư XD Rincons (30 triệu đồng); Công ty CP XD Contecons (30 triệu đồng); Công ty CP XD và SX Thép Hòa Bình (30 triệu đồng)...






Ngày 20/12, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết vừa ra quyết định xử phạt một số công trình xây dựng cùng chủ đầu tư, nhà thầu chưa tuân thủ đúng và đầy thủ các quy định pháp luật về xây dựng. Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong quý IV/2017, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử lý 16 đơn vị có sai phạm tại các dự án, công trình đang thi công với tổng số tiền phạt gần 450 triệu đồng.

Theo đó, các đơn vị bị xử phạt gồm Công ty CP Tập đoàn XD Hòa Bình (40 triệu đồng); Công ty CP Đăng Hải (30 triệu đồng); Công ty CP Đầu tư XD Rincons (30 triệu đồng); Công ty CP XD Contecons (30 triệu đồng); Công ty CP XD và SX Thép Hòa Bình (30 triệu đồng). Những đơn vị này bị xử phạt do thi công không đúng với biện pháp tổ chức thi công được phê duyệt.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng xử phạt Công ty CP Tập đoàn XD Hòa Bình và Công ty CP XD số 1 vì sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành. Công ty TNHH Thực phẩm Volcano bị xử phạt Tự ý đấu nối vào mạng lưới thoát nước công cộng... Đặc biệt, các Công ty CP Mỹ Phát; Công ty TNHH Phúc Minh Hòa bị xử phạt do do xây dựng không phép là.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm của 16 doanh nghiệp là hơn 450 triệu đồng.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp và đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý trật tự xây dựng được quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Qua đó chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, vỉa hè, nhất là các vi phạm tại các lô đất trống, các khu đất quy hoạch do nhà nước quản lý, đặc biệt là trong thời điểm Tết dương lịch 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp đến.

Doanh nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt "cuộc chơi M&A"


Các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn 77% là của các doanh nghiệp nước ngoài...





Sản xuất công nghiệp được đánh giá là ngành có cơ hội thu hút đầu tư lớn thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, nhận định, trong thời gian tới, cần có biện pháp đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012. 11 tháng năm 2017 ngành này đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.

Nhiều thương vụ M&A đình đám

Tại hội thảo "Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A" ngày 19/12, ông Phú cho biết, thị trường M&A Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài, tiêu biểu có thể kể đến như: Tập đoàn SCG và Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty thực phẩm Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia, hay Công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt.

Đặc biệt, chiều 18/12, Công ty ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua lại 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. "Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp", ông Phú nhận định.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hoá mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất...

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt cuộc chơi M&A, bởi hiện nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn 77% là của các doanh nghiệp nước ngoài do họ có lợi thế về vốn và đã đi trước Việt Nam từ rất lâu.

Tuy nhiên, theo ông Phú, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó. Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vậy, với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, ông Phú cho rằng công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức M&A trong thời gian tới sẽ cần chú trọng hơn nữa tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước.

Để M&A thành công

Nhận định ngành công nghiệp Việt Nam đang là ngành hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, cho biết tính đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư...

Song một số ý kiến cho rằng, có một vướng mắc chung khi tiến hành M&A tại Việt Nam hiện nay là: pháp lý, tính minh bạch trung thực và định giá doanh nghiệp. Các quy định pháp luật hiện hành không rõ ràng trong việc quy định tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam thường định giá mua bán trên số tiền mà họ đầu tư, không dựa trên giá thị trường của doanh nghiệp. Họ chưa có sự hình dung rõ ràng trong định giá tài sản vô hình như công nghệ, thương hiệu, kinh nghiệm, bí quyết...

Do đó, Chính phủ cần có sự hỗ trợ chính sách đất đai, tiền sử dụng đất để các doanh nghiệp giảm bớt chi phí sử dụng hạ tầng, tăng cường vào chi phí đầu tư công nghệ.

Để M&A thành công, ông Seck Yee Chung, Công ty luật TNHH Baker& McKenzie cho rằng, các nhà đầu tư rất cần những thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp để đưa ra quyết định một cách cẩn trọng, họ "tránh ngủ chung 1 giường nhưng mơ những giấc mơ khác nhau".

Thủ tướng: Nửa vời thì sẽ thất bại trong hội nhập


Nhấn mạnh tinh thần một Việt Nam tự cường trong hội nhập, Thủ tướng nêu rõ, nếu không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn thì sẽ thất bại…






Sáng 20/12, dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là cơ hội để “chúng ta tiếp tục lắng nghe các thời cơ, các nguy cơ của hội nhập để chủ động hơn”. Vì thế, để không lãng phí trí tuệ của các đại biểu, Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nên soạn thảo một cuốn kỷ yếu, tập hợp tất cả các ý kiến phát biểu để cho các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu bởi “chỉ nói qua thì chưa thấm, chưa chuyển thành hành động được đâu, các đồng chí bận rộn nhiều công việc, dễ lãng quên”.

Cho rằng hội nhập thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, Thủ tướng cho biết, trong đó, thấy rất rõ là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2017 đạt con số kỷ lục 400 tỷ USD. Thu hút FDI đạt thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD, ứng xử của các doanh nghiệp FDI đã tốt hơn. Nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, nhiều thị trường mới được mở ra. Nhờ hội nhập, chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành, sản phẩm đã được hình thành ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, phải nhìn nhận các bất cập, tồn tại mà nếu chúng ta làm tốt hơn thì kết quả đầy đặn hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước. Sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập là vấn đề rất lớn. Chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cho nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập, Thủ tướng nói.

Không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước. Do đó, những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.

Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.

“Phải có kỷ luật nghiêm về vấn đề này. Một số địa phương chưa quan tâm và chỉ đạo điều này còn kém thì phải khắc phục”, Thủ tướng nói.

Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

“Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển”, Thủ tướng nói. “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”.



Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế.

Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần tập trung phát huy nội lực. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Trong đó, tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...

Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có hành xử đúng trong hội nhập.

“Tiến trình hội nhập nói chung, đặt biệt là kinh tế quốc tế cần phải có quyết tâm cao, với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành”, Thủ tướng nêu rõ. “Không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn, chúng ta nửa vời thì chúng ta thất bại”.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Wechoice Awards: 19 nhân vật truyền cảm hứng được đề cử năm 2017, họ là ai?


Trần Nguyễn Đăng Khoa, người cùng chiếc xe máy đi vòng quanh thế giới, con trai diễn viên Quốc Tuấn hay nhân vật vào sẽ là người truyền cảm hứng nhất năm 2017 sẽ được công bố trong ngày 20/1/2018 trong giải thưởng Wechoice Awards.





Từ 19 nhân vật được đề cử của Wechoice Awards năm nay với chủ đề Bình tĩnh sống, top 10 nhân vật truyền cảm hứng nhất sẽ do khán giả bình chọn và 5 đại sứ truyền cảm hứng nhất sẽ do Hội đồng thẩm định chọn ra.

Hội đồng thẩm định năm nay gồm có: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP HCM; ông Vũ Vương Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VCCorp, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc; Nhà báo Lê Quang Minh, giám đốc trung tâm Tin tức VTV24- Đài truyền hình Việt Nam; Nhà báo Trần Mai Anh, sáng lập, điều phối trương trình Thiện Nhân và những người bạn.

19 nhân vật được đề cử là ai?

1. Cụ Nguyễn Thị Xuân trong chuyện tình qua ký ức tuổi thơ của cô con gái nhìn mẹ già 52 năm chờ bố quay về từ Nhật.

2. 47 người thầy vượt đèo lên đỉnh trời Mường Lống

3. Chang Makeupp: Từ cô gái lầm lũi gấp 1.000 chiếc áo mỗi ngày đến nữ hoàng bán sạch 1.400 cây son trong 1 tiếng.

4. Sunbox, một nhóm hoạt động cộng đồng, bao gồm các bạn trẻ mong muốn dùng khả năng và quỹ thời gian rảnh để biến những ý tưởng trở thành các hoạt động tích cực trong cộng đồng.

5. Trần Đặng Đăng Khoa, người cùng chiếc xe máy đi vòng quanh thế giới.

6. Ngô Thanh Vân, nghệ sĩ.

7. Diễn viên Chi Pu

8. Nhà thiết kế Thủy Nguyễn

9. Bôm, con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn.

10. Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Hai nghệ sĩ Việt nam được vinh danh trong sách Kỷ lục Guinness thế giới.

11. Đội SOS Sài Gòn, gồm 30 người, chuyên sửa chữa xe cộ miễn phí cho người qua đường trong trường hợp gặp sự cố vào buổi tối, sơ cứu và chuyển người bị tai nạn vào bệnh viện.

12. Ca sĩ Sơn Tùng

13. Nhà thiết kế Công Trí

14. Ca sĩ Min

15. Người mẫu Hoàng Thùy

16. Nữ hoàng startup Thủy Muối với cuộc chiến căn bệnh ung thư

17. Nghệ sĩ Only C

18. Đội tuyển Esport Young Generation

19. Tuyển nữ Việt Nam

Bên cạnh 2 giải thưởng trong Hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng, Wechoice Awards 2017 còn mang đến một thệ thống giải thưởng khác.

Nghệ sĩ Thành Lộc: Tôi bị quyến rũ bởi giải thưởng này

Nghệ sĩ Thành Lộc là một trong những nhân vật trong Hội đồng thẩm định. Nghệ sĩ kể, lần 1, anh là khách mời và rất bất ngờ vì lại có giải thưởng hay đến như vậy.


“Giải thưởng này tôn vinh giá trị không phải chỉ trong giới showbiz, có rất nhiều giá trị cuộc sống và tôi thực sự bị quyến rũ. Đây là một trong những giải thưởng, buổi lễ trao giải mà người đi xem ở đến giờ phút cuối cùng, cả người tham gia và khán giả. Tôi còn nhớ là tôi phải cám ơn vì đã mời tôi dự và nó giống như tôi đi học”, nghệ sĩ Thành Lộc nói.

“Trong một buổi trao giải, những người không có tiếng tăm gì nhưng nhân cách sống hơn mình nhiều lần. Lúc đó, tôi thấy mình thấy nhỏ bé. Giá trị sống của họ vượt qua những danh lợi hàng ngày và cảm thấy mình thật nhỏ bé”, nghệ sĩ nói.

Và trong lần 2 anh tham gia, anh kể đã nhận lời ngay lập tức khi có lời mời. “Tôi xác định tôi đi học. Khi đọc những câu chuyện về họ, tôi thấy quả thực đáng sống”, nghệ sĩ Thành Lộc nói thêm.

Việc bình chọn các nhân vật sẽ bắt đầu vào ngày 21/12 và kết thúc vào ngày 20/1/2018. Lễ trao giải sẽ được thực hiện vào ngày 20/1.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo


Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ, ông tin việc tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 6,7% ngay từ đầu năm và ví việc nghi ngờ không đạt được chỉ tiêu này là "mặc cảm tự tin của một anh học trò nghèo".






Nguyễn Hiền:

Tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo bền vững là bải toán kép đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng bền vững của năm 2017? Nếu chấm điểm, theo ông, chất lương tăng trưởng được bao nhiêu điểm, trên thang điểm 10? Năm 2018, theo ông, cần làm gì để chất lượng tăng trưởng ngày càng được nâng cao? (Câu hỏi gửi tới TS Võ Trí Thành)

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, dài hạn (tăng trưởng bền vững), tăng trưởng ấy phải dựa vào tăng năng suất, và đằng sau là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động...

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017 thì về cơ bản vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế vốn có của VN như chi phí lao động còn tương đối thấp và những lợi thế so sánh khác. Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi lại của nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ.

Mặc dù tăng năng suất lao động có nhích lên, song lưu ý là theo mục tiêu ban đầu thì để đạt được mức tăng trưởng kế hoạch ban đầu thì tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP khoảng 32%. Nay đạt được mục tiêu này nhưng tổng đầu tư xã hội là khoảng gần 34%.

Nếu thang điểm cho chất lượng tăng trưởng là 10 thì tôi cho rằng năm 2017 đạt 6.

Đằng sau những con số ấy, phần nào phản ánh khả năng mục tiêu đề ra, nhưng quan trọng chúng ta nhìn tăng trưởng mục tiêu đề ra như thế nào.

Có 3 vấn đề:

- Thứ nhất, có cái gì của nền kinh tế không? Tăng trưởng xuất khẩu của Samsung, vẫn mạnh nhưng tăng vọt, Formosa quay lại sản xuất... không phải cái kinh doanh như bình thường.

- Thứ hai, tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ thế giới và Việt Nam, sau 10 năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tích cực hơn.

- Thứ ba là vấn đề điều hành. Có mặt được và mặt cần suy nghĩ. Được là nỗ lực quyết tâm hành động của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có thể thế giới đánh giá hơi cao quá nhưng DN Việt cũng cảm nhận được.

Chưa được là cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy. Cụ thể hơn là việc lệnh cho ông này ông kia, trong "nháy nháy" để tăng.

Đôi khi cách đòi hỏi ở chính sách không đem lại nhiều về vấn đề hiệu quả mà vẫn chỉ tăng về số lượng. Ví dụ: mục tiêu chính sách tiền tệ chỉ 18% giờ đã là 21 – 22%... Chưa phải cái thật chúng ta mong muốn.

Tóm lại, còn nhiều điều phải suy nghĩ, xem mình làm được đến đâu, cải gì là ơn trời, cái gì là nỗ lực, cái gì chưa là chuẩn.







Huy Khánh:

Tăng trưởng GDP năm 2017 là một câu chuyện gây nhiều bất ngờ với việc quý 3, chỉ số tăng trưởng tăng vọt khiến cho rất nhiều dự báo trước đó trở nên lạc hậu. Thậm chí ADB trong nhiều tháng vẫn luôn khẳng định là tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, nhưng vài tuần trong quý 4 lại thay đổi. Ông nghĩ về điều này?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Bản thân tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo. Học trò mơ ước điểm cao, chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Năm 2017 có nhiều dự báo nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi tin rằng GDP có thể đạt được 6,6-6,7%.

Kết quả là tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Đóng góp không chỉ mang tính định lượng mà còn có nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.

Với tính toán riêng của tôi, GDP năm nay có thể đạt từ 6,7 đến 6,72%.





thành nam:

Nếu dùng 1 từ ngắn gọn để nói về thị trường chứng khoán năm 2017, bà sẽ dùng từ nào?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

TTCK Việt Nam năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục nhưng không ngạc nhiên.







Kiều Thuật:

Chứng khoán năm 2017 tăng “nóng” và thường được so sánh với sự bùng nổ của chứng khoán 10 năm trước. Theo bà, có gì khác biệt giữa thị trường năm này với 10 năm trước?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Nếu so sánh 2007 với 2017 thì bối cảnh kinh tế toàn cầu hoàn toàn khác nhau. Năm 2017 là chu kỳ kinh tế tăng trưởng, lạm phát thấp và Việt Nam cũng được hưởng lợi cùng với xu thế toàn cầu. Các TTCK Thế giới đều vượt đỉnh. Các nền kinh tế lớn như Argentina, Brazil, Nga…đều bắt đầu vượt qua suy thoái.

Trong khi đó, 2007 là bắt đầu chu kỳ suy thoái, lạm phát toàn cầu ở mức cao và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Năm 2007, TTCK Việt Nam mới chỉ bắt đầu công cuộc cổ phần hóa, sự quan tâm của chính phủ là có, nhưng chỉ mới giai đoạn khởi đầu nên việc điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều hạn chế và trình độ thị trường còn khá non nớt. Bên cạnh đó, quy mô thị trường khi đó còn rất nhỏ để có thể hấp thụ được dòng tiền đầu tư gián tiếp của nước ngoài, từ đó dẫn tới “bong bóng” tài sản do cầu vượt cung.

Đến năm 2017, thị trường đã được tôi luyện sau 10 năm, nhà đầu tư trở nên dày dạn kinh nghiệm hơn, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cũng đã tích lũy được nền tảng quản trị và phát triển bền vững. Ngoài ra, quy mô thị trường đã khác hẳn, xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết, nhiều thương vụ IPO/bán vốn Nhà nước như Sabeco, Vinamilk, VRE, Vietjet Air…khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài. Do đó, năm 2017 TTCK tăng điểm là điều tất yếu và tôi tin rằng đó chỉ là khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng.

Nguyễn Thu Hương:

Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. So với năm 2016 như thế nào?

Ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam

Về số liệu kinh doanh trong năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của sam sung và các công ty thành viên 40 tỷ USD. Dự đoán trong năm nay sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD. Như vậy trong năm nay Samsung đã đạt mức tăng trưởng ước tính là 25%.

Ngoài ra, trong năm 2017 Samsung có 2 bàn đạp tăng trưởng tương lai đó là nhà máy samsung ở thành phố HCM chính thức đi vào hoạt động và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên. Và dự án thứ 3 của Samsung display cũng chính thức đi vào hoạt động.

Có được kết quả đó, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính Phủ cũng như 162.000 người lao động làm việc tại Samsung và nhân dân Việt Nam.

Năm 2016 có một sự cố liên quan đến điện thoại Samsung Note 7. Doanh nghiệp đã trải qua một thời kỳ rủi ro nhưng nhờ sự quan tâm của Chính Phủ và người dân Việt Nam đã vượt qua được khó khăn này. Sau đó với sự ra đời của Galaxy S8 và Note 8, chúng tôi đã gặt hái được thành công tốt đẹp.

Năm 2017 có một thành tựu to lớn đó là sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Năm 2014 chỉ có 4 doanh nghiệp Vệt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cấp 1 cho Samsung nhưng đến năm 2017 đã lên tới 29 nhà cung ứng. Đây là một kết quả rất ấn tượng.







Hạnh:

Năm 2017, nhiều người kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt được tỷ lệ trên 20% để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng những con số ước tính thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt mức nới room là 21% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kế hoạch. Ông nghĩ gì về điều đó?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, năm 2017 này, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng là như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều. Vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường BĐS, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII vào Việt Nam tương đối lớn. Tương quan giữa tín dụng và lạm phát có nhiều nhân tố. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.





Duy Linh:

Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu GDP 6,7% đã trong tầm tay. Đây cũng là mức tăng được đánh giá là ngoạn mục. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại cả 1 năm 2017 vừa qua, nếu được chỉnh sửa lại 1 điểm, ông sẽ chỉnh sửa điểm nào để con số tăng trưởng không dừng lại ở 6,7%?

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Chúng ta là nước đang phát triển cần tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước có trình độ cao hơn. Tuy nhiên việc tăng trưởng đấy phải cùng tăng với chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động.

Trong bối cảnh như hiện nay, nếu muốn sửa để tăng trưởng thêm, tôi cho rằng đó chính là cách điều hành. Chúng ta đã đặt ra được vấn đề cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần nhất quán tập trung vào các vấn đề này.

Còn nếu thuần tuý chỉ là câu chuyện tăng trưởng, thì nhìn vào kết quả 6,7% trong khi tín dụng chưa cần đạt đến mức tăng 20 – 21% tăng, giải ngân đầu tư công chậm, đó là cái gì?

Ít nhiều, tôi cho rằng đó chính là năng suất lao động đã tăng. Tuy nhiên, tăng nhiều nhất ở đây là tăng vốn, được quyết định hầu hết bởi đầu tư nước ngoài và một phần nhỏ khác đến từ khu vực tư nhân. Nghĩa là khi chính sách được cải cách, niềm tin đã trở lại, theo đó, nguồn lực đã sẵn sàng bỏ ra để góp vào tăng trưởng. Như vậy, quay đi quay lại, câu chuyện cần bàn nhất, như tôi đã nói, là điều hành và cải cách.





Trần Dũng:

Sự tăng trưởng mạnh sau 1 thời gian khiến thị trường chứng khoán phải đối mặt với rủi ro nào?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Mọi thứ luôn luôn tồn tại rủi ro, nhưng theo các chuyên gia kinh tế dự báo thì Thế giới sẽ tiếp tục trong chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018, 2019. Rủi ro vĩ mô có thể đế từ việc làm thế nào để giữ được tăng trưởng tốt trong môi trường lạm phát thấp.

Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng bằng xuất khẩu nên việc thay đổi chính sách thương mại giữa các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm, gia tăng căng thẳng địa chính trị… sẽ khiến TTCK có nhiều biến động. Và thị trường sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh sẽ cần thời gian để tích lũy trở lại.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chu kỳ tăng trưởng và của dòng tiền đầu tư tài chính. Còn đối với những doanh nghiệp yếu, phát hành cổ phiếu tràn lan mà không sử dụng hiệu quả thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và thoái trào.

Nam Phong:

Trong năm 2017, cùng với kết quả kinh doanh rất tích cực của Samsung tại Việt Nam thì Samsung cũng gặp rất nhiều chỉ trích về việc được hưởng ưu đãi vượt khung: có lợi nhuận lớn nhưng lại đóng thuế không nhiều cho Việt Nam. Ông và Samsung nghĩ gì về điều này?

Ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam

Tôi biết bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có ý kiến chỉ trích rằng Samsung không đóng góp được nhiều cho Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cũng như công ty coi những ý kiến này chỉ mang tính chất cảm tính và chưa có cơ sở lý lẽ xác đáng.

Thứ nhất, đối với các ý kiến cho rằng Samsung đang nhận được quá nhiều ưu đãi. Tất cả các ưu đãi mà Samsung được hưởng đều theo quy định dành cho tất cả các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Ví dụ luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật đầu tư vào công nghệ cao có các ưu đãi bình đẳng dành cho tất cả cá doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không riêng gì Samsung. Những chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế mà Samsung được hưởng hoàn toàn căn cứ theo quy định của các luật này, chứ không dành riêng cho Samsung.

Ví dụ năm 2016, trong số 16 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao thì đại đa phần là các doanh nghiệp Việt Nam.

Do samsung có quy mô đầu tư lớn và nổi bật nên khi nói đến những ưu đãi này thì mọi người cho rằng chỉ dành cho Samsung nhưng thực ra là dành cho rất cả các doanh nghiệp thuộc diện được nhận ưu đãi này và chúng tôi chỉ được nhận giống họ mà thôi.

Những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao và quy mô lớn mà chính phủ đưa ra nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao.







Tuấn Dũng:

Dưới góc độ một nhà kinh doanh chứng khoán, bà đánh giá thế nào về mức giá bán ở thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Tôi nghĩ Chính phủ rất thành công trong việc bán cổ phần Sabeco với mức giá lên tới 5 tỷ USD. TTCK bây giờ không chỉ thu hút được dòng tiền đầu tư gián tiếp mà còn thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn và đó là điều thành công với TTCK.

Văn Nam:

Ông có nhận xét gì về thương vụ bán hơn 50% Sabeco cho tỷ phú Thái Lan vừa hoàn thành hôm 18/12?

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Cổ phần hoá Sabeco nằm trong ý đồ cải tổ DNNN, đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn.

Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bán Sabeco theo tôi cũng rất được giá, 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). Nhưng tôi phải nói rằng bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề phải quan trọng hơn. Thứ nhất là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt ở lĩnh vực nào thì để họ làm.

Thứ hai là câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức chúng ta có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách tồi nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách tốt nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả tốt, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực.

Báo chí cũng nói nhiều là bán rất được giá, 110k tỷ, 4,8 tỷ USD. Nhưng tôi phải nói rằng .. lý do cổ phần hoá DNNN về bản chất 2 điều rất quan trọng, bên cạnh bán nhiều tiền, quan trọng hơn số 1: thay đổi trong tư duy của chúng ta về vai trò của nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt hơn thì để họ làm à để nguồn tài sản Sabeco được sử dụng hiệu quả hơn, thể hiện đó.

Thứ 2 hậu cổ phần hoá một chút: ta có tiền, sử dụng đồng tiền đấy như nào. Cách dùng tồi nhất là chén – chi tiêu thường xuyên. Cái sử dụng tốt phải là đưa vào dùng nhưng lĩnh vực tạo ra sự lan toả tốt cho kinh tế. Ví dụ như kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Ý tưởng là cách sử dụng đồng tiền.

Tôi nhấn mạnh lại rằng quan trọng nhất là làm sao nguồn lực được dùng hiệu quả nhất. Còn trong kinh tế thị trường, hôm nay người này làm ông chủ, ngày mai người khác là chuyện bình thường vì tính dịch chuyển rất cao.

Riêng vấn đề hiệu quả, chưa tính đến yếu tố lan toả còn phải chờ thời gian. Nhưng ít nhất đến giai đoạn này, giống như tiến trình hội nhập Việt Nam, quan trọng nhất là lựa chọn đối tác, đây là cuộc chơi không phải một lần mà lâu dài hơn nhiều.







Tuấn Dũng:

Dưới góc độ một nhà kinh doanh chứng khoán, bà đánh giá thế nào về mức giá bán ở thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco? Việc một thương hiệu bia lớn trong nước bị công ty nước ngoài thâu tóm có phải là một vấn đề đáng lo lắng?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Hiện nay là nền kinh tế toàn cầu rồi, việc cạnh tranh, thâu tóm là điều bình thường và tất yếu mà chúng ta không tránh khỏi. Chỉ có điều các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận đây là cơ hội để mình bắt buộc phải hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn. Chúng ta sẽ vẫn có những lợi thế riêng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thị trường khu vực cũng có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong nước sau một thời kỳ bị thâu tóm đã phát triển vượt bậc và có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Vấn đề là chúng ta cần dũng cảm vượt qua mọi thách thức, luôn lạc quan với nền kinh tế tiêu dùng đang phát triển tại Việt Nam và có tầm nhìn khu vực và toàn cầu.

Đức Minh:

Giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo về việc nợ công sẽ đạt đỉnh trong năm và tiến sát mức 65% GDP - ngưỡng được coi là nguy hiểm. Tuy nhiên, vào cuối năm, dự báo con số về tỷ lệ nợ công lại giảm và chỉ còn 62,6% GDP (giảm 1% so với 2016). Ông có nhận xét gì về điều này?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Tôi cho rằng, do giữa năm 2017, rủi ro không đạt mức tăng trưởng 6,7% là một lo ngại có cơ sở. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2017, có nhiều nhân tố đột biến như ý kiến của anh Võ Trí Thành vừa rồi, giúp tăng trưởng đạt mức kế hoạch đề ra. Kéo theo đó, mức nợ công so với GDP giảm xuống. Đồng thời, đã có các chính sách quản lý và cải thiện chất lượng nợ công hiệu quả hơn trong chính sách tài khóa.

Trà Ly:

Nói về kênh đầu tư tài chính, giờ đây không chỉ có cổ phiếu mà nhiều kênh khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng đang phát triển mạnh lên và có thêm một kênh mới là Bitcoin. Bà đánh giá triển vọng của các kênh này như thế nào? Đặc biệt là Bitcoin?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Nói về các kênh đầu từ tài chính thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu và có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Quan trọng là bạn phải hiểu và khai thác được cơ hội biến động của thị trường.

Như thị trường trái phiếu trước kia chỉ có nhà đầu tư tổ chức quan tâm thì nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư và kinh doanh. Mặc dù trong môi trường lãi suất rất ít biến động như năm 2017 nhưng nếu khai thác cơ hội tốt thì bạn có thể thu về lợi nhuận cao mà an toàn.

Thị trường chứng khoán mới ra đời sản phẩm phái sinh cho phép NĐT có thêm sự lựa chọn để tham gia khi thị trường điều chỉnh và cũng là công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở. Nếu bạn hiểu về sản phẩm này thì nó cũng là cơ hội hấp dẫn có mức độ sinh lợi cao. Tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro cao.

Còn với Bitcoin thì tôi không hiểu nhiều về nó lắm.