Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, quần áo sản xuất ở Triều Tiên được gắn mác “Made in China" (sản xuất ở Trung Quốc) và xuất khẩu đi khắp thế giới, giúp các công ty Trung Quốc tận dụng được lao động giá rẻ từ nước láng giềng.

    Thời trang Triều Tiên ẩn mình dưới nhãn “Made in China” để tránh lệnh trừng phạt
    “Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới”, một thương nhân Trung Quốc gốc Triều Tiên ở Đan Đông nói với Reuters. Thành phố biên giới này là nơi giao thương của phần lớn hàng hóa giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
    Người này cho biết hàng chục đại lý thời trang hoạt động tại Đan Đông đóng vai trò trung gian cung cấp quần áo Trung Quốc tới các khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.
    “Chúng tôi sẽ hỏi các nhà buôn Trung Quốc xem họ có ý định công khai với khách hàng hay không. Thường thì người mua sẽ không nhận ra quần áo của họ được sản xuất ở Triều Tiên. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm”, anh này nói.
    Càng bị cấm vận, càng bán nhiều hàng may mặc
    Quần áo giá rẻ sản xuất ở Triều Tiên được bán trên toàn cầu cho thấy, khi mọi cánh cửa bị đóng do các lệnh trừng phạt được siết chặt của Liên Hợp Quốc, một cánh cửa khác vẫn có thể mở ra.
    Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may.
    Theo dữ liệu từ Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên sau than và các khoáng sản khác, với kim ngạch đạt 752 triệu USD vào năm 2016. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 4,6% lên 2,82 tỷ USD.
    Các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng này đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu than. Ngành dệt may phát triển mạnh mẽ cho thấy cách Triều Tiên thích nghi với các biện pháp lệnh trừng phạt từ năm 2006 khi nước này lần đầu thử hạt nhân.
    Ngành này cũng cho thấy mức độ Triều Tiên phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng gây áp lực để Bắc Kinh tăng cường kiềm chế các chương trình phát triển vũ khí của quốc gia láng giềng.
    Huang Songping, người phát ngôn của Hải quan Trung Quốc, cho biết kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Phần lớn hàng xuất khẩu là nguyên phụ liệu dệt may và các hàng hoá thâm dụng lao động truyền thống khác, vốn không nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hợp Quốc.
    Các nhà máy nhộn nhịp sản xuất
    Năm ngoái, thương hiệu đồ thể thao Australia Rip Curl đã phải công khai xin lỗi sau khi phát hiện một số thiết bị trượt tuyết có gắn nhãn "Made in China" được sản xuất ở một nhà máy dệt may của Triều Tiên. Rip Curl đổ lỗi cho nhà cung cấp không trung thực đã thuê “một nhà thầu phụ không được ủy quyền” gia công sản phẩm.
    Tuy vậy, các thương nhân và đại lý ở Đan Đông cho biết đây là thực tế phổ biến. Theo một doanh nhân Trung Quốc sống tại Bình Nhưỡng, các nhà sản xuất có thể tiết kiệm tới 75% chi phí khi gia công sản phẩm ở Triều Tiên.
    Một số nhà máy Triều Tiên ở thành phố Siniuju nằm cách thành phố Đan Đông không xa. Các nhà máy khác được đặt ở ngoại thành thủ đô Bình Nhưỡng. Hàng may mặc đã hoàn thiện sẽ được xuất trực tiếp từ Triều Tiên sang Trung Quốc trước khi được chuyển đi khắp thế giới.
    Công nhân Triều Tiên gia công giày đá bóng trong một nhà máy tại một làng nông thôn bên ngoài thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 24/10/2012. Ảnh: Reuters.
    Triều Tiên có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn, mỗi doanh nghiệp vận hành một số nhà máy trên khắp đất nước. Ngoài ra, nước này còn có hàng chục doanh nghiệp cỡ vừa, theo công ty tư vấn thương mại quốc tế GPI của Hà Lan, vốn là cầu nối để các công ty nước ngoài làm ăn ở Triều Tiên
    Tất cả nhà máy Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước. Các công xưởng dường như lúc nào cũng ồn ào tiếng máy chạy.
    “Chúng tôi đang cố gắng đặt gia công một số hàng may mặc ở Triều Tiên nhưng các nhà máy dường như đều đang rất bận rộn”, một nữ doanh nhân Trung Quốc gốc Triều Tiên ở Đại Liên cho biết. Thành phố cảng này cách Đan Đông 2 giờ di chuyển bằng tàu.
    “Công nhân Triều Tiên có thể sản xuất thêm 30% số lượng quần áo mỗi ngày so với công nhân Trung Quốc”, doanh nhân này nói.
    “Ở Triều Tiên, những công nhân trong các nhà máy không đi vệ sinh bất cứ khi nào có nhu cầu, bởi họ cho rằng nếu vậy thì sẽ khiến cả dây chuyền sản xuất bị chậm lại”.
    Doanh nhân này cho rằng không giống các công nhân Trung Quốc làm việc vì tiền, người Triều Tiên làm việc với thái độ hăng say vì đất nước và lãnh tụ của họ. Công nhân Triều Tiên được trả mức lương thấp hơn nhiều nước châu Á khác. Tại khu công nghiệp Kaesong đã bị đóng cửa ở khu vực biên giới với Hàn Quốc, công nhân Triều Tiên từng được nhận mức lương khoảng 75 đến 160 USD/tháng, so với mức lương trung bình từ 450 đến 750 USD/tháng ở các nhà máy Trung Quốc.
    Kaesong do cả Triều Tiên và Hàn Quốc quản lý và mức lương ở đó – thường cao hơn nhiều so với trong Triều Tiên – được đàm phán với Seoul.
    Nguồn lao động giá rẻ
    Do giá nhân công ở trong nước tăng cao, các nhà sản xuất hàng may mặc Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng nhà máy ở Triều Tiên ngay cả khi họ đã di dời nơi sản xuất sang các nước khác như Bangladesh, Việt Nam và Campuchia.
    Bên cạnh đó, các công ty dệt may Trung Quốc cũng đang sử dụng hàng nghìn nhân công giá rẻ từ Triều Tiên tới làm việc.
    Triều Tiên có nguồn thu ngoại tệ lớn từ những người lao động ở nước ngoài, nhất là khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm một số mặt hàng xuất khẩu. Phần lớn lương của họ được chuyển về trong nước để nuôi các chương trình hạt nhân và tên lửa đầy tham vọng của Bình Nhưỡng, Liên Hợp Quốc cho biết.
    Lệnh trừng phạt mới đây cấm các nước tăng số lao động Triều Tiên hiện nay làm việc ở nước ngoài.
    Trung Quốc không công bố con số chính thức về số lượng lao động Triều Tiên ở các nhà máy và nhà hàng ở Trung Quốc, mặc dù con số này đã giảm từ mức đỉnh 2-3 năm trước đây, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho biết.
    Một nữ phục vụ người Triều Tiên dọn dẹp nhà hàng Triều Tiên ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 12/9/2016. Ảnh: Reuters.
    Theo nữ doanh nhân tại Đại Liên, việc tuyển dụng lao động Triều Tiên cũng không dễ dàng. Họ cần không gian sống tách biệt và phải được cung cấp phòng học. Họ mang theo bác sĩ, y tá, đầu bếp và giáo viên riêng để học về hệ tư tưởng của Triều Tiên mỗi ngày, cô nói.
    Tại một nhà máy dệt may ở Đan Đông, người chủ sở hữu cho biết các công nhân Triều Tiên kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ (300 USD), bằng một nửa mức trung bình cho công nhân Trung Quốc.
    Người này nói họ được giữ lại khoảng 1/3 tiền lương, phần còn lại sẽ được chuyển cho chính phủ Triều Tiên. Một ca làm việc tại nhà máy thường bắt đầu lúc 7h30 sáng và kết thúc khoảng 10h đêm.
    40 công nhân Triều Tiên trong nhà máy này đều là phụ nữ. Họ mặc đồng phục màu hồng và đen, ngồi sát nhau sau 4 hàng máy may để may lô hàng áo khoác mùa đông. Vì tất cả đều cặm cụi làm việc nên trong gian phòng chính, người ta chỉ còn nghe tiếng máy may gõ nhịp và chạy đều đều.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét