Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Trong khi cổ đông kỳ vọng được chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ trên dưới 10% thì vừa qua, BIDV lại chỉ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5% còn VietinBank thậm chí không chia cổ tức. Bộ Tài chính đã phải gửi công văn sang Ngân hàng Nhà nước đề nghị can thiệp vấn đề chia cổ tức bằng tiền mặt tại hai ngân hàng này.

Thay vì trả cổ tức tiền mặt, BIDV chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%
Thay vì trả cổ tức tiền mặt, BIDV chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%
Thừa lệnh Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính vừa ký công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại 2 ngân hàng nêu trên vào Ngân sách nhà nước (NSNN).
Trước đó, ngày 11/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết giao dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.
Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông”.
Trong khi đó, quy định tại Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về quyền, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước yêu cầu công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp vào NSNN khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty.
Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%. Mặc dù tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015, lãnh đạo BIDV và VietinBank đều cam kết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ trên dưới 10%, tuy nhiên sau đó cả hai ngân hàng này đều lỡ hẹn với cổ đông.
Nói về vấn đề chia cổ tức, tại ĐHĐCĐ vừa rồi, lãnh đạo BIDV cho biết, việc thực hiện chia cổ tức phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phần BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phần chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.
Theo lãnh đạo BIDV, nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9,4 nghìn tỷ trong năm nay sẽ rất khó. Do vậy, cổ tức được chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%. Lãnh đạo BIDV cho rằng, mức chia này là phù hợp vì không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ đóng góp với ngân hàng.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là chỉ đạo của NHNN, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của mình.
Tuy hụt hẫng song dù sao cổ đông của BIDV còn may mắn hơn cổ đông VietinBank khi ngân hàng này thậm chí còn không chia cổ tức.
Lý giải việc không chia cổ tức, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, mỗi năm quy mô tài sản, nguồn vốn kinh doanh của VietinBank phải tăng trưởng 15-17% mới đáp ứng nhu cầu tăng thị phần của ngân hàng này. Đồng thời, do phải đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nên yêu cầu vốn càng phải tăng lên.
Dù vậy, theo lãnh đạo VietinBank, lợi tức làm ra sẽ để quay trở lại đầu tư vào ngân hàng, tăng năng lực tài chính. "Tương lai, chúng tôi sẽ dùng lợi nhuận này để chia ra, trả bằng cổ phiếu và giúp tăng năng lực tài chính cho ngân hàng", ông Thọ cho biết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét