Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018


Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), cùng với Trung Quốc và Philippines, ô nhiễm nông nghiệp tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng nhưng lại không nhận được sự chú ý và nghiên cứu đầy đủ.






Theo báo cáo "Thách thức của Ô nhiễm nông nghiệp: Bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines," từ những năm 1990s đến nay, nông nghiệp ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, góp phần giảm nạn thiếu lương thực và đóng góp vào nên kinh tế. Tuy nhiên, ô nhiễm nông nghiệp đã bắt đầu "làm mờ đi" câu chuyện thành công đó của ngành.


Báo cáo của WB đã chỉ ra những khía cạnh mà ô nhiễm nông nghiệp tác động, bao gồm: Sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái; khí hậu; chất lượng cuộc sống.

Sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái

Ô nhiễm nguồn nước uống

Hoạt động nông nghiệp gây ô nhiễm cho nguồn nước uống, cũng như nguồn nước sinh hoạt – là một vấn đề đáng lo ngại ở cả nông thôn và thành thị.Theo báo cáo, "các chất thải nông nghiệp làm giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước uống tại TPHCM."

WB còn còn trích dẫn một nghiên cứu về nguồn nước (bao gồm nước mặt, nước ngầm, nước mưa…) thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, "ghi nhận hơn 12 loại thuốc bảo vệ thực vật vốn được sử dụng trong trồng lúa và các loại hoa màu khác, và nồng độ các chất này đôi khi vượt quá tiêu chuẩn an toàn của Uỷ Ban Châu Âu."

Ô nhiễm không khí



Năm 2017, trong số 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp phát sinh tại tại Hà Nội mỗi năm, số lượng rơm rạ bị đốt bỏ lên tới bức báo động, hơn 350.000 tấn/năm.- Tuổi Trẻ Online

Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng ở những khu vực đô thị ở rất nhiều nước, nhưng không có nghĩa là nông nghiệp không có dính líu: "Việc đốt rơm, rạ trong hoạt động nông nghiệp gây ra tình trạng ô nhiễm không khí cao điểm tại một vài nơi trong khu vực (Đông Á)."



Lửa và khói (từ việc đốt trong nông nghiệp) ở bán đảo Đông Dương – Nguồn: WB

Liên quan đến những ảnh hưởng tiêu cực khác đến sức khỏe con người, báo cáo nhấn mạnh: "Tại Việt Nam, nông dân và gia đình thường tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu vì thiếu các công cụ hoặc phương pháp bảo vệ."

WB dẫn kết quả một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy, trong những nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được kiểm tra y tế, 35% cho thấy dấu hiệu bị nhiễm organophosphate và carbamate (hai loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến trong nông nghiệp), và 21% nông dân có dấu hiệu bị nhiễm mãn tính. Hầu hết tất cả các nông dân tham gia khảo sát 2 tỉnh Cần Thơ và Tiền Giang cho biết họ đang chịu đựng những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, báo cáo chỉ ra, một số trong những nguy cơ đến sức khỏe nghiêm trọng của ô nhiễm nông nghiệp không nhận được nhiều sự chú ý vì sự khởi phát chậm, tính mãn tính và sự khó khăn trong theo dõi.

Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học

Trong một nghiên cứu vào năm 2015 tại ĐBSCL, hơn một nửa mẫu động vật không xương sống bị nhiễm độc tính cấp tính bởi thuốc trừ sâu fipronil, trong khi tỉ lệ bị nhiễm độc tính mãn tính chiếm 77% mẫu khảo sát.

"Tại một số nơi trong khu vưc Đông Á, sự sinh tồn của một số loài đang gặp nguy hiểm – nạn cá chết và sự biến mất của các sinh vật thụ phấn là những ví dụ điển hình của vấn đề này. Hiện tượng phú dưỡng (có quá nhiều chất dịnh dưỡng trong môi trường nước) đôi khi dẫn đến việc cá chết trên diện rộng và thậm chí dẫn đến những khu vực chết mà không loài nào sống được," báo cáo cho biết.

Khí hậu

Theo WB, các hoạt động nông nghiệp – đặc biệt là trồng lúa và chăn nuôi gia súc, đứng thứ hai trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2014, các hoạt động nông nghiệp đóng góp 23% tới lượng khí nhà kính.



Sự gia tăng khí nhà kính từ nông nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 1994 – 2010 – Nguồn: WB

Chất lượng cuộc sống

Cuối cùng, ô nhiễm nông nghiệp đang ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của nhiều cư dân ở khu vực Đông Á. Tại Việt Nam, báo cáo nêu về tình trạng dân cư sống cạnh những trang trại chăn nuôi phải chịu đựng mùi hôi và sự ô nhiễm môi trường. "Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam, và vùng ngoại ô TPHCM."



Nước thải đen ngòm từ trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm tại Yên Bái – Nguồn: VOV

Theo phân tích của WB, những tác nhân gây ô nhiễm có cả đầu vào và đầu ra của nông nghiệp. Những tác nhân đầu vào bao gồm: phân bón, thuốc trừ sâu và các phương pháp hoá học khác, thuốc và thức ăn, nhiên liệu và nhựa... Vào năm 2013, cùng với Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam xếp vào top 10 những ngước sử dụng phân bón nhiều nhất. 4 nước này chiếm khoảng gần 1 phần 3 tổng số lượng sử dụng của thế giới.

Các tác nhân đầu ra gồm: dư lượng nông nghiệp, nước sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản và việc dọn dẹp chất thải nông nghiệp, vật chứa bằng nhựa, chất thải chăn nuôi… Ước tính 36% chất thải chăn nuôi ở Việt Nam được thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý.



Lượng phân bón sử dụng tại các nước qua các năm – Nguồn: WB



Vỏ thuốc bảo vệ thực vật đang "tàn phá" môi trường nông thôn – Nguồn: Tuổi Trẻ Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét