Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson đang đào tạo cả trăm sinh viên Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM, để họ có thể làm việc cho hãng này sau khi sang Nhật Bản du học.
Bán hàng trong cửa hàng tiện lợi là việc làm thêm phổ biến của sinh viên Nhật Bản. Tại trung tâm đào tạo của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, rất nhiều nhân viên trẻ đang học cách chào khách, trước khi đặt chân tới hàng nghìn cửa hàng của hãng trên khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên, điểm khác là những nhân viên này là người Việt Nam, chứ không phải Nhật Bản. Và nơi họ được đào tạo là Hà Nội hoặc TP HCM, chứ không phải Tokyo. Họ sẽ được huấn luyện khoảng một tháng trước khi sang Nhật để vừa có thể du học, vừa làm việc bán thời gian tại đây.
Thị trường lao động Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng khi dân số ngày càng già đi và chính sách nới lỏng của Thủ tướng Shinzo Abe khiến nhu cầu nhân lực tăng cao. Vì vậy, Lawson đã bắt đầu đào tạo sinh viên Việt Nam trước cả khi họ rời quê hương.
Một cửa hàng của Lawson tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo
Động thái của họ cho thấy một kết quả của chiến dịch kích thích Abenomics. Đó là ngày càng nhiều người sang Nhật Bản theo các loại visa ngắn hạn.
Từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền cuối năm 2012, số người nước ngoài sống tại Nhật Bản đã tăng gần 10% lên 2,2 triệu người. Trong đó, riêng số "thực tập sinh công nghệ" đã tăng 27% và số sinh viên nước ngoài tăng 36%.
Dù việc nhập cư vĩnh viễn vẫn bị kiểm soát chặt, những số liệu trên cũng cho thấy nỗ lực của các công ty Nhật Bản trong việc kiểm soát lạm phát lương. Số công nhân đổ đến đây làm việc hiện chiếm 10-15% tổng số việc làm được tạo ra từ khi Abenomics được áp dụng.
Lawson cho biết họ muốn tuyển 100 sinh viên Việt Nam trong năm đầu của chương trình này. Thời gian tới, con số này sẽ còn tăng nữa. "Mục tiêu của chúng tôi là giúp họ dễ dàng tìm được việc làm thêm tại Lawson khi đã đến Nhật Bản. Dĩ nhiên, họ phải có chút vốn liếng tiếng Nhật trước đã", công ty cho biết.
Lawson cho biết chương trình này là một trong những biện pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Khi tỷ lệ thất nghiệp tại đây xuống dưới 3%, tính trung bình, cứ một ứng viên lại có 1,74 việc bán thời gian. Lần cuối Nhật Bản có tỷ lệ này là năm 1992.
"Xét về góc độ nào đó, tôi cho rằng lượng người nhập cư tăng lên chính là câu trả lời cho tình trạng thiếu lao động tại đây", Mitsuhiro Fukao – Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio cho biết.
Một trong những lĩnh vực hút người nhập cư là "thực tập sinh công nghệ". Đây là loại visa cho phép lao động từ các nước đang phát triển đến Nhật Bản, rồi được đào tạo tối đa 3 năm tại các hãng công nghệ cao. Từ khi Abenomics bắt đầu, số lao động loại này đã tăng từ hơn 41.000 người lên hơn 192.000 người.
"Một số là thực tập sinh thật. Nhưng một số là lao động giá rẻ cải trang thôi", ông Fukao cho biết. Gần một nửa số này đến từ Trung Quốc. Nhưng con số tại Việt Nam cũng đang bùng nổ, tăng gấp 3 từ năm 2012.
Số sinh viên sang đây cũng tăng mạnh, từ hơn 65.000 lên hơn 246.000 người. Và visa của họ cũng cho phép làm bán thời gian.
Dù việc nhập cư ngắn hạn giúp xoa dịu phần nào áp lực trên thị trường lao động, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất muốn tăng lượng người nhập cư vĩnh viễn, để bù lại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp vì dân số giảm.
Đây là chủ đề vẫn còn gây tranh cãi. Ông Abe đã thực hiện một số chương trình cho phép lao động tay nghề cao vào Nhật Bản. Nhưng hiện tại, chúng mới chỉ thu hút vài nghìn người. Giới chính trị gia cũng không hào hứng làm mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực như điều dưỡng, có thể khiến điều này thay đổi.
"Tôi cho rằng quan điểm chống nhập cư đang giảm dần, do tình hình thiếu lao động trong nước", ông Fukao nhận xét. Ông gợi ý áp dụng lại một kế hoạch từng được đưa ra bàn thảo thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi - cấp visa lao động dựa trên trình độ tiếng Nhật của người nộp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét