Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Ngay cả những chai rượu dán tem nhập khẩu cũng có thể là hàng kém chất lượng, vì khả năng làm giả tem ngày càng tinh vi.

Theo anh Lê Hiếu, chủ một cửa hàng chuyên nhập khẩu rượu trên phố Hàng Da (Hà Nội), mặt hàng rượu vang kinh doanh tốt, nhất là dịp cuối năm. Sản phẩm bán chạy có giá dưới một triệu đồng. Giá một chai rượu vang phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thương hiệu, nguyên liệu đầu vào, công thức sản xuất, tuổi rượu, lịch sử hình thành.

Đại diện Chi cục Quản lý Thị trường TP. HCM đánh giá, giáp Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, trong đó, mặt hàng bia rượu có xu hướng tăng.

Đối với sản phẩm bia rượu nhập khẩu, khó khăn vẫn là vấn đề kiểm tra, kiểm soát tem nhãn. Hiện nay, các sản phẩm rượu sản xuất trong nước, rượu nhập khẩu đều phải dán tem trên bao bì.

"Nhưng ngay cả các mẫu tem này còn bị làm giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số cơ sở sản xuất rượu trong nước cũng dán tem giả, tem nhập khẩu để thay đổi xuất xứ của sản phẩm nhằm đánh vào thị hiếu chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng", vị đại diện cho biết.


Trong 10 tháng đầu năm nay, Chi cục đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ vi phạm, chủ yếu vẫn là buôn bán, chứa trữ tại các kho hàng. Hiện rượu ngoại vào thành phố có nhiều nguồn như chủ hàng thu gom của những người mua theo tiêu chuẩn tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi vận chuyển bằng xe gắn máy, xe khách tuyến Quốc lộ 22 qua huyện Củ Chi, Hóc Môn vào nội thành tiêu thụ. Hay hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng chủ hàng khai gian lận số lượng, chủng loại. Nguồn nhập lậu qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia, mang các thương hiệu lớn.

"Với công nghệ sản xuất tem giả tinh vi hiện nay, người tiêu dùng lo ngại mua phải hàng giả, ngay cả tại những nơi có uy tín như siêu thị và các cửa hàng lớn. Vì thế từ năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng đề án ứng dụng tem điện tử vào quản lý rượu nhập khẩu, tránh trường hợp rượu giả xâm nhập vào thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng", đại diện Chi cục Quản lý Thị trường TP HCM chia sẻ.

Ông Trần Hùng - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cũng cho rằng, sức tiêu thụ rượu vang ngày càng tăng nên thị trường này trở thành "miếng bánh" hấp dẫn với những người chuyên kinh doanh gian lận để kiếm lời. Hàng năm, Chi cục Quản lý thị trường trên địa bàn Hà Nội kiểm tra, thu giữ số lượng rất lớn vang giả, đặc biệt là vào dịp cận Tết.

Vang giả do các đối tượng kinh doanh thu mua lại vỏ chai những thương hiệu nổi tiếng rồi cho loại rượu phẩm chất kém hoặc vang nội rẻ tiền vào, sau đó đóng nhãn mác mới, giả làm hàng ngoại nhập, chất lượng cao. Những sản phẩm này thường không xuất hiện tại các địa điểm kinh doanh lớn, có uy tín, nhưng rất dễ bỏ vào các gói quà Tết vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Đại diện Ban 389 nhận xét không chỉ các đơn vị chức năng mà ngay cả hãng sản xuất, nhập khẩu vang đang hoạt động trong nước cần tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ đối với hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối các sản phẩm của mình nhằm loại bỏ việc trà trộn sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng.

"Người dùng cũng nên bớt tâm lý sính ngoại để không rơi vào bẫy những người kinh doanh hàng giả. Nên đến các điểm kinh doanh có uy tín để mua, tránh các cửa hàng bán rượu mác ngoại giá rẻ. Đây thường là nơi dễ trà trộn hàng giả, hàng nhái", ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện nhà làm vang Ladora Winery nhìn nhận, tình trạng rượu vang giả, nhái, kém chất lượng không chỉ diễn ra với mặt hàng nhập khẩu mà còn xuất hiện ngay ở sản phẩm do công ty trong nước sản xuất. Phổ biến nhất là việc giả mạo hoặc nhái theo thương hiệu đã đăng ký độc quyền Vang Đà Lạt. Một số cơ sở nhỏ lẻ thay vì sản xuất rượu vang theo đúng quy trình ngâm ủ nho lên men mất ít nhất 1-2 năm thì mua nước nguyên liệu trôi nổi về pha chế hương liệu và cồn, sau đó đóng chai đem bán với giá rất rẻ.

"Trong rượu vang nguyên chất có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tiêu hóa, hệ tuần hoàn, tim mạch. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm kém chất lượng, khi được thêm cồn và các hương hóa chất vào, sẽ khiến những chất chống oxy hóa này bị thay đổi, mất tác dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng", vị đại diện này phân tích.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2004, lượng rượu vang nhập khẩu đã tăng khoảng 25% một năm, giai đoạn từ 2010 tăng trung bình 10% mỗi năm. Riêng 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 53,2 triệu USD, tăng 85% so với năm 2009.

Pháp, Chile, Italy, Argentina, Australia là những quốc gia có lượng vang nhập khẩu lớn vào Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 10% một năm, Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiêu thụ rượu vang tốt ở châu Á.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát, Việt Nam có trên 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất và đóng chai rượu vang. Các kênh bán hàng cũng khá đa dạng, từ cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trên tuyến phố, đến những đại lý chuyên về đồ uống có cồn, siêu thị, trung tâm thương mại hay các showroom chuyên biệt dành cho rượu vang.

Sản phẩm vang phổ biến nhất là loại chai 750ml, có mức giá từ vài chục nghìn đến trên dưới 2 triệu đồng.

"Để lựa chọn một chai vang chất lượng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin, chọn mua những thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ nhằm đảm bảo lợi ích sức khỏe", đại diện Ladora Winery nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét