Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Triển lãm tranh với chủ đề" Khoảnh trời riêng" của Họa sỹ Tuấn Dũng vừa khai mạc chiều nay tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội
Hơn 100 bức tranh của họa sĩ Tuấn Dũng như những khuôn nhạc tràn đầy giai điệu cuộc sống được giới thiệu tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 10-25/4/2017.
Sự chân thành trong cảm xúc, niềm đam mê trong nghề đã tạo nên cái duyên, cái đẹp trong tranh Tuấn Dũng. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của anh với hơn 100 bức tranh. Hoạ sỹ Tuấn Dũng sẽ đem đến cho người xem nhiều điều bất ngờ ở triển lãm lần này, khi anh đã bước qua tuổi 75.
 hoa-sy-tuan-dung-voi-quotkhoanh-troi-riengquot-lan-thu-6--giadinhvietnam.com 1
Hoạ sỹ Tuấn Dũng đã bước vào tuổi 75 vẫn "đầy lửa" làm việc
Sinh năm 1942 tại làng Quan Nhân, Hà Nội. Trời phú cho anh bàn tay hội hoạ, từ nhỏ anh đã đam mê vẽ. Từ năm 1961, thấy anh có năng khiếu hội hoạ, thày Phạm Viết Song và hoạ sỹ Đình Minh đã tận tình kèm cậu học trò nhỏ này mà không nhận thù lao.
Niềm đam mê vẽ của anh đã đeo bám cả những năm ở quân ngũ. Thấy cậu lính trẻ không chỉ có tài vẽ mà còn có cả năng khiếu làm thơ, viết báo, năm 1964, lãnh đạo Trung đoàn 88, C17, F308 đã đặc cách đưa anh về Phòng truyền thống của sư đoàn chỉ để vẽ tranh, viết báo tường.
Sau ngày rời quân ngũ, một sự tình cờ khiến anh trở thành phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong với cương vị Hoạ sỹ trình bày. 15 năm ở Báo Thiếu niên đã có hàng ngàn bức hoạ của anh được truyền tải đến các bạn đọc nhỏ tuổi. Phải chăng có một thời gian dài làm bạn với tuổi thơ, đắm đuối với những bức vẽ dành cho con trẻ khiến anh giữ được phong độ " trẻ mãi" cho đến bây giờ, khi đã vào tuổi 75.
 hoa-sy-tuan-dung-voi-quotkhoanh-troi-riengquot-lan-thu-6--giadinhvietnam.com 2
Họa sỹ Tuấn Dũng vui mừng đọc lời khai mạc triển lãm tranh 
"Khoảnh trời riêng" của mình lần thứ 6
Cũng lại một sự tình cờ, năm 1980 anh chuyển về công tác tại Báo Giao thông Vận tải. 15 năm ở đây trên cương vị hoạ sỹ trình bày, anh đã để lại nhiều bức vẽ khá ấn tượng với độc giả trong và ngoài ngành. Gần anh mới biết, niềm đam mê lao động, sự sáng tạo trong những bức tranh luôn cháy bỏng. Chả thế mà bảng pha màu của anh lúc nào cũng sẵn màu, dường như anh vẽ bất cứ lúc nào có thể. Anh bảo cuộc đời mình, sau 75 năm, giờ vẫn chỉ thấy thiếu một thứ, đó là thời gian. Những bức tranh của anh cứ ngày một nhiều lên, khổ cũng lớn hơn, đi vào chiều sâu hơn.
Nếu chỉ biết hoạ sỹ Tuấn Dũng qua tranh thôi chưa đủ, anh còn là một người làm thơ với gần 100 bài thơ tình đắm đuối, sy mê đã được in thành sách. Những năm tháng vợ đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, anh vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành. 
 hoa-sy-tuan-dung-voi-quotkhoanh-troi-riengquot-lan-thu-6--giadinhvietnam.com 3
Trung du yên tĩnh- Tranh Tuấn Dũng
Với bạn bè Tuấn Dũng là người tình nghĩa thuỷ chung hiếm có. Anh có nhiều người bạn giữ các vị trí  cao trong xã hội, nhưng anh không cậy bạn để mưu lợi riêng cho mình. Quý bạn, nhớ bạn anh đưa hết cả vào tranh, cũng vì thế mà anh được nhiều người trong giới hội hoạ suy tôn là người vẽ chân dung khá thành công.
38 năm trong nghề báo (1966-2003) làm hoạ sỹ minh hoạ, trình bày các báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Giao thông Vận tải, làm biên tập, rồi làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia cho đến ngày nghỉ hưu. Nghề nghiệp đưa anh Tuấn Dũng đi nhiều nơi, đến mọi miền đất nước, đâu đâu cũng đẹp như mơ, như trong cổ tích, toàn hoa và nắng...
Chứng kiến những gian khó, khốc liệt nhưng bi tráng qua 3 cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống Mỹ; Chiến tranh biên giới phía Nam; Chiến tranh biên giới phía Bắc, hình bóng cuộc chiến tranh luôn hiện hữu, ám ảnh nhưng anh chưa có dịp thể hiện trên tranh, vì thế anh vẫn đau đáu, suy tư về những điều đã chứng kiến. Vẫn mong có thời gian để trải nghiệm qua những bức vẽ. Nhưng dù sao thì với anh, 20 năm gần đây là những năm tháng thành công, bởi với 6 cuộc triển lãm của riêng mình, đó chính là “Khoảnh trời riêng” của hoạ sỹ Tuấn Dũng.
 hoa-sy-tuan-dung-voi-quotkhoanh-troi-riengquot-lan-thu-6--giadinhvietnam.com 4
"Chiến tranh đã đi qua"- Tranh Tuấn Dũng
“Khoảnh trời riêng” vẫn còn đó khoản nợ ký ức về một thời chiến tranh giữ nước, một thời đầy bi tráng và kiêu hùng của dân tộc. Anh kể, bức tranh "Chiến tranh đã đi qua" là  hình ảnh bà mẹ và 12 người con hy sinh qua những cuộc chiến, những vong hồn lảng vảng, những bàn tay vẫn níu chặt bờ vai của mẹ, đôi vai gày guộc, khuôn mặt thẫn thờ nhớ con của mẹ cứ ám ảnh anh mãi không thôi. Vừa giới thiệu tranh anh vừa đọc thơ Nguyễn Duy: "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Tôi đọc được một chút lắng đọng hiển hiện qua khoé mắt của người hoạ sỹ đã đi qua tuổi 75.
 hoa-sy-tuan-dung-voi-quotkhoanh-troi-riengquot-lan-thu-6--giadinhvietnam.com 5
Thoáng bóng ai đi trong sương khói… Tranh Tuấn Dũng
Trả lời câu hỏi của tôi về sự kỳ vọng gì ở triển lãm lần thứ 6-2017 này?  Anh cười. Xưa nay mình vốn thế, có ham hố gì đâu, bạn bè vẫn bảo đến nhà Tuấn Dũng là để "lấy lửa", "thêm lửa" để vẽ. Mình đã và sẽ là như vậy. Tài năng có hạn, chỉ có lòng yêu nghề, đam mê với nghề. Làm báo như em chỉ cần viết cánh đồng mỏi cánh cò bay là người đọc đã hiểu, đơn giản vậy.  Nhưng người hoạ sỹ làm được điều đó thì khó vô cùng. Hoạ sỹ vì thế phải có cái nhìn đa chiều. Trên 100 bức tranh tại triển lãm lần thứ 6 của anh lần này gợi nhớ về tuổi 75 vẫn "đầy lửa" về một khoảng trời riêng đam mê, nhiệt huyết.
Người viết bài này ít nhiều đã hiểu anh, khi được làm việc với anh 12 năm ở Báo Giao thông Vận tải, nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng về người hoạ sỹ có dáng người cao lớn, mái tóc dài và cá tính mạnh. Nhưng đọng lại ở anh là tình bạn thuỷ chung, mắng đấy, quát đấy nhưng rất chan chứa yêu thương. Những điều chúng tôi, thế hệ sau học được ở anh là sự tận tình với bạn bè, đam mê với công việc.
Sau này anh chuyển công tác, thi thoảng gặp lại vẫn thấy ở anh sự nhiệt thành với các bức hoạ, 75 tuổi vẫn đau đáu với một khoảnh trời riêng. Những bức tranh Phố cổ của hoạ sỹ Tuấn Dũng giúp người xem thấy những kỉ niệm cùng những nỗi niềm tiếc nuối bâng khuâng. Tuấn Dũng còn rất thành công với đề tài nông thôn như: Đê Sông Hồng, Ao cạn, Bên hồ hay bức tranh Mùa xuân thiếu nữ... Anh vẽ tranh không để nhận giải, những cuộc triển lãm tranh với anh cũng như sự tình cờ, như để chiều bạn bè, người thân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét