Australia Mở rộng áp dụng loạt tie-break cho set cuối
Từ 2019, hai tay vợt sẽ bước vào loạt tie-break nếu hòa 6-6 trong set quyết định tại giải Grand Slam đầu tiên trong năm.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nội dung đánh đơn tại Grand Slam chứng kiến loạt tie-break "chạm 10". Loạt đấu này sẽ diễn ra nếu hai tay vợt tại Australian Open năm nay đưa nhau đến tỷ số hòa 6-6 trong set cuối. Trước đây, loạt super-tiebreak chỉ thường xuất hiện trong các trận đấu đôi.
Simona Halep thắng 15-13 trong set cuối trận vòng ba gặp Lauren Davis năm 2018, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề về thể lực và không thể vô địch. Ảnh: ABC.
|
"Chúng tôi tin rằng sự thay đổi có tính bước ngoặt này sẽ tốt cho các tay vợt, cũng như các CĐV", Giám đốc điều hành Australia Mở rộng, ông Craig Tiley, cho biết. "Việc sử dụng loạt tie-break trong set cuối vừa đảm bảo sự hấp dẫn và công bằng của trận đấu, vừa đảm bảo thể lực cho tay vợt giành vé đi tiếp. Loạt tie-break dài cũng sẽ hạn chế đi lợi thế của những tay vợt giao bóng tốt".
Không tính set quyết định, bốn set đầu các trận đơn nam và hai set đầu đơn nữ sẽ vẫn áp dụng loạt tie-break "chạm 7" nếu hai tay vợt hòa 6-6 sau 12 game đầu.
Trước khi loạt tie-break set cuối được áp dụng, set đấu có tỷ số cao nhất tại Australia mở rộng là 22-20, khi Ivo Karlovic đối đầu Horacio Zeballos năm 2017. Kỷ lục về tỷ số ở set cuối trong làng quần vợt là 70-68, thuộc về trận John Isner gặp Nicolas Mahut tại Wimbledon 2010.
Với sự thay đổi của ban tổ chức Australia Mở rộng, bốn giải Grand Slam sẽ có bốn quy tắc khác nhau khi các tay vợt giằng co trong set quyết định. Wimbledon áp dụng tie-break "chạm 7" khi tỷ số là 12-12, Mỹ mở rộng dùng tie-break "chạm 7" khi tỷ số là 6-6, còn Roland Garros không có tie-break set cuối.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét