Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vượt 10 tỷ USD
Trong phiên giao dịch cổ phiếu cuồi tuần qua, với mức 3.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng 3,02% lên 126.100 đồng, đây cũng là đỉnh mới của cổ phiếu này, kể từ khi lên sàn đến nay. Và với mức giá của VIC như hiện nay, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup trên sàn chứng khoán (bao gồm cả lượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp) đã lên tới 235.200 tỷ đồng (khoảng 10,1 tỷ USD), đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Thậm chí, giá trị tài sản của ông Vượng còn vượt qua cả giá trị vốn hoá nhiều công ty lớn trên sàn như Vinamilk (vốn hoá 215.931 tỷ đồng); PV GAS (200.199 tỷ đồng); ACV (176.995 tỷ đồng); Sabeco (176.994 tỷ đồng)…
Từ đại gia nổi tiếng thành Vinh đến tội phạm vừa bị truy nã
Ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng với tội danh giả mạo trong công tác. Ông Hùng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô.
Nhưng thực tế ông Trần Khắc Hùng cũng là một doanh nhân khá có tiếng, sở hữu một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.
Bộ Công an đang truy nã Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô.
Ông Hùng có bằng tiến sĩ Quản trị kinh doanh, từng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ khóa VII, khóa XIV, và từng được Unesco Việt Nam trao tặng biểu tượng "Rồng thiêng Doanh nhân hiền tài”.
Tuy nhiên, hai doanh nghiệp ông Hùng giữ vị trí chủ chốt là Tập đoàn Sara và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VNN đều thua lỗ triền miên, giá cổ phiếu lao dốc.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara (mã SRB), tiền thân là Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Công nghệ thông tin Quốc gia được thành lập ngày 16/06/2003. Năm 2008 công ty được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng sau đó do thua lỗ nên đã chuyển về sàn UpCoM.
Tương tự SRB, Cổ phiếu VNN rơi vào mất thanh khoản và giảm về mức 5.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VNN đã hủy niêm yết vào ngày 27/7/2018 do không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm bị cơ quan thuế “sờ gáy”
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm thông báo, trong ngày 21/8/2019, doanh nghiệp này đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh với tổng số tiền truy thu, tiền phạt là 97,2 triệu đồng.
Quyết định xử phạt hành chính của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP đã thực hiện hành vi kê sai dẫn đến giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2018.
Bầu Đức mất quyền kiểm soát “con át chủ bài” HAGL Agrico?
Theo thông báo của Hoàng Anh Gia Lai, gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đề cập việc công ty chỉ còn sở hữu 49,24% cổ phần có quyền biểu quyết tại HAGL Agrico và không còn là công ty mẹ nắm quyền kiểm soát HAGL Agrico sau đợt tăng vốn điều lệ để chuyển đổi 221.710 trái phiếu thành 221.710.000 cổ phiếu HNG.
Hoạt động tái cơ cấu mạnh mẽ khiến tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico sụt mạnh xuống dưới ngưỡng 50%.
Tuy nhiên, phía theo lãnh đạo tập đoàn, thì Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang nắm quyền kiểm soát đối với HAGL Agrico. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Agrico và số lượng thành viên trong hội đồng quản trị của HAGL Agrico đại diện cho công ty vẫn chiếm đa số (4 thành viên trên tổng số 7 thành viên).
Như vậy, “về mặt luật pháp HAGL Agrico vẫn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai và vẫn được hợp nhất báo cáo tài chính vào công ty", đại diện Hoàng Anh Gia Lai nhấn mạnh.
“Đế chế” của đại gia Đặng Văn Thành lên kế hoạch khủng
Phiên giao dịch 21/8, cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC - Biên Hoà) quay đầu giảm nhẹ 0,62% còn 16.100 đồng/cổ phiếu.
Công ty này vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó đề nghị thông qua việc phát hành 2.400 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu (tương ứng huy động 2.400 tỷ đồng). Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu là 3 năm, lãi suất được thoả thuận cụ thể với nhà đầu tư.
Trước đó, Hội đồng quản trị TTC - Biên Hoà cũng đã thông qua phương án bán toàn bộ hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ tương đương 10,5% vốn điều lệ nhằm tăng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành và cơ cấu lại nguồn vốn.
Giá bán sẽ do HĐQT quyết định nhưng dự kiến không thấp hơn giá trị thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất.
Tại TTC - Biên Hoà, gia đình ông Đặng Văn Thành vẫn đang nắm giữ cổ phần lớn nhất. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công do con gái ông Thành là Đặng Huỳnh Ức My lãnh đạo đang sở hữu 30,18%; bà Đặng Huỳnh Ức My cũng trực tiếp sở hữu 12,29%; bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Thành sở hữu 2,96%.
Bất ngờ “đáng nể” về người vợ ông Trần Phương Bình
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ vừa hé lộ thông tin khá bất ngờ khi cho biết, bà từng được chẩn đoán bị ung thư hồi những năm 2000. Bà Dung chia sẻ, trước khi biết mình bị bệnh, bà là một người nóng tính, thích hơn thua và làm việc nhiều, song tính cách bà đã thay đổi sau khi phải đối diện với tử thần.
Bà Cao Thị Ngọc Dung.
“Khi đối diện với cái chết, tôi nghĩ mình phải mạnh mẽ hơn, phải chiến đấu chống lại nó. Hơn nữa, trước cái chết, tôi thấy sự hơn thua, nóng nảy cũng chẳng có ích gì nữa. Thế là, tôi buộc phải thay đổi tính cách của mình. Sau cú sốc đó, tôi đã tìm được ‘cái tâm’ của mình. Khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó, tự dưng mình làm được những thứ mà bình thường mình không thể”, bà Dung cho biết
Bà Dung cũng trải lòng về việc vượt qua biến cố gia đình khi chồng bà là ông Trần Phương Bình bị bắt. Bà nói: “Anh Bình gặp rủi ro hay tham nhũng, sự thật sẽ phơi bày tất cả. Nếu tôi cứ ngồi đó sợ hãi sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả mà còn tích tụ năng lượng xấu”.
Do đó, bà Dung cho rằng mình không phải là một “iron woman” (người đàn bà sắt thép) như nhiều người gọi mà bà chỉ là người luôn chấp nhận những gì trong đời đến với mình, chấp nhận nó như là nó vốn có.
Cổ phiếu giảm giá mạnh, ông Trịnh Văn Quyết về top 10
Sáng 19/8, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros tiếp tục chuỗi giảm kéo dài, mất thêm 600 đồng tương ứng 2,29% còn 25.600 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức giá thấp nhất của ROS trong suốt 1 năm qua, mất gần 40% sau 1 năm giao dịch.
Ông Trịnh Văn Quyết.
Trong khi đó, cổ phiếu FLC cầm cự tại mức tham chiếu 3.900 đồng và đây cũng là vùng giá thấp nhất của FLC. Đáy mã này là 3.800 đồng thiết lập ngày 6/8/2019 và so với thời điểm này 1 năm trước, FLC cũng đã “bốc hơi” hơn 36% giá trị.
Với giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, hiện tại vị trí của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC trong danh sách xếp hạng những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam bị tụt xuống thứ 10 với giá trị tài sản là 10.608 tỷ đồng.
Theo Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét