Ngoài máy gieo hạt, anh Hát còn là “cha đẻ” hơn 30 loại máy nông nghiệp khác, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu nước ngoài. Điều đặc biệt khi biết anh Hát chỉ mới học hết lớp bảy, chưa từng qua trường lớp kỹ sư nào.
Từng gặp nông dân Phạm Văn Hát nhiều lần ở những triển lãm tại Hà Nội cũng như về tận xưởng cơ khí của anh ở quê nhà, những lần đó khi ai nhắc tới chuyện đăng kí bản quyền, cấp bằng sáng chế, anh lại xuề xòa: “Sợ làm thủ tục mất thời gian, với lại tôi chế ra máy rồi bán luôn cho bà con, hoặc doanh nghiệp khác đến mua luôn, tôi chưa để ý chuyện thủ tục đó”.
Thế nhưng sau khi chứng kiến nhiều máy móc do mình tự chế ra bị “nhái” trên thị trường, anh Hát thay đổi suy nghĩ. Người nông dân này tự nhận ra rằng trong thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, những ý tưởng sáng tạo không còn đơn thuần như suy nghĩ của anh là giúp bà con nông dân bớt vất vả nữa, mà đó là cả tài sản lớn. Việc áp dụng tuân thủ các quy định pháp luật về bản quyền sẽ giúp anh bảo vệ những sáng kiến của mình trên thương trường.
Bởi vậy, nhiều năm nay anh không ngừng cải tiến, hoàn thiện hồ sơ để được đăng ký bản quyền sản phẩm robot gieo hạt hiện đã có mặt ít nhất tại 14 thị trường quốc tế như Mỹ, Đức, Singapore...
Chế robot gieo hạt mang đến 14 nước
Đây là sáng chế ấn tượng bậc nhất của “kỹ sư chân đất” Phạm Văn Hát từ năm 2014. Trước đó trên thế giới chỉ có robot đứng một chỗ đặt hạt xuống khay để nhân công đem đi ươm giống. Còn robot do anh Hát chế tạo có thể di chuyển trên đồng ruộng, đặt hạt giống trực tiếp xuống luống.
Robot đặt hạt nặng chỉ 20kg, cao khoảng 20cm, rộng hơn 1m2. Máy gồm bộ khung với 4 mô tơ. Quan trọng nhất là bộ phận đóng hút hơi. Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cơ học: Khi hút hơi, van đóng lại, đầu kim hút hạt chuyển sang máng rơi hạt. Lúc này van tự động mở, kết hợp với độ rung làm hạt rơi xuống luống.
Nhờ robot hoạt động cơ học, không có các vi mạch nên rất ít hư hỏng, dễ điều khiển: “Chỉ việc cắm điện vào là máy tự chạy. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm và chỉ vài phút là xong.
Máy đặt hạt vào khay của các hãng khác thay thế khoảng 7 nhân công được bán với giá 60 triệu đồng; còn máy đặt hạt của tôi thay thế được 40 nhân công nhưng chỉ có giá 35 triệu đồng”, anh nói và cho biết máy chỉ tiêu tốn 1kw điện trong 100 tiếng đồng hồ hoạt động.
Lúc đầu robot chỉ gieo di chuyển bằng bánh xe là hai ống nhựa nên dễ bị nghiêng đổ khi đi qua địa hình gồ ghề. Sau một năm tìm tòi, anh Hát thay thế bằng 2 bánh xe đàn hồi giúp máy di chuyển dễ dàng hơn trên bề mặt không bằng phẳng.
Anh còn chế tạo thêm nhiều kim gắp hạt để máy có thể gieo được nhiều loại hạt giống có kích thước khác nhau. Người sử dụng có thể điều chỉnh khoảng cách gieo theo ý muốn, thưa hoặc dày tùy ý.
Nói về ý tưởng sáng tạo robot đặt hạt, anh Hát nhớ lại, năm 2012 trong lần đi qua vùng chuyên canh cà rốt thấy bà con gieo hạt thủ công trên những cánh đồng bạt ngàn. Một lúc sau về đến nhà, nghe anh trai than vãn không mướn được người gieo hạt thuê. Nghe vậy anh Hát nói “để em nghiên cứu”. Sau hai năm tìm tòi, chiếc máy ra đời và không ngừng được cải tiến đến bây giờ.
Thông tin robot đặt hạt nhanh chóng lan truyền, nhiều nông dân cả nước tìm về Hải Dương đặt hàng. Đặc biệt nhiều chủ trang trại ở nước ngoài qua mạng internet cũng tìm về Việt Nam hỏi mua. Tới nay robot đặt hạt của anh Hát đã được bán ra tại 14 quốc gia như Mỹ, Đức, các nước Đông Nam Á… với giá 3.500 USD/máy.
Sáng chế không cần bản vẽ
Ngoài robot đặt hạt, anh Hát còn sáng chế ra hơn 30 máy nông nghiệp khác như: Máy đánh luống; máy soi rạch trồng cây vụ đông giúp tiết kiệm công đoạn vét đất lên luống, soi rạch; dàn cày 2 lưỡi khắc phục tình trạng rạ quấn vào máy, tốc độ nhanh hơn, thớ đất sâu hơn. Anh còn sáng chế những dàn cày 3 lưỡi, 4 lưỡi; máy phun thuốc sâu với sải cánh hơn 20m, có thể phun xong cả mẫu ruộng trong vòng 10 phút…
Hẳn nhiều người bất ngờ khi anh Hát chỉ học đến lớp bảy, chưa qua trường lớp đào tạo chính quy nhưng có thể cho ra đời nhiều máy móc. Không ít người, trong đó có cả các kỹ sư nhận xét khả năng sáng chế của anh Hát là “bẩm sinh”.
Anh Hát bộc bạch không rành bản vẽ, đồ họa. Quy trình sáng tạo của anh rất đơn giản: Khách hàng đưa ra yêu cầu về máy móc, sau đó anh tự lên ý tưởng rồi lắp láp, chế tạo mà không cần bản vẽ.
Anh Hát kể vốn có đam mê về máy móc từ nhỏ, sau đó có thời gian làm thuê ở một xưởng cơ khí tại TP Hải Dương. Đây là dịp để anh mày mò sáng tạo. Thế nhưng niềm đam mê này đứt quãng khá dài. Đó là thời gian mà người đàn ông này gọi vui là “thất bại tuổi 35”.
Khi đó anh ôm hoài bão phát triển trang trại “rau hữu cơ”, “rau an toàn” đầu tiên ở Hải Dương. Kết quả sau 4 năm, trang trại phá sản, ông chủ trẻ ôm khoản nợ hơn 3 tỷ đồng.
Nhớ lại lúc trồng rau sạch có chuyên gia Israel sang tham quan, đây là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, nên anh Hát quyết vay tiếp 200 triệu nữa sang quốc gia này xuất khẩu lao động: “Tôi muốn sang đấy tận mắt xem người ta làm trang trại rau sạch như thế nào? Xem tôi sai ở đâu mà mất mấy tỷ đồng”, anh nhớ lại.
Cuối năm 2010 đặt chân xuống xứ người làm thuê, không lâu sau anh đã tìm ra câu trả lời cho thất bại của mình: Ở thời điểm đó nhận thức về “rau hữu cơ” “rau an toàn” ở Việt Nam còn hạn chế. Người dân chỉ muốn mua được rau giá rẻ, muốn ăn no chứ chưa chú trọng đến thực phẩm sạch. Đầu ra không ổn định chính là căn nguyên đẩy anh vào nợ nần trong quá khứ.
Nhưng có lẽ thành công nhất trong chuyến xuất ngoại này của anh Hát chính là cơ hội để sự sáng tạo trỗi dậy. Quá trình làm việc, anh đã cải tiến máy bón phân cho chủ trang trại có thể thay thế 10 nhân công. Sau khi cải tiến máy thành công, anh Hát được ông chủ thưởng 200 triệu đồng cùng máy tính, điện thoại.
Cũng từ đó anh không còn phải ra đồng làm như một nông dân, không còn bị gò ép thời gian lao động như trước. Sau máy bón phân, anh Hát còn chế tạo thêm cho trang trại này những máy cắt rau, dọn cỏ và máy lên luống giúp tiết kiệm hàng trăm nhân công mỗi ngày.
Sau một năm làm thuê, anh quyết định trở về nước làm lại từ đầu. Anh tự vay vốn mở xưởng cơ khí chuyên chế tạo máy nông nghiệp. Sau thời gian nỗ lực, đến cuối năm 2016 người nông dân từng thất bại đã thoát khỏi khoản nợ tiền tỷ, mua thêm được thửa đất tiền tỷ, mở rộng nhà xưởng. Anh cho biết vài năm gần đây năm này đơn hàng luôn nhiều hơn năm trước. Máy móc được bán đi cũng ít gặp trục trặc.
Nói về động lực sáng tạo, anh Hát chỉ mỉm cười “có lao động mới có sáng tạo”. Với anh Hát, những ý kiến, thắc mắc của người nông dân luôn được anh ghi chép cẩn thận, từ đó anh lần mò khắc phục các nhược điểm máy móc. “Suy nghĩ một đằng nhưng khi chế tạo thực tế lại khác, nên phải không ngừng hoàn thiện máy móc. Bởi vậy những người nông dân chính là cánh tay nối dài sự sáng tạo của tôi”, anh nói.
Như lời anh Hát thì đến thời điểm này, robot đặt hạt của anh đã khắc phục được rất nhiều hạn chế trước đây. Anh đã cải tiến thêm nhiều tính năng cho robot như máy có thể di chuyển trên mặt ruộng gồ ghề, bãi cát. Cùng với đó là công suất nâng lên, máy có thể gieo được tất cả các loại hạt với kích thước khác nhau. Với những thành tích trong cải tiến, sáng chế máy móc, anh Phạm Văn Hát từng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015; Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân năm 2014; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016. |
(Theo Pháp luật Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét