Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn bùng lên tại Mỹ và phình to thành khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay sau đó, nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái (Great Recession) hồi thập niên 1930.
Thời gian qua, các chuyên gia quốc tế nhiều lần cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Theo CNBC, có 5 "bóng ma" đang ám ảnh nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Mỹ suy giảm
"Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh". Theo CNBC, sau cuộc "đại tu" thuế 1.500 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu hắt hơi. Quý II năm nay, đầu tư giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua hồi tháng 9.
Sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong 128 tháng, khiến chỉ số Dow Jones tụt 800 điểm chỉ trong hai ngày. Lợi nhuận của các tập đoàn cũng giảm. Chỉ số S&P 500 cho thấy sự sụt giảm đáng kể về doanh thu của các tập đoàn trong 2 quý đầu năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng doanh số bán lẻ và thu nhập hộ gia đình cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp là những yếu tố cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh khỏe.
Bom nợ Trung Quốc phình to
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tính đến quý I năm nay, tổng số nợ của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ ở Trung Quốc tăng vọt lên đến 303% GDP nước này, tương đương tới 40.000 tỷ USD.
Chính quyền Trung Quốc nhiều lần khẳng định tỷ lệ nợ "vẫn trong tầm kiểm soát". Tuy nhiên, Moody's cảnh báo sức ép tài chính ở các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ là thử thách lớn đối với chính quyền trung ương và các địa phương Trung Quốc.
Trong 10 năm qua, kinh tế Trung Quốc chiếm gần 30% tăng trưởng toàn cầu mỗi năm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy thoái sẽ gây ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu.
Dù vậy, nhà phân tích Andy Rothman thuộc Matthews Asia nhận định nợ Trung Quốc là "vấn đề nghiêm trọng", nhưng chưa có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Biểu tình Hong Kong
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã kéo dài suốt 4 tháng qua và chưa cho thấy dấu hiệu chấm dứt. Đây là một rủi ro lớn bởi Hong Kong là trung tâm tài chính và thương mại quan trọng của khu vực và thế giới.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ước tính hơn 437 tỷ USD giao dịch ngoại hối được thực hiện tại Hong Kong trong năm 2016. Đây cũng là một trung tâm xuất khẩu khổng lồ, là đầu nguồn vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.
Trung tâm tài chính này cũng là cửa ngõ ra vào nền kinh tế Trung Quốc với hàng loạt ngân hàng hút vốn từ các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, bất ổn có thể làm gián đoạn đầu tư và thương mại, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.
Căng thẳng tài chính Argentina
Đầu năm 2019, nhà đầu tư nổi tiếng Mark Mobius tuyên bố công ty của ông sẽ tránh xa Argentina. “Chất lượng cuộc sống giảm sút, trình độ giáo dục đi xuống và chúng tôi không hài lòng với tình hình kinh tế vĩ mô của Argentia”, ông giải thích.
Thị trường chứng khoán Argentina đã sụt giảm hơn 30% kể từ cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 8. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất ở quốc gia này kể từ năm 1950. Giá đồng peso cũng tụt dốc 15% so với đồng USD, khiến khối nợ tính bằng đồng USD của Argentia nặng thêm.
Theo kế hoạch, Argentina phải trả nợ 80 tỷ USD vào năm 2019 và 2020. Như vậy, có khả năng quốc gia này sẽ vỡ nợ lần thứ ba trong vòng chưa đầy 20 năm. Quốc gia này sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ cho đến cuối năm 2019 và hy vọng Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ gia hạn các khoản nợ.
Khủng hoảng ở Ai Cập
Vào tháng trước, phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đưa tin về các cuộc biểu tình chống lại chính phủ Ai Cập ở một số thành phố lớn, bao gồm Alexandria và thủ đô Cairo.
Các cuộc biểu tình ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán EGX 30 của Ai Cập, khiến giá cổ phiếu sụt giảm 11%. Các nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định bất ổn chính trị kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính Ai Cập.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Ai Cập lên đến 21,8 tỷ USD. Mối quan hệ Mỹ và Ai Cập cũng có sự cải thiện đáng kể. Bất ổn chính trị có thể làm căng thẳng khu vực leo thang, và giới đầu tư dầu mỏ cũng sẽ quan sát chặt chẽ tình hình tại quốc gia này.
(Theo Zing)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét