Quyết tăng mạnh giá thịt lợn
Cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở nước ta bàn giải pháp quyết tâm đưa giá thịt lợn hơi về mức hợp lý.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp hứa từ ngày 1/4 sẽ giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg. Ngay sau đó, 15 doanh nghiệp đã đồng loạt ra thông báo giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức cam kết. Trong thông báo phát đi, nhiều doanh nghiệp còn khẳng định đây là một trong những biện pháp để bình ổn giá thịt lợn trên thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Thế nhưng, sau chưa đầy 2 tháng, lời hứa dường như đã bị lãng quên, cam kết bị phá vỡ khi doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành quyết tăng giá mạnh lợn hơi xuất chuồng.
Đơn cử, ngày 22/5, lãnh đạo công ty chăn nuôi nắm giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam cho biết đã quyết định tăng giá bán lợn hơi từ 70.000 lên mức 75.000 đồng/kg. DN này mới đây tiếp tục xác nhận tăng giá lợn hơi xuất chuồng lần 2 (tính từ 1/4 như cam kết) thêm 3.000 đồng/kg thành 78.000 đồng/kg.
Lãnh đạo DN lý giải, việc tăng giá là do bất khả kháng. Gần 2 tháng nay, các doanh nghiệp cam kết đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, song thực tế giá mặt hàng này không hề hạ nhiệt mà còn có xu hướng tăng mạnh tại các trang trại của dân, lên 90.000-100.000 đồng/kg.
Anh Trần Thế Hùng, nhân viên phụ trách vùng Vĩnh Phúc - Phú Thọ của một doanh nghiệp chăn nuôi thuộc top đầu ở Việt Nam, cũng thừa nhận, giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang tại hôm nay tăng lên 80.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - thừa nhận, giá lợn hơi tăng cao là bất khả kháng. Bởi cách đây 10 tháng dịch tả lợn châu Phi hoành hành dữ dội, đàn nái giảm mạnh, các doanh nghiệp, trang trại cũng e dè không dám đầu tư nên nguồn cung thiếu hụt lớn.
Sau một thời gian giữ giá 70.000 đồng/kg lợn hơi, 15 doanh nghiệp đã cam kết giữ giá cũng điều chỉnh tăng, đẩy mạnh bán heo mảnh. Điều này là khó tránh khỏi khi giá từ trại doanh nghiệp đến thị trường chênh nhau đến 25.000-30.000 đồng/kg. Không ai muốn từ chối lợi nhuận cả, ông Đoán nói.
Theo ông Đoán, nên để giá thịt lợn vận hành theo cơ chế thị trường. Khi thừa cung mặt hàng này tự động sẽ hạ nhiệt.
Doanh nghiệp thu lợi khủng
Về giá thành chăn nuôi, ông Đoán chia sẻ, giá lợn giống đang rất cao, dao động từ 3,5-4 triệu đồng/con trọng lượng 6-8kg. Cộng với chi phí thức ăn chăn nuôi, điện nước, vắc xin, tỷ lệ hao hụt thì xuất bán giá thành lợn hơi khoảng 65.000-70.000 đồng/kg.
Còn các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động được con giống, thức ăn nên giá thành sản xuất ở mức 50.000 đồng/kg.
Hiện giá lợn hơi trên thị trường dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg, các doanh nghiệp bán 70.000-80.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người nuôi lợn lãi cao, đặc biệt các DN chăn nuôi thu lợi khủng bởi họ nắm giữ thị phần chăn nuôi rất lớn.
Vừa qua, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (đơn vị chiếm thị phần khá lớn trong mảng chăn nuôi lợn tại Việt Nam) của ông Nguyễn Như So (trụ sở tại Bắc Ninh) ghi nhận doanh thu quý 1 năm nay đạt 3.248 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 1 tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm trước (lên gần 350 tỷ đồng), ước tính lợi nhuận cả năm có thể bằng vốn điều lệ, tương đương cả ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Nông Súc Sản Đồng Nai - Dolico cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 38,6 tỷ đồng, vượt 140% so với kế hoạch năm và cao hơn mức lợi nhuận 27,3 tỷ đồng so với năm 2019. Mức lợi nhuận của Dolico là khá cao so với tổng doanh thu 81 tỷ đồng trong quý 1.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - VLC) trong quý 1/2020 đạt doanh thu 633,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty này cho thấy lãi sau thuế gần 50 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù không công bố lợi nhuận, nhưng với giá lợn như hiện nay, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam thắng đậm khi DN này trung bình xuất bán ra thị trường 16.000-17.000 con lợn thương phẩm/ngày, thậm chí đỉnh điểm lên tới 25.000 con lợn.
Hiện nguồn cung vẫn khan hiếm khiến giá lợn hơi liên tục phá kỷ lục, tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Điều này thu hút các “đại gia” như Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long hay Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đổ hàng trăm tỷ đồng vào ngành chăn nuôi nhằm chiếm thị phần trong miếng bánh 10 tỷ USD này.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, tiết lộ, để rút ngắn khâu trung gian và đưa sản phẩm thịt lợn an toàn, đảm bảo chất lượng, dự kiến cuối năm nay công ty sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy giết mổ và pha lóc thịt lợn tại Hà Nội. Nhà máy có diện tích gần 6ha, tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng.
Kiểm soát chặt dịch tả lợn châu Phi Ngày 26/5, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND các địa phương yêu cầu tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát, lây lan diện rộng. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch này đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Bộ NN-PTNT nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Bộ đề nghị cơ quan chức năng các cấp tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Đồng thời, kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ... Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. |
Châu Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét