Thời gian qua, ngành thuế vẫn thu thuế đối với người kiếm được thu nhập cao trên nền tảng trực tuyến. Nhưng hoạt động thu thuế này cũng chưa hiệu quả...
Hàng hóa được bán thông qua quảng cáo trực tuyến, trực tiếp (livestream trên mạng xã hội) nhiều lần bị tố là hàng gian, hàng giả, nhưng dường như vẫn chưa có quy chế đối với hoạt động này. Những người quảng cáo trực tiếp, trực tuyến trên mạng (streamer) - trong đó có người nổi tiếng - cứ mặc sức quảng bá cho những sản phẩm kém chất lượng mà không bị xử lý gì.
Livestream, kiếm thu nhập “khủng”
Cách đây vài tháng, lực lượng công an và quản lý thị trường đã đột kích kho hàng lậu rộng khoảng 10.000m2 ở tỉnh Lào Cai, ghi nhận có hàng chục ngàn sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci… Các sản phẩm này hầu hết được nhập từ Trung Quốc và được bán đi khắp mọi miền đất nước qua hình thức livestream. Doanh số mà kho này thu được mỗi tháng lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, kể cả khi hàng loạt các kho hàng, điểm bán bị phát hiện bán hàng giả, hàng lậu, các streamer vẫn không bị xử lý, trong khi chính họ dùng uy tín cá nhân để chào bán những sản phẩm này.
Hình thức livestream bán hàng nở rộ 4-5 năm trở lại đây và “ăn nên làm ra” khi nhiều người phải hạn chế ra ngoài, dành nhiều thời gian mua sắm qua mạng do dịch COVID-19. Trên mạng xã hội Facebook, các streamer đa phần dựa vào lợi thế về nhan sắc, hình thể để bán đủ các sản phẩm như mắt kính, quần áo, giày dép, thực phẩm, dược phẩm… với lượng người theo dõi rất đông.
Đội ngũ streamer này ngày càng đông đảo, nhiều hot streamer được đồn đoán là đổi đời nhờ “nghề” livestream, nhanh chóng tậu được ô tô chỉ sau vài năm làm nghề này. Các streamer còn rót vốn đầu tư và trở thành ông chủ lớn khi tuổi còn rất trẻ. Không ít streamer còn định lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc.
Trung Quốc mới đây đã đưa ra các quy định quản lý hoạt động livestream và xem streamer như một nghề nhằm bảo vệ quyền lợi của số đông người tiêu dùng. Nhà chức trách buộc streamer phải đăng ký tên. Các nền tảng livestream phải đào tạo nhân viên, kiểm soát nội dung đưa lên mạng. Các công ty sử dụng livestream bán hàng cũng phải đăng ký kinh doanh và thông báo với nhà chức trách. Những streamer thường xuyên vi phạm quy định của chính phủ sẽ bị đưa vào “danh sách đen” và có thể bị cấm livestream trên mọi nền tảng online. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và luật kinh tế, Việt Nam cũng nên đưa ra quy định nhằm giám sát những streamer này.
Cần coi streamer là một nghề để quản lý
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng các streamer đang hoạt động như một nghề, những người thực hiện livestream thu hút lượng người xem ủng hộ trực tiếp (donate) rất đông và còn giúp phát triển lượt người tham gia các game.
Luật sư Hậu cho rằng, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các youtuber. Nhà nước phải quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động livestream vì họ có thu nhập rất “khủng”. Cơ quan thuế phải có trách nhiệm truy thu thuế những tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ việc livestream. Lẽ ra, streamer phải đăng ký kinh doanh và phải đóng thuế nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên.
“Theo tôi, cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này. Cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ. Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn và trên cơ sở đó, các cơ quan thuế phải thu thuế theo quy định pháp luật” - luật sư Hậu nói.
Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM - cho rằng mặc dù pháp luật chưa công nhận streamer là nghề nhưng trong thời gian qua, ngành thuế vẫn thu thuế đối với một số người kiếm được thu nhập cao trên nền tảng trực tuyến. Nhưng hoạt động thu thuế này cũng chưa hiệu quả. Ngày 5/12/2020, Chính phủ mới ra nghị định cho phép cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của những cá nhân nghi có thu nhập “khủng” trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, quy định này vẫn đang gây ra những tranh cãi. Ngành thuế cho rằng, những người nào hoạt động kiếm tiền được trên mạng xã hội là cá nhân kinh doanh, phải nộp thuế dù có đăng ký hay không. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định cá nhân làm ngành nghề này phải đăng ký kinh doanh. “Cần quy định streamer là một nghề và người làm nghề phải đăng ký cá nhân kinh doanh. Khi đó, việc thu thuế mới hiệu quả, hợp tình hợp lý. Còn nếu không quy định, cá nhân không đăng ký, ngành thuế mời họ lên đóng thuế mà họ không đóng, cũng không làm gì được. Việc Trung Quốc ban hành các quy định như trên là đúng. Ta cũng nên có những quy định tương tự để quản lý hoạt động livestream” - ông Sơn nhận định.
Theo luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM), không chỉ với hoạt động bán hàng, Nhà nước cần quản lý các sản phẩm, hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer vì các sản phẩm này gắn liền với mạng xã hội, kênh phát video qua internet, có tính tác động, ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý văn hóa, xã hội và an ninh mạng. Tuy nhiên, luật sư Điền cho rằng, không cần công nhận đây là một nghề riêng biệt để có văn bản quy phạm pháp luật riêng. Hiện nay, có thể vận dụng Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Xuất bản và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý các sản phẩm và hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer.
Luật sư Điền nói: “Cơ sở pháp lý đã có, giải pháp hiện nay là cần có cơ quan chức năng chuyên biệt để quản lý, kiểm soát hoạt động xuất bản qua internet của các streamer vì ai cũng có thể trở thành streamer, không ít streamer lợi dụng hình ảnh của mình để bán hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng lậu cho người tiêu dùng. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, việc quản lý như hiện nay là không hiệu quả”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - cho rằng với những loại hình hoạt động mới, như streamer, Nhà nước cần thời gian để thấy được mô hình như thế nào, có những bất cập gì, từ đó mới có biện pháp định hướng, quản lý cụ thể. Có những mô hình phát triển “như nấm sau mưa” nhưng sau một thời gian ngắn thì “chết”, như mô hình mua hàng theo nhóm từng một thời rầm rộ, giờ không còn nữa.
Theo ông Dũng, cái gì là xu thế thì hãy để nó “chạy”, sau đó tự động xã hội sẽ từ từ điều chỉnh nó, pháp lý sẽ đi sau. Với những mô hình mới, cứ để nó diễn ra rồi theo dõi, quản lý dần chứ không nên siết chặt quản lý ngay từ đầu. Thật ra, streamer cũng na ná như hình thức youtuber hay bán hàng qua kênh truyền hình… Có những nền tảng cho phép livestream như Facebook, sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng trước hết cần kiểm soát được nội dung đăng tải vì nó liên quan đến truyền thông hơn là thương mại điện tử.
“Nếu họ livestream bán hàng gian, hàng giả thì lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc; còn cá nhân, tổ chức có được phép livestream hay không lại là chuyện khác. Hiện, thương mại điện tử còn chưa có mã ngành thì làm sao các streamer được coi là một nghề và cấp giấy phép cho cá nhân hành nghề này? Chưa nên đặt vấn đề streamer là một nghề và xây dựng quy chế riêng để quản lý. Phải để xem streamer hoạt động như thế nào đã, mới có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Nên thực hiện từng bước, khoanh vùng doanh nghiệp tổ chức livestream rồi bàn tiếp; còn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam không có thẩm quyền ra quy định hay xử lý ai” - ông Dũng nói.
Chưa nên đặt vấn đề streamer là một nghề và xây dựng quy chế riêng để quản lý. Phải để xem streamer hoạt động như thế nào đã, mới có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Nên thực hiện từng bước, khoanh vùng doanh nghiệp tổ chức livestream rồi bàn tiếp; còn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam không có thẩm quyền ra quy định hay xử lý ai.
(Theo Báo Phụ Nữ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét