Quy hoạch phòng chống lũ trên sông Hồng, Thái Bình vừa công bố, dù đã tính toán nhiều kịch bản, giảm áp lực di dời hàng vạn hộ dân so với trước đây, nhưng vẫn khó lường từ việc xả lũ từ Trung Quốc do thiếu thông tin.
Mực nước sông Hồng đã xuống rất thấp trong khoảng 10 năm qua.
Nhiều kịch bản
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Quản lý Đê điều (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết, theo Quyết định 92 (năm 2007) của Thủ tướng về Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, Thái Bình, các địa phương phải tự xây dựng quy hoạch chi tiết phương án chống lũ trên đoạn đê qua địa bàn mình theo Luật Đê điều.
Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, số dân sống ở khu vực lòng sông, bãi sông phải di dời trên 700.000 người, ở 15 tỉnh như: Hòa Bình, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… Trong đó, Hà Nội có 197 khu vực dân cư, với trên 30.000 hộ dân (khoảng 130.000 người) phải di dời. Tuy nhiên, phương án di dân rất lớn như thế khó khả thi và thực tế, ít địa phương di dời được. Đây chính là vấn đề cần tính toán lại.
“Việc xả lũ, vận hành các hồ phía thượng nguồn ở Trung Quốc gần khó kiểm soát. Đơn cử như vụ xả lũ năm vừa rồi trên sông Hồng, khiến nhiều khu vực ở Việt Nam ngập không kịp trở tay. Đây cũng là một nguy cơ khó lường, nên phải có kịch bản ứng phó”
Ông Vũ Văn Thành
Ông Thành cho biết, theo Quyết định quy hoạch Thủ tướng vừa phê duyệt (thay cho Quyết định 92), đã được tính toán rất nhiều kịch bản, phương án, để xử lý hài hòa nhu cầu sử dụng bãi sông, hạn chế tối đa việc di dời dân cư. “Cơ bản những khu dân cư tập trung ngoài bãi sông không phải di dời. Tuy nhiên, những khu vực nguy hiểm, khi có lũ lớn không đảm bảo an toàn, làm co hẹp dòng chảy, có thể gây sạt lở mảng lớn, khu vực dân cư sống rải rác ngoài bãi… phải di dời”- ông Thành nói.
Ngoài ra, theo ông Thành quy hoạch lần này cũng tính toán, xác định rõ những khu vực có thể được xem xét cho xây dựng công trình, nhà ở với tỷ lệ nhất định ở các vùng bãi. Chẳng hạn, Hà Nội có 2 bãi có thể nghiên cứu, phát triển đô thị là Tầm Xá -Xuân Canh và Long Biên-Cự Khối, với diện tích không vượt quá 15% diện tích bãi sông. Cùng đó, có 132 bãi khác dọc tuyến đê hệ thống sông Hồng, Thái Bình có thể nghiên cứu xây dựng, với tỷ lệ không quá 5% diện tích bãi. Với khu dân cư được phép tồn tại, cũng có thể sử dụng thêm một diện tích (không quá 5%) để gom, bố trí cho hộ dân nằm rải rác.
Lo lũ bất thường
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, liệu quy hoạch lần này có an toàn, khi sông Hồng hơn chục năm qua luôn trong tình trạng cạn trơ đáy, khả năng trị thủy đã được nâng lên? Đại diện Vụ Quản lý Đê điều cho rằng: “Đây là vấn đề rất lớn, đã được đặt làm đầu bài khi xây dựng quy hoạch này…Chính phủ thận trọng khi thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành gồm nhiều bộ, ngành, các chuyên gia, địa phương liên quan để thẩm định quy hoạch”- ông Thành nói.
Trong quy hoạch lần này, đã rà lại lịch sử lũ trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình những năm đầu thế kỷ XX lại đây; dựa vào hiện trạng các công trình phòng lũ trên khu vực, các hồ chứa thượng nguồn, kể cả hồ chứa tại Trung Quốc, kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ TN&MT cung cấp.
Theo ông Thành, ngày xưa là lũ tự nhiên, không có hồ điều tiết, nên lúc nào mưa to mới có lũ to. Nhưng gần đây, lũ rất bất thường. Theo tính toán, nếu có mưa trái mùa, khi các hồ điều tiết tích đầy nước, không tham gia vận hành lũ, cùng một tần suất (500 năm) mực nước sẽ vượt so với mức thiết kế tại Hà Nội là 2,6 m. Lúc đó, hệ thống đê không đủ chiều cao chống lũ, bản thân đê Hà Nội không đảm bảo an toàn. Đây là điều cực đoan, không tính được, nên phải có dự phòng.
“Mặt khác, các đơn vị, chuyên gia cũng thừa nhận, việc xả lũ, vận hành các hồ phía thượng nguồn ở Trung Quốc gần như khó kiểm soát. Đơn cử như vụ xả lũ năm vừa rồi trên sông Hồng, khiến nhiều khu vực ở Việt Nam ngập không kịp trở tay. Đây cũng là một nguy cơ khó lường, nên phải có kịch bản ứng phó”- ông Thành nói.
Theo ông Thành, với việc cho sử dụng các bãi như trong quy hoạch mới, khu vực thượng, trung lưu, cơ bản theo quy hoạch năm 2007. Tuy nhiên, khu vực hạ lưu như vùng Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… mực nước sẽ tăng 30-70 cm so với quy hoạch trước đó. Đây là áp lực với hệ thống phòng lũ ở hạ lưu.
Trong khoảng 10 năm gần đây, hệ thống sông Hồng, cơ bản không có lũ, nước sông thấp. Tuy nhiên, như vụ mưa lớn ở Quảng Ninh hồi cuối tháng 8, đầu tháng 8/2015 khiến lũ trên sông Thương (Bắc Giang) vượt báo động 3 hơn 50 cm, Sông Cầu (Bắc Ninh), Hoàng Long (Ninh Bình) cũng vượt báo động 3, và các bãi sông đều ngập hết… “Do vậy, với thời tiết bất thường như hiện nay, các nhà khoa học nhận định, lũ có thể đến bất cứ lúc nào. Chưa kể đến sự cố hồ đập, cũng phải xây dựng đến sự cố hồ đập”- Đại diện Tổng cục Thuỷ lợi nói.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý Đê điều, sau quy hoạch chung của Chính phủ, các địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi quy hoạch chi tiết. Trong đó, sẽ xác định rõ khu nào được giữ nguyên, khu nào phải di dời, từ đó cắm mốc, xác định tọa độ trên thực địa.
Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét