Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tham gia dự án máy bay không người lái (UAV) và chủ trì thành công việc thiết kế hệ thống điều khiển bay, Phạm Đức Toàn tin ngành công nghiệp quân sự Việt Nam có một tương lai sáng.

Mối duyên nghiệp với thiết bị quân sự công nghệ cao

Sau hơn 10 năm học tập, hoàn tất nghiên cứu sinh và rồi làm giảng viên tại Pháp, Phạm Đức Toàn về nước (TP.HCM) để tìm một cơ hội công việc mới. Thay vì chọn một công ty quốc tế, Toàn lại đến đơn vị 100% vốn Nhà nước - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vào đầu năm 2012 và ra Hà Nội.

Lựa chọn của chàng giảng viên sinh năm 1983 môn toán ứng dụng đến tình cờ từ giới thiệu của người bạn. Sản phẩm đầu tiên Toàn tham gia phát triển là máy bay không người lái (UAV). Cùng thực hiện dự án với các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Toàn phát hiện một môi trường rất đặc biệt.

“Chúng tôi làm nghiên cứu nhưng mục tiêu là sản phẩm cuối cùng, ứng dụng được trong thực tế chứ không phải là xong đề án hay mẫu thử. Điểm thú vị khác là tôi vốn sống kiểu lãng tử nên trước đó làm nghiên cứu thường có kết quả không tốt. Vào môi trường quân đội, bị ép vào kỷ luật, ban đầu rất khó chịu nhưng sau đó lại là cái giúp mình thành công”, Toàn cho biết.

Sau dự án UAV, cuối năm 2014 Toàn và đồng đội được giao nhiệm vụ phát triển hệ thống điều khiển bay. Phạm Đức Toàn đã trở thành Giám đốc Trung tâm dẫn đường và điều khiển (thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel). Khi đó, rất ít người tin việc thiết kế và thử nghiệm sản phẩm này có thể thành công bởi đây là sản phẩm phức tạp, trên thế giới cũng chỉ có rất ít quốc gia thành công.


Hơn 6 tháng làm việc không có kết quả, nhiều lần thử nghiệm thất bại, Toàn và đồng đội vẫn không từ bỏ. Tới tháng thứ 12, sau buổi trao đổi với một chuyên gia nước ngoài, Toàn loé ra ý tưởng cho việc hoàn thành sản phẩm. Và chỉ sau một ngày, việc thử nghiệm hệ thống điều khiển đã thành công. Đây là lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam có thể làm chủ việc thiết kế, thử nghiệm sản phẩm dạng này trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Chủ trì dự án chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ làm kỹ thuật trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có trí tuệ siêu việt nhưng chúng tôi lại thấy rằng nó đòi hỏi sự quyết tâm và đam mê, có 2 điều đó, bạn sẽ thành công. Đam mê là chìa khoá vượt qua mọi rào cản trong nghiên cứu”
 
Môi trường làm việc áp lực cho ‘mùa vàng’ thành công
Việc làm chủ hệ thống điều khiển dành cho vũ khí công nghệ cao vốn chỉ chiếm khoảng 30% giá trị trong sản phẩm nhưng là những điểm quan trọng nhất, Phạm Đức Toàn tiết lộ. Vị giám đốc này cho biết, Việt Nam sẽ không thể chế tạo mọi chi tiết hoặc tự nghiên cứu tất cả công nghệ trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao hay hàng không vũ trụ. Điểm mấu chốt là làm chủ việc thiết kế sản phẩm, hiểu rõ công nghệ lõi, và làm nhiệm vụ tích hợp hệ thống, còn lại có thể mua linh kiện ở nước ngoài hoặc gia công trong nước.

“Thực ra, đây là cách mà tất cả các tổ hợp quân sự mới như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… hay các hãng công nghệ lớn trên thế giới đều thực hiện. Apple đâu có sản xuất nhiều linh kiện cho iPhone, cũng không lắp ráp mà họ chỉ làm chủ việc thiết kế sản phẩm, nhưng nó vẫn là sản phẩm Apple. Các kỹ sư Việt Nam cũng làm được việc tương tự với thiết bị quân sự công nghệ cao”, Phạm Đức Toàn khẳng định.

Trong buổi lễ tôn vinh những nhân viên xuất sắc nhất năm 2015 trên toàn cầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel nói: “Phạm Đức Toàn đã cho chúng ta niềm tin rằng công nghệ cao có được là do quá trình lao động, chứ không phải do chuyển giao từ một ai đó”.

Tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, điều khiến Toàn thích nhất là “làm nghiên cứu phát triển nhưng không giống với kiểu đều đặn thường thấy”. Vị giám đốc này chia sẻ, những dự án ở Pháp anh từng tham gia cứ đều đặn theo tiến độ và không có gì đột biến, cũng không cần quá nỗ lực.

“Nếu cứ đều đều và không có điểm nhấn như vậy thì khó tiến bộ lớn, thậm chí có thể tụt lùi. Còn ở đây chúng tôi lúc nào cũng trong trạng thái phải chạy hết tốc độ mới mong hoàn thành và thường hay bị rút ngắn thời gian khi dự án tiến triển tốt. Nhưng như vậy mới thích, chứ cứ bình bình thì công việc sẽ rất chán”, Toàn tâm sự.

Kỹ sư này lấy ví dụ, các nước Tây Âu do cứ phát triển kiểu đều đều nên đã bị tụt hậu, trong khi Hàn Quốc trong 10 năm gầy đây đã vươn lên với bộ mặt rất khác. Samsung xây dựng được nhà máy sản xuất chip chỉ trong 6 tháng là một minh chứng cho thấy áp lực giúp họ vươn lên như thế nào. “Chúng tôi cũng muốn có môi trường tốt để đưa mình đến kết quả như vậy”, Toàn tâm sự.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét