Tại đại hội đồng cổ đông chiều nay 26/4, VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PGBank, nâng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên hơn 64.000 tỷ đồng, ngược lại ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông.
Chiều nay 26/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.
Thông tin từ đại hội cho biết, VietinBank không chia cổ tức năm 2015, nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng; đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Tại đại hội cổ đông năm 2015, ngân hàng này đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.
Việc không chia cổ tức năm 2015 cho cổ đông VietinBank còn liên quan tới phương án sáp nhập với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Tại đại hội này, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã trình cổ đông các tài liệu liên quan đến giao dịch sáp nhập PGBank.
Đại hội đồng cổ đông: Sáp nhập PGBank, VietinBank không chia cổ tức
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, thời gian qua, trên cơ sở phê duyệt của đại hội đồng cổ đông, hai ngân hàng đã khẩn trương ký kết hồ sơ sáp nhập cũng như hoàn thiện các tài liệu liên quan để xin chấp thuận sáp nhập của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, HĐQT VietinBank đã đàm phán với PGBank và trình cổ đông sửa hợp đồng sáp nhập. Theo đó, đối với VietinBank, ngân hàng không chia cổ tức trước sáp nhập (trừ trường hợp chia cổ tức trước khi sáp nhập theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phù hợp với quy định). Ngược lại, PGBank cũng không chia cổ tức trước khi sáp nhập.
Với dự kiến sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), VietinBank sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 64.000 tỷ đồng. Theo đó, đây là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Còn toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ gần 3.661 tỷ đồng sẽ được VietinBank để lại để bổ sung nguồn vốn tự có của ngân hàng.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, hiện ngân hàng đã trình hồ sơ pháp lý sáp nhập PGBank tới NHNN. NHNN đang lấy ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vậy nên giao dịch sáp nhập chỉ còn chờ ý kiến của Chính phủ.
Thông tin từ đại hội cho biết, năm 2015, ngân hàng có quy mô tổng tài sản đạt hơn 779.000 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7.345 tỷ đồng, tăng 0,6% năm trước.
Ban lãnh đạo VietinBank cho biết, năm 2016, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Tỷ lệ chia cổ tức ở mức 7 - 9%.
Về mức chi trả thù lao, trong năm 2015, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua tỷ lệ thù lao đối với HĐQT và ban kiểm soát (BKS) năm 2015 là 0,36% lợi nhuận sau thuế. Theo đó, tổng số tiền lương, thù lao đã chi cho các thành viên HĐQT và BKS là gần 20,5 tỷ đồng.
Còn năm nay, HĐQT trình đại hội phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và BKS tối đa bằng 0,38% lợi nhuận sau thuế năm 2016.
Hai “ngân hàng 0 đồng”: Thanh khoản tốt, thậm chí dư dả
Trả lời câu hỏi cổ đông về kết quả hỗ trợ của VietinBank tại 2 “ngân hàng 0 đồng” là OceanBank và GPBank, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay: Trước khi VietinBank hỗ trợ, hai ngân hàng này gặp khó khăn và có nguy cơ mất thanh khoản. Sau đó thương hiệu VietinBank vào và triển khai các biện pháp tích cực như đưa nhân sự sang cơ cấu lại các vị trí chủ chốt, đưa quản trị của VietinBank sang cũng như có hỗ trợ nhất định về kinh doanh giúp 2 ngân hàng ổn định.
Hai ngân hàng hiện đã hoạt động bình thường trở lại, thanh khoản tốt, thậm chí dư dả. Theo chia sẻ của ông Thắng, xử lý nợ tồn đọng là vấn đề vô cùng lớn với hai ngân hàng này, nhưng trong thời gian qua, khoản nợ xấu cũng được xử lý thu hồi khá lớn trong năm 2015. Nhờ đó, hai ngân hàng đã cân đối tài chính và vượt qua khó khăn. Với kết quả trước mắt, kết quả tại 2 ngân hàng trên đã có tín hiệu khả quan ban đầu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét