HLV Nguyễn Hữu Thắng cho rằng rất khó tìm kiếm tiền đạo giỏi từ V-League cho đội tuyển. Ở cấp độ U23, việc nhìn thấy những chân sút nội đáng tin cậy càng hiếm.
Ở tất cả các cấp độ đội tuyển quốc gia nói chung, việc tìm kiếm tiền đạo nội luôn là điều khó khăn, vì hầu hết các chân sút nội ít toả sáng ở sân chơi V-League. Đặc biệt, ở cấp độ đội tuyển U23, càng khó tìm thấy chân sút thích hợp để làm chỗ dựa về khả năng săn bàn ở SEA Games năm tới (kỳ SEA Games mà Việt Nam đặt chỉ tiêu giành HCV môn bóng đá nam).
Nếu như đội tuyển quốc gia còn có những Công Vinh, Anh Đức là trung phong có đẳng cấp, xét trên bình diện bóng đá khu vực, có Hoàng Đình Tùng và Lê Văn Thắng có thể đá tiền đạo lùi không đến nỗi tệ, thì đội tuyển U23 Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu trung phong.
Nguy cơ đội tuyển U23 Việt Nam thiếu chân sút giỏi đang hiển hiện
Nguyễn Văn Toàn của HA Gia Lai từng được kỳ vọng, nhưng chưa bao giờ tỏ ra là tay săn bàn hiệu quả. Văn Toàn lại bất lợi lớn về mặt thể hình do khá “mỏng cơm”, nên càng không thể sắm vai người đá cao nhất nơi hàng tiền đạo, không đủ thể lực để gây sức ép với hàng phòng ngự của đối phương.
Thời gian gần đây, khi lên tuyển, Văn Toàn thích hợp hơn với vị trí tiền vệ cánh, và có lẽ đây cũng là vị trí mà cầu thủ này sẽ đảm nhiệm trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam tới đây.
Người đồng đội nổi tiếng của Văn Toàn là Công Phượng cũng không phải mẫu trung phong đúng nghĩa. Công Phượng thích hợp với vị trí tiền đạo lùi. Tuy nhiên, vấn đề khác của Công Phượng lại nằm ở chỗ trong vòng 1 năm tới đây, phong độ của Công Phượng sẽ là dấu hỏi lớn, vì anh chắc chắn rất ít được thi đấu tại CLB Nhật Bản Mito Hollyhock.
Các chân sút khác như Phạm Văn Thành hay Hồ Tuấn Tài khi tỏ khi mờ, cũng ít được đá chính ở đội bóng chủ quản, nên rất khó kiểm chứng khả năng săn bàn của họ ở mức nào, khi SEA Games khai diễn vào giữa năm tới.
Trong bối cảnh đó, HLV Nguyễn Hữu Thắng của đội tuyển U23 Việt Nam lại rất khó phát hiện ra các chân sút mới, ngoài những cái tên vừa nêu, do vị trí tiền đạo nói chung và vị trí trung phong nói riêng ở các CLB hầu hết do các ngoại binh đảm nhiệm.
Điều đấy lại tiếp tục đặt ra thách thức cho bóng đá Việt Nam ở khâu đào tạo cũng như mục đích sử dụng nhân sự của nhiều CLB nội: Các CLB đá để cạnh tranh ngôi vô địch hoặc chạy trốn suất xuống hạng cần đến ngoại binh giỏi để đi tìm thành tích nhất thời đã đành, ngay đến các đội bóng mà quanh năm chỉ ở lưng chừng bảng xếp hạng cũng hầu như không ưu tiên đến chuyện phát triển nguồn nhân lực nội tại, mà mỗi năm lại mỗi tìm cách xoay vòng cầu thủ từ các nguồn khác nhau.
Chừng nào bài toán nhân sự ở khâu đào tạo chưa giải quyết xong thì chừng đó các đội tuyển Việt Nam càng gặp bất lợi. Nguy cơ sắp tới chúng ta thiếu nhân lực giỏi ở mọi vị trí nói chung sắp hiển hiện (hàng tiền vệ giờ cũng rất khó tìm ra cầu thủ cỡ Minh Phương, Tấn Tài thời đỉnh cao, hàng hậu vệ thiếu trung vệ tầm Như Thành, Phước Tứ), chứ không riêng gì chuyện thiếu trung phong tốt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét