Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Những chiếc iPhone refurbished (hàng tân trang) có thể giúp tăng đáng kể thị phần của Apple tại thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Doanh số iPhone có thể đang chậm lại trên phạm vi toàn cầu, song tại Ấn Độ, quý trước nó đã đạt tốc độ tăng trưởng thần tốc 56%. Nước này trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo kết quả kinh doanh của Apple. Vì vậy, không ngạc nhiên khi “táo khuyết” đang ấp ủ nhiều dự định lớn cho thị trường smartphone phát triển nhanh nhất thế giới này, trong đó có mở các cửa hàng bán lẻ và bán iPhone refurbished. Tuy nhiên, có vẻ hy vọng lớn nhất của Apple đang bị vùi dập không thương tiếc.
Dù được “bật đèn xanh” để mở cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ, Hội đồng Truyền thông và Di động nước này lại kịch liệt phản đối chuyện Apple bán iPhone cũ đã qua sử dụng. Theo thông tin từ Bloomberg, chính phủ Ấn Độ đã từ chối đơn xin nhập iPhone refurbished của Apple. Song, theo nguồn tin của Mashable, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra và hai bên vẫn đang trong quá trình thảo luận.
Ly do Apple muon ban iPhone refurbished tai An Do hinh anh 1
Một chiếc iPhone 5 hàng tân trang của Apple
Vì sao Apple muốn bán iPhone đã qua sử dụng tại Ấn Độ?
Ấn Độ là thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất và lớn thứ hai thế giới, đúng vào thời điểm quan trọng khi tất cả các thị trường phát triển khác, gồm cả Trung Quốc, đã bão hòa. Dù vậy, thị phần của Apple tại đây vẫn dừng ở 1 chữ số. Nguyên do là vì giá iPhone tại Ấn Độ rất đắt, cao hơn nhiều so với giá tại Mỹ và thị trường khác. Phần lớn smartphone bán tại đất nước châu Á đều chưa đến 200 USD nhưng giá iPhone rẻ nhất cũng trên 300 USD.
Để thay đổi thực trạng đó, Apple muốn đưa iPhone đến với nhiều người dùng hơn. Một trong các giải pháp là bán iPhone cũ đã qua sử dụng. Kế hoạch của hãng là ban đầu nhập iPhone refurbished vào Ấn Độ và sau đó hợp tác với các đối tác sản xuất để “tái chế” iPhone ngay trên chính đất Ấn Độ.
iPhone refurbished tốt hay xấu?
Câu trả lời phụ thuộc vào người nhận câu hỏi. Năm 2015, Bộ Môi trường từng từ chối lời thỉnh cầu tương tự vì cho rằng kế hoạch sẽ làm gia tăng rác thải điện tử tại nước này. Bộ tin rằng iPhone refurbished sẽ kết thúc vòng đời của mình và ra bãi rác sớm hơn một thiết bị hoàn toàn mới.
Các đối thủ của Apple lại khẳng định kế hoạch sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sáng kiến Made in India của chính phủ, trong đó khuyến khích doanh nghiệp địa phương lắp ráp hàng hóa như smartphone và đồ điện tử. Họ e ngại Ấn Độ sẽ trở thành “bãi rác” của Apple nếu “táo” được nhập iPhone refurbished.
Ngược lại, Apple cho rằng không có nhiều khác biệt giữa iPhone mới hoàn toàn và iPhone đã qua sử dụng. Theo công ty, mỗi iPhone loại này đều có linh kiện hoàn hảo để tái sử dụng và các linh kiện khác đã được thay thế. Phiên bản cuối cùng có cùng chất lượng với iPhone mới. Chúng thậm chí còn có số IMEI và serial mới.
Nói cách khác, iPhone refurbished có vòng đời tương tự iPhone mới. Apple có thể tái sử dụng một số linh kiện để giảm giá và giúp iPhone rẻ hơn. Apple thường tranh luận những chiếc iPhone này còn có vòng đời lâu hơn các smartphone bằng giá từ phần lớn các thương hiệu khác.
Kết thúc của chuyện này sẽ thế nào?
Một trong những yếu tố có thể thay đổi quyết định của chính phủ có thể là Apple cam kết “tái chế” iPhone tại Ấn Độ. CEO Tim Cook năm ngoái từng gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn về bấn đề này. Đối tác sản xuất chính, Foxconn, cũng có vài nhà máy ở đây.
Dù vậy, có vẻ Apple không dễ thuyết phục chính phủ Ấn Độ chấp nhận kế hoạch nhập iPhone qua sử dụng của mình. Các đối thủ của hãng đang tìm mọi cách để ngăn chặn mọi nỗ lực của Apple vì nếu thành công, nó sẽ tác động không nhỏ đến thị phần của họ, đặc biệt trong phân khúc từ tầm trung đến cao cấp.
Nếu Apple được bán iPhone cũ tại Ấn Độ, câu chuyện về iPhone tại đây sẽ tiếp bước các câu chuyện của iPhone tại phương Tây như một người chơi nguy hiểm thực sự và “ăn” phần lớn lợi nhuận smartphone.
Refurbished (hàng tân trang) là dạng hàng hóa vì lý do nào đó, chẳng hạn trầy xước vỏ ngoài do vận chuyển, được trả lại nhà sản xuất. Nhà sản xuất sẽ kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo chất lượng, đóng gói và sau đó bán lại ra thị trường. Hàng Refurbished thường có giá bán thấp hơn so với hàng mới 100% (brand new).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét