Công ty tư vấn nước ngoài có trách nhiệm làm rõ khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực, thế giới cũng như lựa chọn nhà thầu, công nghệ và đánh giá tác động môi trường...
Theo đề cương đánh giá Dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến 2025 vừa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ngày 21/12, Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì và đơn vị thực hiện quy hoạch sẽ là công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị tư vấn nước ngoài này có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.
Hiện, dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến 2035 đã hoàn thiện dự thảo lần 2 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và người dân.
So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã có sự thay đổi đáng kể khi đã loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả hoặc do địa phương đề xuất. Đồng thời, cơ quan này cũng bỏ tên chủ đầu tư "đính kèm" với dự án, trong đó có cả Tập đoàn Hoa Sen vốn lâu nay được biết tới là nhà đầu tư dự án Thép Cà Ná - Ninh Thuận đang gây nhiều tranh cãi.
Dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận là một trong số dự án thép lớn sẽ được đầu tư từ năm 2020, theo dự thảo quy hoạch phát triển ngành thép đến 2025, định hướng 2035 đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.
Theo kế hoạch trong tháng 12/2016 Bộ Công Thương sẽ tổ chức “trưng cầu” ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, môi trường, nước, khí hậu, du lịch… Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo lần 3 để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vào quý I/2017.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Công Thương khẩn trương rà soát quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến 2025 để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế báo cáo Thủ tướng.
Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, việc quy hoạch cần tính đến các yếu tố ổn định và bên vững, giảm dần sự mất cân đối giữa thép dài và thép dẹt, giữa sản xuất và lưu thông phân phối. Bên cạnh đó cần sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi phép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyệt cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hạn chế tối đa việc sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét