Theo ghi nhận từ Chứng khoán HSC, mới đây Sabeco đã trình bày kế hoạch tái cơ cấu các mảng kinh doanh với nhà đầu tư, trọng tâm rơi vào việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh ở các mảng chủ chốt như: Sản xuất, phân phối, marketing, chuỗi cung cấp cũng như logistic và kho bãi.
Sabeco sẽ phải xem xét việc mua cổ phần thiểu số ở các công ty con trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bia
Trong đó, Sabeco cho biết sẽ xem xét khả năng quản lý, hiệu quả hoạt động và tất cả các quy trình và thủ tục, sau đó đánh giá với tiêu chuẩn khu vực (là lĩnh vực Công ty có nhiều hiểu biết), Công ty cần phải nỗ lực để cải thiện dần trong một vài năm.
Tại luận điểm này, Chứng khoán HSC cho rằng quá trình trên có thể dẫn đến những thay đổi về mặt nhân sự bao gồm cả nhân sự cấp cao ở các bộ phận và sự thắt chặt chung ở tất cả các hoạt động. Đặc biệt, mặc dù Sabeco không đề cập đến, HSC cũng cho rằng Sabeco sẽ phải xem xét việc mua cổ phần thiểu số ở các công ty bia và sau đó là các công ty phân phối.
Mặt khác, HSC nhận định việc mua lại dần cổ phần thiểu số tại các đơn vị thành viên một phần còn giúp Sabeco tiết kiệm được chi phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Chẳng hạn ở mảng sản xuất bia, Sabeco có 24 đơn vị thành viên nhưng chỉ có 2 đơn vị Công ty sở hữu 100% và 6 đơn vị sở hữu 51-70%. Và với các đơn vị còn lại thì bình quân cổ phần Sabeco sở hữu là 10-35%.
HSC cho rằng điều này sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận gộp tăng thêm 3-4% trong vài năm tới. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco hiện khoảng 27-29% và HSC ước tính nếu kế hoạch tái cơ cấu được thực hiện tốt thì Sabeco có thể cải thiện được 3-4% tỷ suất lợi nhuận gộp trong khoảng 3 năm tới. Trong đó trước tiên chi phí đầu vào sẽ giảm xuống do Công ty mua nguyên liệu một cách hiệu quả hơn, tiếp đến là giảm được chi phí hoạt động nhờ giảm chi phí nhân công và các chi phí cố định khác.
Tựu trung vấn đề này lại, bước đầu có thể là so sánh kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên, tiếp đến là xem xét thỏa thuận giữa Sabeco và các công ty thành viên này; và cuối cùng Sabeco sẽ phải xem xét việc nâng tỷ lệ sở hữu, HSC đặt vấn đề.
Tận dụng vị thế Thaibev, đẩy mạnh thị trường quốc tế
Trở lại với công tác cơ cấu của Sabeco, HSC cho rằng Công ty trước hết sẽ tập trung vào hai việc chính là:
(1) Cải thiện công tác mua nguyên vật liệu thô – đây rõ ràng là bước đầu tiên cần xem xét để cải thiện bằng cách đàm phán để có các điều khoản tốt hơn từ nhà cung cấp;
(2) Hoàn thiện công tác đánh giá hoạt động của nhiều công ty con về sản xuất và phân phối – ở đây việc xem xét chuyển giá và chi phí chung sẽ giúp công ty tiết kiệm đáng kể.
Thực tế, Thaibev có thế mạnh về marketing và logistic, do đó Sabeco sẽ tận dụng thế mạnh này để cải thiện công tác marketing cũng như cắt giảm chi phí logistic. Về công tác bán hàng, HĐQT mới dự kiến sẽ giành lại thị phần của Sabeco ở khu vực thành thị, là thị trường mà Heineken mạnh hơn.
Nhớ lại phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên, một trong những ưu tiên của Công ty là phát triển hệ thống phân phối tốt hơn ở các thành phố cấp 1, đặc biệt là tại Tp.HCM. Và đến nay, Sabeco cũng phát triển thêm kế hoạch đem sản phẩm của Công ty giới thiệu ở nước ngoài và tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối quốc tế hiện có của Công ty.
Mặc dù vậy, Sabeco chưa có thời gian cụ thể cho kế hoạch này. Rõ ràng việc gia tăng thị phần trong nước có xu hướng giảm trong nhiều năm qua sẽ là ưu tiên hàng đầu của Công ty và sau đó là nỗ lực có mặt ở thị trường quốc tế, HSC nhấn mạnh.
Lợi nhuận 2018 sẽ giảm hơn 10%
Về tình hình kinh doanh, HSC dự báo lãi sau thuế năm 2018 của Sabeco sẽ giảm 10,3%. Những giả định cho dự báo này đến từ ước ngành bia tăng trưởng 5,5% và đạt sản lượng 4.335 triệu lít trong năm 2018, thấp hơn dự báo trước đây là tăng trưởng 8%. Hơn nữa, thị phần của Sabeco là 42,8%; thấp hơn một chút so với mức 43,6% trong năm 2017 do sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ.
Theo đó, EPS dự phóng năm 2018 là 6.241 đồng; giảm 12,7%. Tại thị giá hiện tại (220.000 đông/cp), P/E dự phóng năm 2018 là 35,3 lần và EV/EBITDA là 25,9 lần.
Giao dịch cổ phiếu SAB 1 năm qua.
Đến năm 2019, HSC dự báo lợi nhuận Sabeco tăng trưởng 16,7%, cụ thể mức doanh thu thuần 2019 đạt 37.969 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% và lãi ròng đạt 4.931 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7%. Đà tăng theo HSC có thể đến từ việc thị phần của Sabeco năm 2019 tăng một chút từ 42,8% trong năm nay lên 43% trong năm sau nhờ nỗ lực marketing và đưa sản phẩm mới ra thị trường. Theo đó, EPS dự phóng năm 2019 là 7.282 đồng; tăng 16,7%. Tại thị giá hiện tại, P/E dự phóng năm 2019 là 30,2 lần và EV/EBITDA là 23,3 lần.
Liên quan đến vấn đề liệu Sabeco có bị yêu cầu nộp 2.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 và các năm trước về cho Nhà nước hay không, hiện vẫn chưa có thêm thông tin về đề nghị này. Do vậy, HSC cho rằng đây vẫn là vấn đề mở và rõ ràng cần quan tâm khi định giá cổ phiếu. Và chắc chắn có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Theo Bảo An
Trí thức trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét