Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Lỗ chồng lỗ và gia tăng với mức độ chóng mặt là thảm cảnh chung của 9/12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ ngành Công Thương tính từ đầu năm 2018 đến nay.



Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất đã lên tới gần 20.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Tổng nợ phải trả của 12 dự án đầu tư cũng tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Đây là nỗi ám ảnh với chủ đầu tư các đại dự án nghìn tỷ dù có hai dự án đang “có dấu hiệu phục hồi”.


Như với dự án nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVN, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tổng lỗ lũy kế so với cuối năm 2017 của dự án đã tăng thêm hơn 500 tỷ đồng, lên 4.566,8 tỷ đồng. Gánh nặng lớn nhất của ngành hóa chất, dự án Đạm Ninh Bình cũng tăng lỗ lũy kế hơn 700 tỷ, lên hơn 4.751 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc và dự án DAP 2 - Lào Cai tăng lỗ thêm hơn 200 đồng/mỗi dự án chỉ sau 8 tháng hoạt động tính từ đầu năm 2018. Một lãnh đạo ngành hóa chất khi trao đổi với PV Tiền Phong cũng phải thừa nhận, khó khăn khó vượt qua. Càng để lâu, nguy cơ cả tập đoàn “sập tiệm” vì không đủ sức gánh trả nợ cho 4 dự án thua lỗ hoàn toàn có thể xảy ra. Như với dự án Đạm Ninh Bình, dự báo đây sẽ là nỗi ám ảnh kéo dài với cả ngành hóa chất.


Trong số các dự án đầu tư nghìn tỷ, le lói hy vọng nhất vẫn chỉ có DAP 1 - Hải Phòng khi đã trả hết nợ gốc vay dài hạn, trong đó có cả khoản nợ quá hạn hơn 51,6 tỷ đồng cho VDB. Hồ sơ nợ của công ty hiện sạch sẽ nhất trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương khi không có khoản nợ phải trả nào quá hạn. Le lói là vậy nhưng thương trường là chốn khốc liệt. Nay lãi, mai lỗ cũng là chuyện bình thường. Với số lỗ chất chồng, hiệu quả sản xuất không được tối ưu do bị bòn rút tiền ngay từ khi lập dự án, ước mơ “khỏe lâu dài” là việc không hề dễ.


Các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được các bộ ngành ra tay hết sức. Tuy nhiên sự hồi phục để có thể mang lãi về cho các chủ đầu tư vẫn mong manh. Sẽ có dự án phải phá sản, có dự án phải chuyển chủ đầu tư, thoái vốn… Nhiều phương án đã được lên kế hoạch nhưng thực hiện được đến đâu lại là chuyện hoàn toàn khác.


Dù chủ trương Nhà nước không đổ thêm tiền để cứu các dự án thua lỗ nghìn tỷ đến nay vẫn luôn đúng. Phải chấp nhận cuộc chơi bình đẳng, đã đến lúc buộc những kẻ tham ô, lợi dụng chính sách để vẽ các dự án nghìn tỷ nhằm bòn rút tiền của Nhà nước phải chịu trách nhiệm, đền bù là đề xuất của nhiều chuyên gia kinh tế. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền đầu tư của nhà nước đã bị ném vô tội vạ vào các dự án bánh vẽ. Những khối sắt vụn nghìn tỷ nhiều năm đắp chiếu trong bối cảnh ngân sách không dư dả là nỗi ám ảnh với bất cứ quốc gia, nhà lãnh đạo nào. Nếu không xử nghiêm, thì những đồng tiền xương máu của người dân đóng thuế sẽ còn bị ném qua cửa sổ và câu chuyện không ai phải chịu trách nhiệm sẽ còn lặp lại.

Theo P.T

Tiền phong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét