Làm gì để bỏ được “biên chế suốt đời”?
“Biên chế suốt đời” được hiểu như một người đã được tuyển dụng vào biên chế thì nghiễm nhiên được hưởng mọi chế độ, quyền lợi suốt đời, dù họ làm việc có hiệu quả hay không.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến bộ máy ngày càng cồng kềnh, kém hiệu quả, tốn kém ngân sách. Vậy cách nào xóa bỏ tình trạng này?
Cán bộ ỷ lại, bộ máy trì trệ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký Nghị quyết số 132 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị T.Ư 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung một số luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua trong năm 2018, 2019. Trong đó, chú ý việc chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy trình về tuyển dụng; xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ; hướng tới mục tiêu xoá bỏ chế độ “công chức suốt đời”; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, chủ trương là vậy, Nghị quyết của Chính phủ cũng đã nêu rõ, tuy nhiên hiện nay chưa có phương án cụ thể. Hiện Bộ Nội vụ vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết để sớm có phương án trình Chính phủ cho ý kiến.
Hoàn toàn ủng hộ những giải pháp này, đặc biệt là chủ trương xoá bỏ biên chế, công chức suốt đời, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, hiện “biên chế suốt đời” chỉ còn là đặc thù của Việt Nam và số ít nước, các nước phát triển không có cơ chế này. Theo ông Hòa, chế độ công chức của ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp, có tới 30% số công chức “có cũng được, không có cũng được”. Thế nhưng, hàng tháng ngân sách vẫn phải chi số tiền khổng lồ để trả lương cho bộ phận này.
Ông Hòa cho rằng, đã đến lúc phải quyết liệt, nếu không ngân sách sẽ không chịu nổi. Ông đề xuất, sau khi bỏ “biên chế suốt đời”, Nhà nước sẽ tổ chức tuyển dụng, ký hợp đồng theo năm hoặc theo vị trí công việc, làm tốt ký tiếp, không làm được sa thải. Điều này cũng có nghĩa bất cứ ai đủ trình độ, năng lực có thể vào làm việc trong bộ máy Nhà nước chứ không phải được “vào” biên chế rồi nghiễm nhiên ở lại đến khi về hưu, dù làm tốt hay không như hiện nay.
“Với những người trong biên chế từ trước tới nay, nếu họ không vi phạm gì nghiêm trọng rất khó đưa họ ra khỏi bộ máy. Điều này khiến cán bộ ỷ lại, chậm tiến bộ, kéo theo đó cả bộ máy, cả cơ quan trì trệ”, ông Hoà nói và cho rằng, để làm được điều này bắt buộc phải nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan cho đồng bộ, như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, viên chức và các luật, nghị quyết có liên quan đến tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
Thu hút người tài, trả lương xứng đáng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng đánh giá, để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, không còn con đường nào khác là phải thay đổi cơ chế vận hành bộ máy. Để thực hiện chủ trương bỏ “biên chế suốt đời”, ông Phúc cho rằng phải có quyết tâm, có người chịu trách nhiệm để chỉ đạo.
Theo ông Phúc, để làm được việc này phải sớm xây dựng đề án vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị một cách hợp lý, gắn với việc cải cách tiền lương. Đây chính là cơ sở cho việc xây dựng và thực thi chế độ công vụ mới “không có biên chế suốt đời”. Nếu làm được, bộ máy Nhà nước sẽ thu hút những người tài, có trình độ và những người này đều được đãi ngộ xứng đáng, chứ không cào bằng như hiện nay khi một người làm công việc giản đơn có thâm niên lại có mức lương cao ngang những cán bộ chủ chốt.
Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng đồng tình với ý kiến của ĐBQH Phạm Văn Hòa là Nhà nước nên ký hợp đồng công vụ thay cho biên chế như hiện nay. “Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói vui với nhau: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi; Tay cầm quyết định đời đời ấm no” để chỉ việc được vào biên chế và hưởng những đặc lợi từ đó. Nếu không thay đổi, sẽ vẫn có những con người ăn bám cứ ngồi mãi ở một vị trí hưởng lương ngân sách, trong khi họ không chịu sáng tạo, đóng góp, thậm chí còn phá phách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công chức, bộ máy”, ông Nhưỡng góp ý.
Nói thêm về chế độ hợp đồng công vụ, ông Nhưỡng cho rằng, hợp đồng này khác hợp đồng lao động thông thường, bởi nó sẽ đi kèm với những điều kiện tuyển dụng khắt khe hơn, nhưng rõ ràng hơn, có các tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Còn với cách đánh giá thi đua, mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm như hiện nay, “hầu hết đều tốt cả”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét