Tròn 5 năm "ra đi", nợ xấu bắt đầu trở về
Đây là thời điểm những khoản nợ xấu đầu tiên bán sang VAMC bắt đầu trở về các ngân hàng thương mại...
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố kỷ lục lợi nhuận sau 10 tháng 2018 với hơn 6.000 tỷ đồng trước thuế. Và Agribank cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên bán nợ xấu sang VAMC tròn 5 năm về trước.
Tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam một đầu mối xử lý nợ xấu rất đặc thù ra đời - Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.
Agribank là trường hợp đầu tiên, bán những khoản nợ xấu đầu tiên (đợt đầu này ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng) sang VAMC. Đến nay, đã tròn 5 năm, với những khoản không xử lý được, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn và ngân hàng phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán.
Trùng hợp đáng chú ý, Agribank cập nhật kỷ lục lợi nhuận đúng ở thời điểm trái phiếu VAMC bắt đầu đáo hạn. Có thể ngẫu nhiên, nhưng trùng hợp này mang thông điệp: tình hình kinh doanh đã tốt lên nhiều, đồng nghĩa sức khỏe tốt lên để đón nhận sự trở về này.
Đó cũng là thông điệp chung nhận thấy ở toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, đón một chuyển động mới bắt đầu từ thời điểm này.
Sau khi ký với Agribank, đến tháng 11/2013, VAMC lần lượt ký mua nợ xấu từ một loạt thành viên khác như SCB, SHB, PG Bank… Và tính chung năm 2013 đầu mối này đã mua gần 40.000 tỷ đồng giá trị nợ xấu.
Theo cơ chế, mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Đến nay, đây là thời điểm tròn 5 năm đã trôi qua, trái phiếu đó lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC nếu vẫn không xử lý được.
Hiện không rõ trong 40.000 tỷ đồng của năm 2013 đã xử lý được bao nhiêu, phần đáo hạn trong năm 2018 này sẽ bao nhiêu. Ngoài ra, thời gian qua một số thành viên như Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, VietinBank… đã lần lượt chủ động tất toán lượng nợ xấu đã bán sang VAMC trước đây. Nhưng chắc chắn, từ thời điểm này và dự báo sẽ dần thể hiện trên báo cáo tài chính nhiều tổ chức tín dụng quý 4 tới, nợ xấu có chiều hướng tăng lên.
Còn tình hình chung, tính từ tháng 10/2013 đến 31/12/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là trên 307.930 tỷ, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Từ năm 2018 công ty này đã hạn chế mua thêm, chuyển dần sang mua theo giá thị trường…
VAMC đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022; kế hoạch của năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc; đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017; đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo…
Một phần trong hơn 300.000 tỷ nợ xấu đã bán sang VAMC đã được đầu mối này xử lý, một phần một số ngân hàng thương mại chủ động tất toán trước hạn, phần còn lại từ thời điểm này, theo kỳ hạn 5 năm của trái phiếu đặc biệt bắt đầu lần lượt đáo hạn.
Nhìn lại quá trình mua nợ của VAMC, cao điểm rơi vào năm 2015, theo đó lượng đáo hạn lớn nhất dự kiến sẽ tập trung vào năm 2020.
Nhưng, như thông điệp trên, lượng nợ xấu từng "ra đi" trước đây sang VAMC nay lần lượt trở về vào đúng giai đoạn các ngân hàng thương mại nói chung có lợi nhuận cao, tỷ lệ nợ xấu báo cáo đã giảm thấp.
5 năm về trước, nếu hạch toán và ghi nhận đúng mức độ nợ xấu, hệ thống các tổ chức tín dụng không đủ sức để gánh vác, cũng như không đủ điều kiện để thực hiện các yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất…, nên VAMC ra đời như một giải pháp tạm giãn một phần gánh nặng đó.
Đến nay, tình hình sức khỏe và hiệu quả kinh doanh hệ thống nói chung đã tốt lên, đủ sức hơn để nhận về, lần lượt nhận về mà không gây quá nhiều xáo trộn bất lợi trong hoạt động.
Vì theo cơ chế, trong 5 năm qua, mỗi năm các tổ chức tín dụng phải trích lập 20% dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt (lượng nợ xấu đã bán). Áp lực chi phí đó cũng đã được trải ra.
Trái phiếu đáo hạn và nợ xấu nhận về cũng rải ra dự tính kéo dài đến năm 2022, mà nay mới chỉ là thời điểm bắt đầu mà thôi.
Và dường như chủ động bắt nhịp về tính thời điểm, ngày 7/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần lượt có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cũng như có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành đề nghị tăng cường phối hợp trong công tác này.
Trong đó, với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét