Hôm qua, sau khi kiểm tra tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, qua kiểm tra, các địa phương đang tập trung tăng cường sản xuất đa dạng các loại thực phẩm; hiện nay đàn gia cầm cả nước tăng 15%, thủy sản tăng hơn 6% và đại gia súc tăng 4,5%, nên không lo về nguồn cung thực phẩm.
Về chăn nuôi lợn, ông Cường cho biết, sau khi dịch giảm xuống mức có thể kiểm soát được, công tác tái đàn đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn, trang trại quy mô gia đình đều coi trọng và đảm bảo nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học.
Tuy nhiên, theo ông Cường, để đảm bảo nguồn thực phẩm dịp Tết sắp tới, ngành chăn nuôi phải tăng sản xuất, tăng sản lượng, không chỉ về lợn mà còn nhiều nguồn thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản hay gia súc. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Cùng đó, ông Cường cũng đề nghị, các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc, giúp ổn định thị trường trong nước, hạn chế nguy cơ lây lan dịch.
Ông Cường cũng lưu ý, không để tình trạng trục lợi, găm hàng với thịt lợn. Bởi, nếu găm hàng, chịu hậu quả trước tiên là người nuôi vì khi quá lứa, hiệu quả kinh tế sẽ giảm. “Chưa kể, thời tiết đầu Xuân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh và cuối cùng nếu khi thị trường quay lưng, không dùng thịt lợn nữa do giá cao thì chắc chắn sẽ lỗ”, ông Cường nói.
“Các công ty chăn nuôi lớn đang giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ “gậy ông đập lưng ông”, người tiêu dùng quay lưng, nguồn hàng nhập tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ khó chống đỡ trên sân nhà”, ông Cường cảnh báo.
Cơ hội thay đổi cơ cấu tiêu dùng
Trao đổi với PV Tiền Phong về thịt lợn tăng vọt thời gian qua, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá lợn thịt lên xuống là do thị trường điều tiết, chúng ta phải chấp nhận và khả năng tình trạng này có thể kéo dài thời gian tới.
Ông Bình cho rằng, Việt Nam không thiếu thịt, mà chỉ thiếu hụt một lượng thịt lợn. Giải pháp quan trọng nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng, thay vì chỉ ăn thịt lợn, có thể chuyển sang ăn thịt gà, thịt bò, tôm, cá…
“Có người cả tháng không ăn thịt lợn, hay người Hồi giáo họ không ăn cũng có sao đâu”, ông Bình nói, và cho rằng: “Cơ cấu tiêu dùng thịt lợn của Việt Nam nên giảm dần từ 70% xuống 30-40%”.
Theo ông Bình, nên nhìn nhận ở bình diện tích cực, coi cơn bão dịch này là cơ hội để thay đổi thói quen tiêu dùng. Lúc đó, chăn nuôi nhỏ lẻ- thường gây ảnh hưởng về môi trường sẽ thu hẹp, hướng đến chăn nuôi công nghiệp, có truy xuất nguồn gốc, giết mổ hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Về giá, hiện thị trường vùng biên giới của Trung Quốc với Việt Nam có giá thịt lợn trên 300 nghìn đồng/kg, nên hút hàng là đương nhiên. Do vậy, các bộ cần tạo điều kiện, kể cả thuế để nhập thịt lợn, vì để giá neo cao thì rất nguy hiểm.
“Nếu không hạ nhiệt, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi và thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc các doanh nghiệp ngoại nhập thịt đông lạnh; thịt nóng kiểu truyền thống sẽ giảm xuống”, ông Bình nói.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Cty Mavin - đơn vị đang cung ứng mỗi ngày khoảng 800-1.000 con lợn ra thị trường cho rằng, giá thịt lợn tăng cao, cũng giống như nhiều nông sản khác là do yếu tố tâm lý, và không phản ánh đúng bản chất.
“Việc Bộ NN&PTNT kiến nghị với Bộ Công Thương nhập khẩu thịt lợn để bình giá trong nước là một giải pháp cởi mở của Bộ có lợi cho đại cục. Nếu có thêm thịt nhập về, giá lợn trong nước sẽ bình ổn ở mức vừa phải, nếu để lên cao quá sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân”, ông Lương nói.
“Các công ty chăn nuôi lớn đang giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ “gậy ông đập lưng ông”, người tiêu dùng quay lưng, nguồn hàng nhập tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ khó chống đỡ trên sân nhà”
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét