Giá sắp chạm mốc 90.000 đồng/kg
Sáng 10/12, ông Trần Quốc Toản, chủ một trang trại lợn lớn ở Khoái Châu (Hưng Yên) khoe: “Một tuần nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại địa phương đã lên lên mốc 83.000 đồng/kg, xu hướng tiếp tục tăng mạnh”.
Nuôi lợn đã hơn chục năm nay, nhưng lần đầu tiên ông Toán chứng kiến giá thịt lợn hơi lên mức cao ngất ngưởng, chưa từng có: 83.000 đồng/kg. Trước đây, giá tăng lên 70.000 đồng/kg đã là kỷ lục rồi.
“Nhà tôi có một lứa lợn khoảng chục ngày nữa là được xuất chuồng. Mấy ngày nay ngày nào cũng có 4-5 thương lái gọi điện đặt mua. Nhưng giờ giá tăng theo từng ngày nên tôi chưa vội nhận cọc của ai”. Ông Toản tiết lộ, từ giờ đến Tết Nguyên đán, trang trại nhà ông sẽ xuất chuồng khoảng 400 con lợn thịt thương phẩm.
Với mức giá cao như hiện nay, lợn bán đi cũng thu được một khoản lời lớn. Ông hy vọng đợt này tiền lãi thu được sẽ bù cho khoản lỗ hồi nửa đầu năm khi phải bán giá lợn ở mức 20.000-25.000 đồng/kg.
Tại các địa phương khác ở miền Bắc, giá thịt lợn hơi đang vào đợt tăng mới, tiến sát mốc 90.000 đồng/kg. Đơn cử, giá lợn hơi tại Lào Cai đã đạt 85.000 đồng/kg, tại Hưng Yên đạt 84.000 đồng/kg, tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc 82.000 đồng/kg,... Trong khi đó, giá lợn hơi ở một số nơi như: Thái Bình, Lạng Sơn đã chạm mốc 87.000 đồng/kg.
Tương tự, tại các tỉnh miền Trung, giá lợn đều vượt qua mốc 70.000 đồng. Cao nhất là giá lợn hơi xuất chuồng tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An khi đã tăng lên 80.000 đồng/kg.
Khu vực miền Nam cũng đang ghi nhận mức giá lợn hơi tăng kỷ lục. Ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai ghi nhận mức giá hơi là 87.000-88.000 đồng/kg. Các tỉnh khác tại khu vực này giá cũng tăng lên mức 75.000-80.000 đồng/kg.
Một chuyên gia trong ngành dự báo, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán, bởi nguồn cung thịt lợn trong các hộ dân không còn nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng không thể tăng đàn nhanh để kịp bù thiếu bụt trong những tháng cuối năm.
Ngoài chợ ế ẩm
Thịt lợn hơi xuất chuồng tăng kéo theo giá thịt lợn ngoài chợ cũng tiếp đà tăng mạnh. Ghi nhận giá thịt lợn tại một số chợ dân sinh trên địa bàn cho thấy, nhiều loại thịt đã tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với dịp cuối tháng 11 vừa qua. Cụ thể, thịt ba chỉ tăng lên 170.000 đồng/kg, chân giò rút xương 150.000 đồng/kg, nạc thăn 180.000 đồng/kg, sườn thăn 200.000 đồng/kg, sườn non 220.000 đồng/kg.
Tại siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt lợn đa phần đều tăng lên mức 160.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại. Thậm chí có nơi giá niêm yết tới 280.000 đồng/kg.
Chị Bùi Thị Thu Nga, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá tăng nhưng thịt lợn ngoài chợ lại ế ẩm.
Theo chị, trước kia giá thịt lợn ở mức 90.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại, người dân đi chợ mua 5 lạng cho đến 1kg thịt là chuyện bình thường. Giờ giá thịt lợn tăng gấp đôi, trong khi thu nhập của họ không tăng nên họ phải thắt chặt chi tiêu, ăn ít thịt đi.
“Bình thường một ngày tôi bán 2 con lợn móc hàm. Chợ sáng bán 1 con, chợ chiều bán 1 con. Nhưng khoảng 2 tháng nay, giá thịt lợn tăng mạnh, lượng thịt bán ra mỗi ngày cũng giảm một nửa. Giờ cả ngày chỉ bán được 1 con lợn móc hàm”. Chị cho biết, giá càng tăng cao, thịt lợn càng ế ẩm.
Chị Chu Thị Ngọc, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thừa nhận, giá thịt lợn tăng, dân giảm ăn khiến mặt hàng thịt lợn dịp gần đây luôn trong tình trạng èo uột khách. “Ế ẩm quá. Dạo này tôi bán mỗi buổi sáng, buổi chiều nghỉ chợ”, chị chia sẻ.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 vào giữa tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-NTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, giá thịt lợn đang tăng mạnh, nguyên nhân một phần do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả lợn châu Phi.
Tổng cục Thống kê dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn cả nước vào khoảng 600.000 tấn, với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay, tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN-PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Ông cũng yêu cầu phải dự báo nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý. Đồng thời, báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung, không để dư thừa.
Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.
Như Băng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét