Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Việt Nam ngày càng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: nguồn Internet

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Cần giải pháp đột phá, mạnh mẽ

Điển hình như tại Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã có thêm những điểm sáng mới trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ này đều tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp cấp trung ương có 17/180 ủy viên chính thức, đạt 9,4%, có 3 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị, chiếm 15,7%.

Riêng về vai trò của phụ nữ trong Quốc hội (QH), nếu như QH khoá I chỉ có 3% là nữ đại biểu thì đến khoá XIII đã đạt đến tỷ lệ 24,4%. Tuy nhiên việc tăng đó là chưa thật sự bền vững. Vì thế, cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021.



Bùi Thị Thanh: Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phụ nữ nên đi bầu cử nhiều hơn
Qua theo dõi các cuộc bầu cử gần đây, chúng tôi nhận thấy việc bầu hộ, bầu thay có tác dụng rất không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt là không có lợi cho người ứng cử là nữ. Chúng ta đều biết một quan niệm khá phổ biến, chủ yếu là ở nông thôn vẫn đang tồn tại đó là: “Việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông”.


Chính vì thế, trong các cuộc bầu cử ở hầu hết các địa phương, người đi bầu hộ, bầu thay chủ yếu là nam giới; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ảnh hưởng, chi phối đến việc sẽ bỏ phiếu cho giới nào. Vì vậy cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử đồng thời phải giám sát chặt chẽ việc bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay.

Đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội): Nghệ thuật sắp xếp cuộc sống
Phụ nữ Việt Nam bây giờ có điều kiện tham gia tất cả các lĩnh vực kể cả lĩnh vực chính trị. Trong Quốc hội nhiều đồng chí nữ đã thể hiện đúng vai trò người đại biểu của dân, đại biểu của cử tri. Đã biết lắng nghe, đã biết tổng hợp, thu nhận ý kiến và đã biết trình bày ý nguyện nguyện vọng chính đáng của cử tri lên quốc hội.
Nguyện vọng ấy quốc hội cũng đã chấp nhận. Tôi thấy điều đó phụ nữ đã làm được. Tuy nhiên, để cho phụ nữ làm được ngày càng xứng với tiềm năng của mình thì nên tạo thêm một số cơ hội. Nếu sự tham gia này mà đáp ứng được đầy đủ tiềm năng của phụ nữ thì sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Hạnh phúc gia đình nằm chung với hạnh phúc, sự phát triển chung. Vấn đề nằm chính ở sự khéo léo sắp xếp và “nghệ thuật” sống thôi, không có gì cả. Vấn đề mình làm sao xác nhận được giá trị, vai trò, trách nhiệm của mình và tôi cho rằng quan trọng nhất ở đây là sắp xếp thời gian cho khoa học để hoàn thành mọi nhiệm vụ, và thứ hai là có khả năng sắp xếp để cho mọi người tham gia cùng mình, cả gia đình và xã hội thì công việc nó sẽ suôn sẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét