Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Kết thúc thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý đối với 2 vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cty Vipco và Cty Thiên Lộc Phú.
TTCP cho rằng việc áp các chi phí vận tải, bảo hiểm vào giá cơ sở cao hơn thực tế khiến người tiêu dùng bị thiệt (ảnh minh họa).


TTCP đánh giá, hoạt động của Tập đoàn Petrolimex trong giai đoạn từ năm 2010 - 6/2013 cơ bản bảo toàn được vốn và có hiệu quả, tuy nhiên còn để xảy ra một số vi phạm, sai sót trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn này và các đơn vị thành viên.



Đầu tư ngoài ngành và cho vay bằng vốn kinh doanh

Kết luận thanh tra cho thấy, ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như việc “rót” thêm vốn vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ), Cty cổ phần bảo hiểm Petrolimex hơn 171 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) và đầu tư 51 tỷ đồng vào Cty cổ phần bất động sản Petrolimex, khi không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ đầu tư số tiền lớn khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, Petrolimex còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, phần lớn cho các đơn vị thành viên vay dài hạn (gần 415 tỷ đồng), còn lại đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

Tương tự như Cty mẹ, Cty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco đầu tư hơn 56 tỷ đồng vào Cty cổ phần An Phú, hiện có nguy cơ mất vốn; Tổng Cty cổ phần Hóa dầu Petrolimex đầu tư 5 tỷ đồng vào Cty TNHH Đầu tư Thương mại PLG cũng bị thua lỗ. Còn Cty Xăng dầu Khu vực II dùng vốn kinh doanh cho Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang vay ưu đãi sai quy định 25,5 tỷ đồng;…

Doanh nghiệp vi phạm, vẫn được xếp loại A

Theo kết luận thanh tra, việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2010, Bộ Công Thương và Petrolimex đã quyết định xếp doanh nghiệp loại A năm 2010 cho 20 Cty xăng dầu thành viên, do đó các Cty đã trích, sử dụng quỹ khen thưởng với tổng số tiền gần 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của cơ quan thuế xác định tất cả 20 doanh nghiệp nêu trên đều có vi phạm, bị xử phạt hành chính trong việc chấp hành pháp luật thuế. Tương tự, năm 2011, việc xét duyệt, xếp loại doanh nghiệp năm 2011 thực hiện sau khi cơ quan thuế kiểm tra, nhưng Tập đoàn không báo cáo Bộ Công Thương, do đó vẫn có 11 doanh nghiệp bị xử phạt về thuế được xếp loại A năm 2011 và đã trích quỹ khen thưởng hơn 19,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010 - 6/2013, các Cty xăng dầu thành viên của Tập đoàn Petrolimex đã chi 3 tháng lương kinh doanh cho người lao động khi nghỉ hưu với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng, không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Phát hiện dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

TTCP cho biết, năm 2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng giám đốc Cty Vipco ký hợp đồng hợp tác đầu tư 4 dự án tại thành phố Hải Phòng và chuyển 72,5 tỷ đồng vào tài khoản chung do Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó cho phép Cty này rút hơn 21 tỷ đồng không có căn cứ. Số tiền rút ra không được sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng. Cơ quan chức năng xác định, thực tế Cty Thiên Lộc Phú không hoạt động kinh doanh và đã bỏ địa chỉ kinh doanh từ năm 2013, đến nay còn lại 18,6 tỷ đồng không thu hồi được, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, ngày 10/4/2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh và ông Vũ Quang Khánh, Kế toán trưởng Cty Vipco còn chuyển 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, thuộc Cty Thiên Lộc Phú với nội dung “trả các loại phí liên quan đến dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài”, hiện vẫn chưa thu hồi được.

Áp chi phí cao, người tiêu dùng chịu thiệt

Tại kết luận thanh tra, TTCP cho rằng trong khoảng thời gian từ 1/2010 - 6/2013, khi xây dựng giá cơ sở của xăng Ron 92, dầu Diezel, dầu hỏa, dầu mazut để quyết định giá bán lẻ, Petrolimex và liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn thực tế 67,6 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc liên bộ không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới cho các thương nhân đầu mối để áp dụng tính giá cơ sở là không thực hiện đúng Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, dẫn đến khó kiểm soát việc xây dựng giá cơ sở và quyết định giá bán lẻ. Mặt khác, Tập đoàn Xăng dầu thực hiện không đúng thẩm quyền trong việc tự quyết định và tổ chức thực hiện giá bán lẻ xăng dầu địa bàn vùng 2 cao hơn tối đa 2% giá bán lẻ do liên bộ điều hành, nhưng không được chấn chỉnh kịp thời…

Theo đó, cùng với đề nghị Tập đoàn Petrolimex tổ chức kiểm điểm, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, TTCP còn kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.191 tỷ đồng và 310 nghìn USD.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét