Tại cuộc Toạ đàm trực tuyến "Cung ứng điện mùa khô 2016" do Dân trí phối hợp với EVN tổ chức chiều nay (15/4), ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương khẳng định: "Chúng tôi khẳng định nhìn chung sẽ không có cắt điện. Tuy nhiên trong quá trình vận hành có thể xảy ra sự cố trên lưới điện nên có thể xảy ra mất điện cục bộ".
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết ở Việt Nam sẽ nắng nóng và khô hạn kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Trên thực tế, trong khoảng 3 tháng qua, tác động của hiện tượng này đã bắt đầu thấy rõ ở một số địa phương, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mực nước tại hầu hết các hồ chứa thủy điện hiện đang xuống rất thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất điện và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.
Tình hình trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc cung ứng điện cho các tháng mùa khô năm nay, nhất là khi ở Hà Nội, những tháng hè đang đến rất gần và ảnh hưởng thế nào đến việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương?
Để trả lời câu hỏi này, vào lúc 15 giờ chiều nay (15/4), Báo Dân trí phối hợp với EVN tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Cung ứng điện mùa khô năm 2016” với các vị diễn giả:
- Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương
- Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, EVN
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên cao cấp Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội
Chúng tôi xin bắt đầu chương trình:
Nhà báo Mạnh Quân: Xin chào các diễn giả tham gia chương trình, xin chào quý vị độc giả.. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Với tình hình thời tiết, khí hậu năm nay và đánh giá nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ điện năng và cân đối các nguồn điện hiện có, xin ông cho biết, năm nay tình hình cung cầu điện như thế nào, liệu có xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện ở một số nơi khi nhu cầu điện tăng quá cao trong những ngày nắng nóng?
Ông Đinh Thế Phúc: Trước tiên tôi xin báo cáo trong những năm gần đây với sự nỗ lực của ngành điện, nhiều đường dây truyền tải điện được tăng cường, điện dự phòng 20-30%. Trong điều kiện khô hạn không chỉ năm 2016 mới bắt đầu mà từ 2015 đã có. Cuối tháng 10 đã có cuộc họp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì dự báo phải đến quý 2/2016 nên chúng tôi đã tính đến tình huống khô hạn của năm 2016.
Với cân bằng cung cầu sản lượng điện khoảng tăng 12% năm 2015, khoảng 180 tỉ kwh điện, cũng tính đến khả năng các hồ thủy điện xuống thấp do không có nước về do El Nino nên cuối năm 2015 chúng tôi đã yêu cầu EVN tính toán, phát dầu từ cuối 2015 và giữ nước cho năm 2016. Chúng tôi đã chủ động xem xét khả năng cung cầu liệu có đủ cung ứng hay không.
Hàng tháng chúng tôi đều rà soát lại khả năng cung ứng điện. Chúng tôi khẳng định nhìn chung sẽ không có cắt điện do thiếu nguồn. Tuy nhiên trong quá trình vận hành có thể xảy ra sự cố trên lưới điện, nên có thể xảy ra mất điện cục bộ. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là không cắt điện giảm tải để phục vụ cho dân sinh và đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội.
Ông Đinh Thế Phúc, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương
Nhà báo Mạnh Quân: Xin được hỏi ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, EVN: EVN có khả năng đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong những tháng mùa khô năm nay không? Và vừa qua, chúng tôi được biết có hàng chục nhà máy thủy điện phải ra khỏi hệ thống thị trường phát điện cạnh tranh để xả nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở nhiều nơi, như vậy, có làm mất cân đối về nguồn điện, làm giảm sản lượng điện cung ứng không?
Ông Vũ Xuân Khu: Vâng đúng là như thế, trong thời gian vừa qua do tính ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện, nhất là các hồ thủy điện miền Trung và miền Nam. Lượng nước giảm thấp nên các nhà máy phải sử dụng gián tiếp vào thị trường (tức là tách ra khỏi thị trường). Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo các nhà máy này giữ nước lại cung cấp cho mùa khô, đảm bảo nước cung cấp đủ cho mùa khô. Việc này đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất điện.
Những việc này đã được EVN nhìn thấy từ cuối năm 2015 nên đã quyết định huy động những nguồn khác như nhiệt điện than, dầu... Tính toán cân đối cho năm 2016, huy động thêm các nguồn điện khác thi vẫn đủ cung ứng các nhu cầu của xã hội.
Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, EVN
Nhà báo Mạnh Quân: Xin hỏi công suất điện dự phòng bao nhiêu và năm nay có sử dụng hết?
Ông Vũ Xuân Khu: Trong những năm vừa qua hệ thống điện đã được đầu tư quan tâm. Hiện nay tổng công suất 38.642 MW, phụ tải 25.000 MW nên hệ thống có dự phòng. Với phương án cung cấp điện năm 2016 do Bộ Công Thương phê duyệt dự kiến phụ thải hơn 26.000 kwh nên có dự phòng, nhưng dự phòng ở mỗi miền khác nhau. Do đó có điều kiện để tách các tổ máy ra để bảo dưỡng, đảm bảo việc vận hành tốt nhất.
Bây giờ chưa phải là thời điểm cao điểm, nhưng sắp tới như kinh nghiệm năm ngoái thì vẫn phải huy động hết các nguồn dự phòng để đảm bảo tốt nhất cung ứng điện.
Nhà báo Mạnh Quân: Xin được hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên cao cấp, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tình hình hạn hán hiện nay, việc xả nước của các nhà máy thủy điện EVN vừa qua có đảm bảo khắc phục những khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương không ?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Do ảnh hưởng của hiện tượng ElNino, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng, đã gây thiệt hại nặng nề và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh ở một số vùng, đặc biệt là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại khu vực Nam Trung bộ, đã có gần 23.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa..., phải dừng sản xuất do thiếu nước. Còn ở Tây Nguyên, tính đến nay, đã có khoảng hơn 87.000 ha cây trồng bị hạn; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có có khoảng 220.000 ha lúa bị thiệt hại.
Ngoài ra, đã có 366.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó: khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 250.00 hộ, Nam Trung bộ là 36.600 hộ và Tây Nguyên là 79.400 hộ. Nguy cơ cháy rừng đang ở cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm) và sẽ duy trì trong thời gian dài.
Các hồ chứa thủy điện đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn cấp nước cho sản xuất và dân sinh, góp phần hạn chế tác hại của hạn hán. Ở khu vực Trung Bộ, một số hồ chứa đã thường xuyên ưu tiên điều tiết cấp nước cho hạ du từ nhiều năm nay, như: Đại Ninh, Hàm Thuận-Đa Mi, Đa Nhim, Sông Ba Hạ, Đắk Mi 4... Các hồ chứa này đã cung cấp và tạo nguồn nước tưới cho hàng trăm ngàn ha đất canh tác nông nghiệp thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam...Đặc biệt, ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hàng năm, các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đều cung cấp nguồn nước phục vụ gieo cấy cho khoảng 450.000 ha lúa (trong tổng số khoảng 630.000 ha của toàn khu vực) vụ Đông Xuân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên cao cấp Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nhà báo Mạnh Quân: Độc giả Võ Thu Hà, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Năng đặt câu hỏi: Liệu năm nay có mua điện Trung Quốc hay không? Có dự phòng thì vì sao lại mua điện Trung Quốc?. Xin chuyển câu hỏi này đến ông Đinh Thế Phúc.
Ông Đinh Thế Phúc: Thiếu điện như anh Vũ Xuân Khu có nói: Công suát dự phòng toàn hệ thống chúng ta có nhưng dự phòng cho từng khu vực một thì khác nhau, đặc biệt là khu vực miền Nam. Chúng ta biết, khu vực miền Nam nếu tự cân đối nguồn của khu vực thì miền Nam không đủ nên 3 mạch đường dây Bắc Nam đã phải đưa điện từ miền Trung vào nên giải pháp từng khu vực khác nhau. Miền Nam: tăng huy động từ miền Bắc và miền Trung vào; và tăng nhiệt điện chạy dầu của miền Nam.
Có mua điện Trung Quốc hay không thì tùy vào tình huống mà chúng tôi sẽ cân nhắc. Mục tiêu của chúng tôi là năm nay đảm bảo điện cho dân sinh và kinh tế nên chủ trương là không cắt điện, song cũng có thể xảy ra tình huống thiếu điện ở từng khu vực nhỏ, nên chúng tôi đã giao từng tỉnh cân đối và có phương án nếu thiếu điện cục bộ thì UBND tỉnh phê duyệt để có phương án phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, chúng tôi đảm bảo được cung cấp điện cho kinh tế xã hội.
Ông Vũ Xuân Khu: Việc mua điện Trung Quốc thì chúng ta vẫn đang mua nhưng lượng mua đã giảm rất nhiều. Năm 2016 cả công suất và sản lượng đều gảm. Trước đây mua điện từ Trung Quốc từ 5 năm đường dây, từ 1/1/2016 giảm mua từ 3 đường 110 KV. Như vậy, hiện nay chỉ mua được hai đường qua hai tuyến 220 KV nhưng lượng mua là rất ít. Việc mua điện Trung Quốc được thực hiện từ nhiều năm nhưng từ 2010 và 2011 khi mà hệ thống thiếu điện thì đã giúp chúng ta giảm được cắt điện.
Nhưng việc tiếp tục mua điện Trung Quốc hiện nay chỉ duy trì kết nối lưới điện khu vực, và quan trọng là nguồn dự phòng trong những tình huống xấu xảy ra.
Nhà báo Mạnh Quân: Thưa ông Phúc, một độc giả từ Hà Nội, anh Vũ Anh Quân (Yên Phụ, Hà Nội) đặt câu hỏi: tình hình hạn hán năm nay rất rõ, vậy phải ưu tiên cho khu vực nào trước?
Ông Đinh Thế Phúc: Tôi vẫn khẳng định là việc cung cấp điện là đảm bảo, không thiếu điện. Mặc dù sản lượng các thủy điện là giảm rất nhiều. Một số nhà máy thủy điện đang phát điện cầm chừng. Chúng tôi hay nói đùa là có 12 nhà máy đang tham gia gián tiếp thị trường điện, phát điện bây giờ không theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mà theo yêu cầu của hạ du.
Vừa rồi chúng tôi đã làm việc với một số tỉnh khô hạn, bây giờ hồ nước thủy điện có chừng này nước sinh hoạt thì phải tính toán thế nào đến ngày 30/6 sử dụng nước như thế nào để đến cuối mùa khô còn có nước sử dụng. Mọi năm có thể dùng 1000 m3 còn bây giờ có 200-300 m3 thì cũng phải đáp ứng đủ nhu cầu. Các nhà máy phát thế nào thì phát nhưng phải đảm bảo được nước về hạ du.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng phải huy động nguồn than, khí, dầu. Từ đầu năm nay thì nguồn điện dầu đã phát nhiều hơn cả năm 2014 rồi!
Nhà báo Mạnh Quân: Có nhiều độc giả của Dân trí cùng đặt câu hỏi tới EVN Hà Nội là liệu năm nay kịch bản "cắt điện luân phiên" có tiếp tục diễn ra không?
Ông Nguyễn Danh Duyên: Từ nhiều năm nay, EVN HANOI không có tình trạng cắt điện luân phiên do thiếu điện. Đối với những khu vực quý khách bị mất điện là do EVN HANOI tiến hành tạm ngừng cung cấp điện để duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch định kỳ. Mục đích để nâng cao độ tin cậy cho lưới điện, khả năng truyền tải để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Nhà báo Mạnh Quân: Nhiều khách hàng của EVN Hà Nội vẫn phàn nàn về việc bị cắt điện không được báo trước? Ông có thể trả lời thế nào về vấn đề này ?
Ông Nguyễn Danh Duyên: Việc ngừng cung cấp diện để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng lưới điện và thiết bị điện được EVN HANOI tuân thủ tuyệt đối theo luật điện lực (đăng thông báo trước 5 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hà Nội Mới, Báo Nhân dân, Báo An ninh Thủ đô..., đăng trên website của Tổng công ty.
Các công ty Điện lực đều có gửi thông báo đến UBDN phường, trưởng thôn để đọc thông báo trên hệ thống truyền thanh của phường, xã, thôn, niêm yết tại các nhà văn hóa...
Đối với những trường hợp phải ngừng, giảm cung cấp điện đột xuất (đối với khách hàng sử dụng điện để sản xuất, tòa nhà...) thì đơn vị quản lý điện phải gửi thông báo ngay dến khách hàng bằng hình thức trực tiếp, điện thoại, fax... Trong thông báo phải nói rõ nguyên nhân, thời gian ngừng cung cấp điện và dự kiến thời gian sẽ khôi phục cung cấp điện trở lịa cho nhân dân.
Năm nay TCT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Trong thời gian xử lý sự cố chúng tôi cũng đã cho các đơn vị diễn tập khi có sự cố xảy ra.
Nhà báo Mạnh Quân: Một độc giả là Đỗ Minh, ở Hà Nội đặt câu hỏi: với tình hình hạn hán, diễn biến khí hậu bất thường như hiện nay, Cục Điều tiết điện lực có khuyến cáo gì với các nhà đầu tư về thủy điện cũng như các nhà tài trợ vốn. Với tình hình thế này, có nên đầu tư vào thủy điện nữa không ?
Ông Đinh Thế Phúc: Hiện nay việc cấp điện đang tiến tới thị trường. Khâu đầu tiên là phát điện cạnh tranh đã triển khai năm 2015, nên đầu tư nguồn điện theo luật đầu tư xây dựng thì việc đầu tư hay không là do các nhà đầu tư quyết định miễn là trong quy hoạch của Tổng sơ đồ phát triển điện lực VII mà Thủ tướng đã phê duyệt. Hiệu quả kinh tế thì các nhà đầu tư tính toán. Giá điện thì chúng ta đã có quy định rõ ràng theo Thông tư 56 quy định giá bán điện của các nhà máy điện lớn, Thông tư 32 quy định các chi phí tránh được của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ. Nên các nhà đầu tư có thể tính toán để xem có nên đầu tư hay không. Còn khuyến cáo thì khó vì mỗi dự án có đặc thù riêng nên các nhà đầu tư có thể tự tính toán hoặc thuê tư vấn.
Nhà báo Mạnh Quân: Thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, với tình hình khô hạn nghiêm trọng như hiện nay, Tổng cục Thuỷ lợi có đề nghị gì với EVN để đẩy mạnh xả nước, chống hạn? Đây là câu hỏi của ông Trần Tâm, thị trấn Yên Định, Hải Hậu, Nam Định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Về tình hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian sắp tới, Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần đến cuối tháng 4, từ tháng năm tùy thuộc vào lượng mưa, dòng chảy, nhưng có thể nói là xâm nhập mặn đã qua thời kỳ căng thẳng nhất.
Tây Nguyên, Trung Bộ chưa phải là thời kỳ hạn hán đỉnh điểm. Tây Nguyên…..khoảng hơn 1 tháng nữa. Nam Trung Bộ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, hạn hán sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2016, khi mùa mưa bắt đầu.
Tây Nguyên, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước có thể lên tới 170.000 ha, trong đó 150.000 ha cà phê. Vùng Nam Trung Bộ, khoảng 54.000 ha lúa Hè Thu có nguy cơ dừng sản xuất
Về việc tham gia phòng, chống hạn hán của các hồ chứa thủy điện, trong các quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nguyên tắc vận hành trong mùa kiệt đều phải bảo đảm nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều hồ chứa thủy điện đã tham gia tích cực vào việc bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Thậm chí, một số nhà máy thủy điện đã tiết giảm công suất phát điện hoặc ra khỏi thị trường cạnh tranh điện để dành hầu hết lượng nước tích trữ được cung cấp cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
Để chuẩn bị nguồn nước cho sx nông nghiệp vụ Hè Thu 2016 sắp tới ở khu vực Trung Bộ, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương đã thống nhất kế hoạch điều tiết một số hồ chứa thủy điện để bổ sung nguồn nước cho hạ du, kế hoạch này bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nước phục vụ sản xuất, dân sinh trên cơ sở khả năng nguồn nước.
Nhà báo Mạnh Quân: Độc giả Trần Thị Miên ở Đức Linh, Bình Thuận nêu câu hỏi: Tại một số vùng bị hạn hán như Bình Thuận vừa thiếu nước, vừa có nguy cơ thiếu điện. Làm sao khắc phục được tình trạng thiếu cả điện cả nước trong mùa khô năm nay?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bình thuận năm nay là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Nam Trung Bộ. Cái này cũng liên quan đến nguồn nước đến của thuỷ điện Đại Ninh. Mọi năm thì cung ứng nước dồi dào nhưng năm nay hồ Đại ninh nguồn nước rất thấp nên xảy ra tình trạng thiếu nước ở khu vực này.
Ông Đinh Thế Phúc: Tình trạng khô hạn tại tỉnh Ninh thuận, Bình Thuận có từ năm ngoái. Việc chống hạn thì UBND tỉnh đã áp dụng, sử dụng nước các hồ thủy điện như thủy điện Đại Ninh đã cung cấp một phần nước cho Bình Thuận. Tất nhiên là cung cấp không hết được. Nhưng năm ngoái chúng tôi đã tính toán là thủy điện Đại Ninh đã phải tách ra khỏi thị trường, phát điện cầm chừng để chia sẻ nước cho hạ du như yêu cầu của UBND tỉnh.
Còn đối với phát điện cung cấp điện chúng tôi đã yêu cầu chung tới tất cả các tổng công ty điện lực phải rà soát lại các khu vực địa bàn những năm trước đã xảy ra thiếu điện để có phương án khắc phục.
Vừa rồi chúng tôi đã có làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam, chỉ đạo các địa phương khu vực quá tải, những trạm biến áp cung cấp cho các nha máy bơm nước cho tưới tiêu thì phải ưu tiên trước. Từ đầu năm đến giờ Tổng công ty đã phải bổ sung một số trạm biến áp để phục vụ cho các nhày máy trạm bơm nước.
Nhà báo Mạnh Quân: EVN HN có cảnh báo hóa đơn điện điện trong tháng 4 sẽ tăng. EVN Hà Nội có thể nói rõ hơn điều này?
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh, EVN HANOI:Sở dĩ mỗi một năm chúng tôi đều có dự báo là đánh giá nhu cầu phụ tải tác động lên hóa đơn khách hàng. Năm nay, chúng tôi tính toán, mỗi ngày tăng 1 đến 2 triệu kWh/ngày, chúng tôi tính toán khách hàng đang tăng trưởng sử dụng điện 11-12% nên mức độ tăng là đột biến. Chúng tôi khuyến nghị khách hàng là khi mức độ tăng lên như vậy thì hóa đơn sẽ tăng lên theo bậc thang như quy định của nhà nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét