Đang giữ chức giám đốc một công ty xây dựng nhưng Phạm Anh Cường vẫn quyết định từ bỏ để khởi nghiệp với loại hình hoa giấy kamibana.
Hơn 8 năm trước, chàng trai sinh năm 1988 nằm trong nhóm sinh viên ưu tú của Đại học Ngoại thương nhận học bổng giao lưu văn hóa do chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Ngoài các môn học chuyên ngành tài chính - ngân hàng, Cường tham gia các lớp nghệ thuật truyền thống tự chọn trong thời gian một năm lưu trú ở Đại học Tokyo. Sau khi tiếp xúc với nhiều loại hình độc đáo, Cường nhận thấy bản thân phù hợp với hoa giấy nghệ thuật kamibana, một trong những phân nhánh của xếp giấy origami bởi tính tỉ mỉ, cẩn thận.
Phạm Anh Cường bỏ lương nghìn USD để làm hoa giấy nghệ thuật. Ảnh: NVCC
Cường chia sẻ, khoảng thời gian học tập tại đây giúp anh nhận ra mô hình hoa giấy của Nhật Bản tuy được ưa chuộng nhưng khó phát triển bởi giá nhân công đắt đỏ, trong khi điều này lại là lợi thế ở Việt Nam. Chính vị giáo sư giảng dạy cũng khuyến khích Cường mang loại hình này về nước để phát triển và kèm theo lời hứa hỗ trợ xuất khẩu ngược vào thị trường Nhật Bản nếu sản phẩm chất lượng.
Đang trong tâm thế hứng khởi nên ngay khi trở về nước, Cường hợp tác với 2 người bạn và bắt tay vào khởi nghiệp ngay với số tiền 10 triệu đồng tiết kiệm từ những buổi sáng nhịn ăn. Tuy nhiên, dự án hoạt động chưa đầy một năm thì xuất hiện nhiều khó khăn do chọn sai hướng phát triển. Thay vì tập trung xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm thì nhóm bạn trẻ ồ ạt mở rộng mạng lưới cửa hàng, chi nhánh dẫn đến quản lý không xuể.
“Nhân lực hạn hẹp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp nhưng cả nhóm không biết lượng sức mình nên thường xuyên mâu thuẫn, ganh tị về công sức đóng góp. Dự án liên tiếp thua lỗ, không gọi được vốn đầu tư nên chúng tôi phải ngậm ngùi dừng lại”, Cường nói.
Thất bại trong lần đầu tiên khởi nghiệp là cú sốc lớn nên Cường quyết định chuyển vào TP HCM để thay đổi môi trường sống và lập nghiệp. Tại đây, anh được nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn rộng cửa chào đón. Đến năm 2013, Cường trở thành giám đốc của một công ty xây dựng với mức lương không dưới 2.000 USD.
Cường tâm sự, những chuyến công tác liên tục và mức lương đáng mơ ước không khiến anh thỏa mãn bởi niềm đam mê với nghệ thuật hoa giấy vẫn âm ỉ. Bỏ mặc tất cả khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, Cường đưa ra quyết định nghỉ việc sau rất nhiều trăn trở để gầy dựng lại công ty của riêng mình với số vốn ban đầu chưa đến 1,5 tỷ đồng.
Những bông hoa giấy chế tác khéo léo trông giống như hoa thật. Ảnh: NVCC
Sau gần 2 năm dành trọn tâm huyết cho quyết định táo bạo của mình, công ty của chàng giám đốc 8X đã vào guồng quay ổn định với doanh thu ước tính trong năm nay đạt khoảng 60 tỷ đồng. Hiện sản phẩm của anh được một số hệ thống siêu thị trong nước chấp nhận và bắt đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản như ước mơ ban đầu. Ngoài thu nhập từ kinh doanh hoa giấy, Cường còn mở thêm các lớp dạy nghề và câu lạc bộ handmade để tăng thêm nguồn thu cho công ty, đồng thời tạo ra nguồn lực nhân công và tận dụng sản phẩm chất lượng của học viên để cung cấp cho thị trường.
Điều khác biệt trong lần trở lại này là không chỉ tập trung vào hoa giấy, Cường còn ấp ủ xây dựng dự án thành một hệ sinh thái nông nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ, kết nối cho nhiều nhóm đối tượng như người nông dân trồng hoa, viện nghiện cứu nông nghiệp, siêu thị, người tiêu dùng… có điều kiện hợp tác cùng nhau.
“Kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ theo phương thức của Uber, Grab đang thực hiện tuy không còn mới lạ, nhưng vì dự án liên quan đến nông nghiệp và nông dân nên mình đánh giá là khá mạo hiểm. Mình mong muốn Flower Farm sẽ chuyển đổi thói quen kinh doanh từ phương thức 'cổ hủ', truyền thống sang một xu hướng mới. Đó là giao thoa giữa nông nghiệp và công nghệ số”, Cường cho biết.
Theo kế hoạch của Cường, dự án hệ sinh thái nông nghiệp sẽ có khoảng 250.000 đơn hàng giao dịch thành công thông qua website và ứng dụng điện thoại vào năm 2018. Dự kiến tại thời điểm đó, công ty sẽ thu hút được 10.000 nông dân trên khắp cả nước đăng ký tham gia làm thành viên và tiếp tục đầu tư vào những mảng mới như trái cây, lúa mạch… Cường cũng không giấu tham vọng đưa công ty lên sàn chứng khoán tiếp sau đó 2 năm và ghi nhận doanh thu trung bình 180 tỷ mỗi năm.
Đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm làm giám đốc thuê và những lần khởi nghiệp thất bại, Cường chia sẻ, một trong những tố chất quan trọng nhất khi khởi nghiệp là tinh thần cầu tiến, dám hành động, nỗ lực không ngừng và chấp nhận lỗi sai để tìm cách khắc phục.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét