Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Tiền tệ Trung Quốc đang yếu đi và có thể còn tiếp tục mất giá, nhưng các chuyên gia ngoại hối không cho rằng Tổng thống đắc cử - Donald Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc và NDT như đã tuyên bố.

"Hiện tại, tôi muốn nói đó chỉ là nghệ thuật hùng biện thôi", Marc Chandler - người đứng đầu nhóm chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman cho biết. Trong chiến dịch tranh cử, Trump kết tội Trung Quốc thao túng tiền tệ để giành lợi thế xuất khẩu, và đe dọa áp thuế 45% lên hàng nhập khẩu từ nước này.

Tuy nhiên, Chandler đã chỉ ra Tổng thống Barack Obama cũng từng nói Trung Quốc thao túng tiền tệ trong chiến dịch tranh cử, nhưng sau đó đã dịu giọng lại. Và đây chỉ là một bằng chứng cho thấy chính trị gia Mỹ vẫn cứng rắn với Trung Quốc, cho đến khi họ nhậm chức.

Hôm qua, NDT đã xuống thấp nhất so với USD kể từ tháng 12/2008, tại 6,8495 NDT đổi một USD. Giới phân tích cho rằng đồng tiền này sẽ còn tiếp tục yếu đi, trong bối cảnh USD mạnh lên trước kỳ vọng tăng lãi suất.

Ông Donald Trump luôn cho rằng Trung Quốc đang thao túng nội tệ. Ảnh: Reuters

Một số nhà phân tích cũng giải thích NDT yếu đi là do Trump kêu gọi áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và gọi nước này là kẻ thao túng tiền tệ. Tuy Dollar Index tuần này đã lên cao nhất một năm, NDT vẫn có diễn biến khá ổn định so với rổ tiền tệ mà giới chức Trung Quốc dùng để so sánh.

Dù vậy, họ vẫn dự báo quỹ đạo chung của NDT sẽ vẫn là yếu đi so với USD. Andres Jaime - chiến lược gia tỷ giá và lãi suất tại Barclays dự báo quý 3 năm tới, 1 USD sẽ đổi được 7,15 NDT. "Mỗi lần USD tăng lên so với đồng tiền nào đó, NDT lại diễn biến y như các tiền tệ mới nổi khác. Còn khi đôla Mỹ bị bán tháo, đồng tiền này lại đứng yên", ông cho biết.

Khi ông Obama bình luận Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ năm 2008, Trung Quốc thời đó được coi là cố tình giữ tiền tệ yếu để hàng xuất khẩu vào Mỹ rẻ hơn, đồng thời đánh bật được hàng sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, tình thế giờ đã thay đổi.

"Giữa những năm 2000, NDT bị định giá thấp. Nhưng giờ thì không", Todd Lee - Giám đốc cấp cao tại hãng nghiên cứu IHS Global Insight nhận xét, dựa trên số liệu thặng dư thương mại Trung Quốc ngày càng giảm và cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

Trung Quốc đã chấm dứt việc neo NDT vào USD năm 2005 và dần dần nới biên độ dao động ngày lên 2% hiện tại. Bên cạnh đó, tháng 8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày dựa trên giá đóng cửa hôm trước, nhằm đưa giá nội tệ sát với diễn biến thị trường hơn.

"Đồng tiền này đang yếu đi với tốc độ khá ổn định. Tôi cho rằng xu hướng này còn tiếp tục cho đến khi tăng trưởng tại Trung Quốc bật lại. Và việc này sẽ xảy ra nếu xuất khẩu hồi phục", Jason Leinwand - CEO kiêm cố vấn tiền tệ tại FirstLine FX cho biết. Ông cũng nghi ngờ khả năng kế hoạch đánh thuế của ông Trump trở thành hiện thực.

Trung Quốc và 5 quốc gia khác đang nằm trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ, theo một báo cáo hồi tháng 10. Tuy nhiên, "Đây không phải là thời điểm thích hợp để khẳng định cơ chế quản lý ngoại hối của Trung Quốc đã vượt giới hạn và trở thành thao túng", Brad Setser - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maurice R. Greenberg tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho biết, "Nếu Trung Quốc phản ứng lại bằng cách chấm dứt tất cả cơ chế quản lý hiện tại - không tỷ giá tham chiếu ngày, không biên độ dao động, không can thiệp, tức là hoàn toàn thả nổi, đồng NDT chắc chắn còn giảm mạnh nữa".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét