Các hãng sản xuất xe hàng đầu thế giới đang đứng trước mối lo ngại giảm doanh số tại các thị trường mới nổi trước sự lan tỏa nhanh chóng của các ứng dụng đi chung xe.
Mới đây, ứng dụng đi chung xe Grab cho biết hãng sản xuất xe máy lớn nhất thế giới của Nhật Bản Honda Motor đã đầu tư vào công ty này, qua đợt huy động vốn trị giá 750 triệu USD đã công bố trước đó.
Đối mặt với áp lực của việc phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới, quyết định mới đây của Honda khi rót tiền vào Grab được coi là động thái không mấy bất ngờ. Thực tế, khi nhận thấy nguy cơ từ những ứng dụng công nghệ như Grab và Uber, các hãng sản xuất xe lớn trên thế giới cũng liên tục đổ tiền để đầu tư vào những dịch vụ tương tự.
Một đối thủ tại Nhật Bản của Honda là Toyota vào đầu năm 2016 cũng đã thiết lập thỏa thuận hợp tác với Uber. Trong khi các nhà sản xuất xe của Đức đã thực hiện rót vốn vào các ứng dụng chia sẻ xe đang thịnh hành tại châu Âu như Gett và Lyft.
Việc đầu tư vào Grab của Honda liệu có trở thành lời giải cho bài toán tăng trưởng.
Honda là hãng sản xuất xe máy lớn nhất thế giới với thị trường chính tập trung tại các quốc gia thuộc khu vực thị trường mới nổi (emerging markets). Theo số liệu được tờ Nikkei Asian Review đưa ra, Honda giữ thị phần 79% tại thị trường Thái Lan, 70% tại thị trường Việt Nam và 69% tại thị trường Indonesia.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng công nghệ chia sẻ và đi chung xe trong vòng vài năm trở lại, tiêu biểu là hai ứng dụng Grab và Uber, đã khiến đế chế sản xuất xe máy hàng đầu thế giới đứng trước mối lo ngại về việc thu hẹp quy mô hoạt động.
Kể từ khi các ứng dụng này bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến trong 2 năm trở lại đây, số lượng xe máy tiêu thụ toàn cầu của Honda đã liên tục sụt giảm. Kết thúc năm tài chính 2015, số xe máy bán ra của Honda đã giảm 3% xuống 17,1 đơn vị và sau đó xuống còn 17,05 triệu xe khi kết thúc năm tài chính 2016.
Các dịch vụ đi chung xe đối với xe máy đã phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt tại các quốc gia sử dụng phương tiện di chuyển phổ biến là loại hình này. Đây đồng thời cũng là những thị trường tiêu thụ chính của Honda.
Với việc di chuyển thông qua các ứng dụng công nghệ trở nên thuận tiện với mức giá rẻ hơn, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng tại các thị trường này dần thay đổi từ việc bắt buộc phải sở hữu phương tiện sang di chuyển thông qua các dịch vụ.
Các hãng sản xuất xe lớn trên thế giới liên tục đổ tiền vào các ứng dụng công nghệ đi chung và chia sẻ xe.
Theo đánh giá của giới phân tích, với việc hợp tác cùng Grab, điều mà Honda mong đợi là việc sử dụng các thông tin như dữ liệu khách hàng để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề mà hãng sản xuất truyền thống đang gặp phải khi đối mặt với những ứng dụng công nghệ dần thay đổi cách thức tiêu dùng của khách hàng.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Nikkei Asian Review, Honda cũng lên kế hoạch cung cấp sản phẩm xe máy thân thiện với môi trường để phát triển dịch vụ của Grab.
Ứng dụng kết nối xe hơi riêng, xe máy, taxi và xe đi chung tại 6 quốc gia và 31 thành phố ở Đông Nam Á của Grab hiện có hơn 1,5 triệu lượt đặt mỗi ngày. Và đây sẽ là cơ hội cho Honda để khai thác dữ liệu khách hàng cũng như việc xây dựng nên các sản phẩm, dịch vụ mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét