Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

500 bàn ở cấp CLB, 32 danh hiệu - trong đó có bốn Quả Bóng Vàng, chặng đường sự nghiệp của Ronaldo là quá trình tiến lên không ngừng nghỉ. Bởi vậy, dù yêu hay ghét, ý chí của anh xứng đáng được tôn vinh.

Chỉ vài ngày sau khi cầm trên tay Quả Bóng Vàng thứ tư trong sự nghiệp, Cristiano Ronaldo lại chạm đến một cột mốc mới: 500 bàn ở cấp CLB. Và siêu sao 31 tuổi này cũng tuyên bố anh đến Nhật Bản không phải để du lịch, mà để trở về cùng với chiếc Cup vô địch thế giới cấp CLB - FIFA Club World Cup.

Trong 500 bàn mà Ronaldo ghi được từ đầu sự nghiệp, có năm bàn cho Sporting Lisbon, 118 bàn ở Man Utd và 377 bàn trong màu áo Real Madrid. Thời gian thi đấu cho Real nhiều hơn Man Utd chỉ một năm, nhưng số bàn anh ghi nhiều gấp ba.

500 bàn thắng ở cấp CLB là con số ấn tượng với một cầu thủ khởi nghiệp ở vị trí chạy cánh như Ronaldo.

Sau khi ghi bàn vào lưới Club America để đưa Real vào chung kết FIFA Club World Cup hôm qua 15/12, Ronaldo lại chia vui theo cách quen thuộc. Nhiều người thường chỉ trích cái cách mừng bàn thắng ấy của Ronaldo, như thể đấy là bàn quyết định trong một trận chung kết World Cup vậy. Nhưng thực ra, Ronaldo mừng mọi bàn thắng như nhau. Anh cảm xúc với một quả phạt đền cũng như một siêu phẩm. Anh luôn dang rộng hai chân, vung hai tay ra như các nhân vật "Siêu Saiyan" trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Bảy viên ngọc rồng" bất kể đấy là pha làm bàn ở Champions League hay Cup Nhà Vua, vào lưới Barcelona hay Granada. Khi được hỏi thích bàn nào nhất trong sự nghiệp, Ronaldo từng nói: "Đó là một bàn trong... tương lai".

Ở tuổi 31, cái động lực không ngừng ấy khiến Ronaldo trở nên vĩ đại. Anh còn thiếu gì đâu? Bốn Quả Bóng Vàng, một chức vô địch Euro, ba lần lên ngôi ở Champions League và rất nhiều danh hiệu khác. Ronaldo ghi bàn ở Champions League nhiều hơn bất kỳ ai. Anh là chân sút số một trong lịch sử Real - vượt qua những tượng đài sừng sững như Raul Gonzalez hay Alfredo di Stefano dù thời gian thi đấu của họ ở Madrid nhiều hơn. Cuộc sống ngoài đời của anh cũng viên mãn. Anh có người mẹ hết lòng bảo vệ mình... thay vì mượn tiền, có một đứa con thông minh và những cô người yêu mà nhiều người ao ước. Nhưng anh như một chiếc đầu tàu, luôn hướng về phía trước, để đồng thời kéo cả đội bóng cùng theo.

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva từng nói: "Đó là một vận động viên tầm vóc quốc tế trước khi trở thành một biểu tượng quốc gia". Khó có sự vinh danh nào hơn thế. Ở Bồ Đào Nha, không phải ai cũng yêu mến Ronaldo. Nhưng ai cũng phải thừa nhận giá trị biểu tượng của anh. Ronaldo mang đến niềm vui, hy vọng cho một quốc gia đang vật lộn vì khủng hoảng tài chính. Và anh là động lực của một Bồ Đào Nha vừa giành chức vô địch Euro lần đầu tiên trong lịch sử, điều mà những huyền thoại trước kia như Eusebio, Luis Figo không làm được.

Ronaldo là biểu tượng của một Bồ Đào Nha vượt khó đi đến ngôi vô địch Euro 2016.

Quả Bóng Vàng thứ tư của Ronaldo đến trong một năm mà anh thậm chí còn chưa phải là cầu thủ hay nhất của Real (theo giới chuyên môn, người đó là Gareth Bale). Anh thậm chí không ghi bàn nhiều hơn Luis Suarez. Nhưng với chiếc đầu gối quấn băng đứng bên đường pitch của trận chung kết Euro 2016, gào thét bên cạnh HLV Fernando Santos, Ronaldo khiến những CĐV yêu anh phải tan chảy và những người ghét anh phải suy nghĩ lại. Nani nói: "Trước đó, Ronaldo còn đứng dậy không nổi. Nhưng anh ấy đã bước ra cùng chúng tôi chứ không chịu ngồi trong phòng thay quần áo. Ronaldo có tinh thần của một chiến binh".

Ronaldo chưa bao giờ được yêu mến như Lionel Messi. Số người ghét anh đông không kém người yêu mến anh. "Tôi ghét Ronaldo" từng là một trong những cụm từ được nhiều người tìm kiếm nhất trên Google năm 2007. Ngày ấy, tờ báo có lượng xuất bản hàng đầu nước Anh The Sun viết: "Ở tuổi 22, Ronaldo đã trở thành một trong những VĐV đáng ghét nhất thế giới thể thao, thậm chí là từ xưa đến nay".

Tuy nhiên, Ronaldo từng nói một câu nổi tiếng: "Sự yêu thương giúp tôi giỏi giang. Sự căm ghét giúp tôi không thể bị đánh bại". Từ bé anh đã phải gồng mình, vì một quá khứ thiếu thốn tình thương của cha. Anh rời quê nhà Madeira để lên Lisbon, rồi sang Man Utd và sau đó là Real. Đó là một hành trình lên đời nếu nhìn từ ngoài, nhưng đằng sau đó là cuộc chiến đấu dai dẳng của một chàng trai từ quê ra tỉnh, từ tỉnh lên thành phố và cuối cùng là đứng giữa lòng kinh đô bóng đá thế giới. Ở đâu, người ta cũng hoài nghi anh và chờ anh thất bại. Thế là Ronaldo phải gồng lên, như cái động tác mừng bàn thắng quen thuộc hiện tại. Anh gồng với cả thế giới, anh gồng trên sân tập, trên sân cỏ và có thể là với chính bản thân ở trước gương.

Vì sống quá lâu trong sự cô đơn, Ronaldo rất yêu bản thân. Trên tờ Guardian, nhà báo Daniel Taylor từng viết: "Thật khó mà không tự đặt câu hỏi: khi làm tình, Ronaldo có hô tên anh ta hay không".

Ronaldo yêu bản thân, vì điều đó tạo cho anh thêm động lực để tiến về phía trước, chống chọi 
với ác cảm từ người đời về xuất thân hèn khó.

Ronaldo từng là một đứa trẻ không được mong muốn. Mẹ anh từng định phá thai vì sợ không đủ tiền nuôi nấng. Bố anh nghiện rượu, là một nạn nhân của chiến tranh, và qua đời khi anh vừa 19 tuổi. Chàng trai có người mẹ đi giặt đồ mướn và bố làm vườn thuê đã tìm đến bóng đá để quên đi thực tại. Và như để mọi người đừng nhìn vào cái quá khứ ấy, anh cố phủ lên mình một vẻ ngoài kiêu ngạo. Nhưng sự kiêu ngạo ấy đã dẫn lối cho Ronaldo thoát ra khỏi Madeira để đến với những miền đất hứa.

Lịch sử thể thao không hiếm những con người có niềm tin tuyệt đối vào bản thân. "Tôi không nghĩ có gì sai khi nói mình rất đặc biệt" là lời của Muhammad Ali. "Tôi không nghĩ sẽ có Pele thứ hai trên đời. Vì bố mẹ tôi đã đóng máy đẻ em bé lại rồi" là câu nói của Pele. Trước khi Ronaldo đến Old Trafford, còn ai kiêu bạc hơn Eric Cantona. "Trong bóng đá tôi không có nhiều bạn", Ronaldo tâm sự. "Người tôi thật sự tin càng ít. Hầu hết thời gian tôi đều chỉ có một mình. Tôi tự xem mình là người cô đơn".

Tuy nhiên, những người ở gần Ronaldo đủ lâu sẽ có cách nhìn khác về anh. "Anh ta không ngạo mạn đâu", Patrice Evra nói. "Đó là cầu thủ chuyên nghiệp nhất mà tôi từng biết. Anh ta luôn đi đầu trong mọi việc".

Thành công của Ronaldo giống như phần nổi trên mặt nước của tảng băng trôi. Còn những thứ ẩn phía dưới chính là hàng nghìn giờ tập luyện, những cơn đau hành hạ, những đau khổ vì phải hy sinh thú vui cá nhân. Một trong những thành viên trong Ban huấn luyện Man Utd ngày trước, Mike Clegg, kể lại: "Ronaldo là một viên ngọc thô chỉ tỏa sáng sau hàng nghìn giờ mài giũa. Cậu ấy đến phòng gym từ sớm, tập một mình trước, rồi mới vào sân tập cùng đồng đội. Sau buổi tập, cậu ấy lại vào phòng gym và làm thêm những bài tập chân. Rồi cậu ấy về nhà, ăn thức ăn dinh dưỡng, bơi lội, đi ngủ. Tôi nghĩ, khi ngủ Ronaldo cũng mơ thấy mình đang chơi bóng. Rồi cậu ấy trở lại sân tập sáng ngày hôm sau. Điều này lặp đi lặp lại suốt sáu năm cậu ấy ở đây".

Khát vọng giúp Ronaldo có động lực để khổ luyện, vượt qua mọi trở ngại nhằm đạt được mục đích.

Ronaldo kiêu hãnh, nhưng chưa bao giờ ngưng học hỏi. Để đạt được hiệu suất ghi bàn gấp ba thời còn ở Man Utd, anh đã học rất nhiều, cả từ các HLV xuất chúng lẫn những đoạn băng ghi hình. Vì sau khi trở thành cầu thủ hay nhất thế giới, anh còn muốn trở thành người hay nhất mọi thời đại. Trong chúng ta, ai cũng ước muốn trở thành một nhân vật tuyệt đỉnh, nhưng không ít người lại dễ dàng chỉ trích những kẻ dám nói ra mơ ước ấy.

"Có gì xấu đâu khi mơ vậy", Ronaldo bộc bạch. "Tôi sẽ làm mọi cách để trở thành người giỏi nhất, bởi tôi biết mình có thể làm được. Tôi không phải là người khiêm tốn, nhưng tôi thích học hỏi. Tôi không ngại người ta ghét mình, nó thúc đẩy tôi. Ở mọi sân khách tôi đi qua, họ đều chửi tôi. Nhưng không sao cả".

Tất cả những gì Ronaldo đề ra trong đời, anh đều đã đạt được. Chiếc Giày Vàng, Quả Bóng Vàng, Champions League và những cột mốc vĩ đại như 500 bàn ở cấp độ CLB. Sắp tới nhiều khả năng là World Cup các CLB. Anh sẽ lại cười rõ tươi, hoặc vui mừng quá lố khi ghi bàn trong trận chung kết. Nhưng rồi anh sẽ quên rất nhanh để lại lao ngay vào phòng tập sau đó. Trong suốt cuộc đời, Ronaldo chưa một lần biết quay đầu lại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét