Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Một loại nhựa mới thân thiện hơn và mang đủ mọi ưu điểm của nhựa hiện nay sắp ra đời.





Dù đã rất cố gắng, nhưng có vẻ như lượng rác thải của con người mỗi năm vẫn không có xu hướng giảm đi.



Dĩ nhiên, muốn giảm được rác thì con người cần ngưng xả rác. Có điều, nhiều người dường như không nắm tầm nghiêm trọng của vấn đề này, và họ vẫn liên tục vứt mọi thứ ra đường mà chẳng cần lo nghĩ gì.



Rác nhựa vẫn liên tục xuất hiện, chẳng có xu hướng giảm chút nào



Vậy nên, một nhóm chuyên gia người Anh đã nghĩ ra một giải pháp cực kỳ tuyệt diệu. Họ tạo ra một loại nhựa mới được làm từ... rơm, và nó sẽ là một bước đột phá dành cho nhân loại.


Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Warwick và ĐH York (Anh) đã chỉnh sửa lại một số gene có trong rơm, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi xử lý thực vật thành nhựa sinh học. Và tuyệt vời ở chỗ, nhựa sinh học có thể bị phân hủy một cách dễ dàng.


Theo tính toán, chỉ cần 5% lượng rơm hàng năm, hoặc 3% lượng bã mía sau sử dụng, chúng ta có thể sản xuất hàng tỷ chai nhựa rồi (chính xác là 17 tỷ chai).


Được biết, nhựa sinh học sẽ được làm từ phần lignin (hay chất gỗ) - loại vật liệu tự nhiên giúp nâng đỡ thân cây. Quá trình còn lại liên quan đến chưng cất đường để hoàn thiện nhựa, thay vì dùng dầu hỏa như bình thường. Và kết quả, ta được một loại nhựa mới vừa bền, lại có tốc độ phân hủy cực kỳ nhanh chóng.


Theo tiến sĩ Tim Bugg - giáo sư sinh hóa tại ĐH Warwick, thì loại nhựa sinh học này sẽ được làm từ rơm lúa mì. Ông tin rằng công nghệ sẽ cho phép chúng ta sản xuất chúng hàng loạt trong vòng 5 năm tới.


"Điểm thú vị là loại nhựa này được làm từ chất gỗ. Và chỉ 10 - 15 năm trước kia, con người đã cho rằng đây là chuyện không tưởng."


"Chất gỗ là thứ nguyên liệu lý tưởng, vì nó được tìm thấy ngay trong rơm rạ, đồng thời là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất giấy."





Nếu như tạo ra được một loại nhựa có đầy đủ các tính chất cần thiết: bền, chắc, lại phân hủy nhanh, đó hẳn là một nguồn lợi cực kỳ to lớn cho cả các doanh nghiệp, và môi trường xung quanh.


Mẫu thiết kế hiện đang nằm trong tay các chuyên gia từ ĐH Warwick. Họ đã chỉnh sửa gene của một loại khuẩn mang tên Rhodococcus jostii. Nghe "oách" vậy thôi, thực ra đó là loài vi khuẩn đang sinh sống dưới đất, có nhiệm vụ phân hủy chất gỗ.


Sau một thời gian "tí toáy" vào bộ gene, khoa học đã tạo ra một thế hệ vi khuẩn mới, có khả năng phân hủy nhựa sinh học ở một tốc độ nhanh hơn.


"Khoảng 50 ngàn tấn chai nhựa PEF (viết tắt của nhựa sinh học) là đủ để thay thế 50% toàn bộ các loại chai nước hiện tại có mặt trên nước Anh" - trích lời giáo sư Simon McQueen-Mason từ ĐH York. Ông cho rằng phát minh này sẽ tạo ra một thế hệ nhựa mới, thay thế hoàn toàn lớp nhựa cũ hiện nay.


Có vẻ như tương lai không còn rác nhựa sẽ sớm thành hiện thực. Hy vọng vậy!


Tham khảo: Daily Mail

0 nhận xét:

Đăng nhận xét