Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Người Do Thái cũng làm vô số các nghề khác, như quản lý sổ sách, làm đồng hồ, làm xì gà và làm thiếc, tất cả đều trở thành một phần của nền kinh tế Do Thái riêng biệt và đang lớn mạnh.






Đầu thế kỷ 20, Người Do Thái nhập cư tiếp tục đổ vào thành phố New York, Chicago cùng các các khu dân cư Do thái ở Philadelphia và Boston. Vào thời đó, rất nhiều người Do Thái Đông Âu đến Mỹ, ngành may mặc đang mở rộng nhanh chóng và thành phố New York là trung tâm của sự phát triển này. Đến năm 1910, New York sản xuất đến 70% quần áo phụ nữ và 40% quần áo nam giới cho toàn nước Mỹ, tạo ra rất nhiều việc làm cho những người Do Thái mới nhập cư.


Vào đầu năm 1890, gần 80% ngành may mặc ở New York tập trung ở khu Phố 14 trở xuống, và hơn 90% nhà máy thuộc sở hữu của người Đức Do Thái. Vì thế, vùng Hạ New York trở thành nơi thu hút rất đông người Đông Âu trong giai đoạn di cư ồ ạt này. Những người mới đến bị hấp dẫn bởi công việc và các ông chủ người Do Thái vì họ có thể tạo ra một môi trường quen thuộc cũng như cơ hội được nghỉ ngày lễ Sabbath. Đến 1897, khoảng 60% lực lượng lao động Do Thái ở New York làm việc trong ngành may mặc, và 75% nhân công của ngành này là người Do thái.


Trong nội bộ ngành này ở Mỹ lúc đó có 3 phương thức và 3 trung tâm sản xuất. Phương thức lâu đời nhất là hệ thống gia đình, vốn chịu ảnh hưởng của người Ireland và người Đức vào giữa thế kỷ 19. Công việc được chia cho các thành viên trong gia đình và được làm tại nhà.


Vào những năm 1870, việc làm tại nhà hoặc gia công bên ngoài thoái trào khi các nhà máy – phương thức sản xuất thứ 2 – dần xuất hiện. Nhưng với sự có mặt của người Do Thái Đông Âu, phương thức sản xuất thứ 3 xuất hiện, đó là làm theo hợp đồng, và các công xưởng ra đời, một biến thể của hệ thống gia đình.




Lực lượng lao động có tay nghề cao

Các công nhân Do Thái lành nghề và bán lành nghề (được đào tạo chút ít), từ quê nhà đang ngày một công nghiệp hóa, tiếp tục đến Mỹ khi bước sang thế kỷ 20. Gần 67% người Do Thái nhập cư cập bến nước Mỹ trong khoảng từ 1899 đến 1914 đều sở hữu các kỹ năng công nghiệp – một tỷ lệ cao hơn nhiều so với bất kỳ nhóm dân từ một quốc gia nào khác. Nhờ có họ, nhu cầu mở rộng thương mại may mặc ở New York mới được đáp ứng.


Vào năm 1880, chỉ có 10% nhà máy quần áo của Mỹ nằm ở New York; đến năm 1910 con số này đã tăng lên đến 47%, và người Do thái chiếm đến 80% nhân công làm mũ, 75% nhân công thuộc da, 68% thợ may và 60% người may trang phục cho nữ.


Người Do Thái cũng làm vô số các nghề khác, như quản lý sổ sách, làm đồng hồ, làm xì gà và làm thiếc, tất cả đều trở thành một phần của nền kinh tế Do Thái riêng biệt và đang lớn mạnh. Người ta ước tính chỉ có khoảng 1/3 những người chủ gia đình giữ lại nghề truyền thống vốn có ở Đông Âu. Nhưng điều đáng chú ý là gần 2,4% người Do thái đều bỏ việc ở nhà máy và tự làm riêng ngay khi có cơ hội. Có lẽ đó cũng là một bí quyết giúp họ thành công và nhanh chóng trở thành những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ sau này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét