Người Latvia thường tự ti về khuynh hướng sống nội tâm của họ, nhưng liệu có phải tính cách này chính là chìa khóa cho bản sắc sáng tạo của người dân quốc gia châu Âu này hay không?
#IAMINTROVERT (Tôi là người hướng nội) là một chiến dịch văn học ở Latvia để tôn vinh cũng như chế giễu một cách trìu mến sự dè dặt trong giao tiếp xã hội của người dân quốc gia này. Anete Konste, một nhà báo và nhà văn Latvia người đã nghĩ ra chiến dịch này, coi hướng nội là đặc trưng rất tiêu biểu của quê hương mình.
Cô cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chiến dịch của chúng tôi cường điệu hóa một chút nào. Trong thực tế nó thậm chí còn tồi tệ hơn!”
Theo lời kể của Christine Ro, một nhà báo của BBC, ngày đầu tiên cô đi bộ trong Riga, thủ đô của Latvia, không giống như đi bộ trong thủ đô của bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Bầu không khí thanh bình hơn. Khi Ro đi dạo về phía công viên Kronvalda, tiếng ồn duy nhất là những chiếc ô tô đi ngang qua và những du khách đang trò chuyện. Ngược lại, khi những người Latvia đi bộ với nhau, họ thường im lặng và tạo khoảng cách với người bên cạnh.
Những người Latvia thường tự ti về khuynh hướng sống hướng nội trong văn hóa của họ. Có vô số bằng chứng cho điều này, từ một khu vực ở thủ đô Riga với tên gọi Zolitūde (Nơi tĩnh mịch) cho đến nhiều thói quen ăn sâu vào tiềm thức như không mỉm cười với người lạ. Thậm chí, một số người Latvia sẽ sang đường chỉ để tránh đi qua một người khác.
Tuy nhiên, ngại chuyện phiếm không đồng nghĩa với việc người Lavia lạnh lùng. Dù không phải là những người thích tán gẫu, nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ những du khách gặp khó khăn với việc tìm đường.
Nhưng tại sao người Latvia thường sống nội tâm, ít nhất là lúc đầu mới gặp gỡ?
Thứ nhất, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự sáng tạo và sở thích sống một mình. Bản thân cũng là một người nghệ sĩ, Konste tin rằng hướng nội đặc biệt phổ biến với những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo như nhà văn, nghệ sĩ và kiến trúc sư.
Trong khi đó, các nhà tâm lý học Latvia cho rằng sáng tạo là yếu tố quan trọng đối với bản sắc của người dân quốc gia này. Nó quan trọng đến mức sáng tạo trở thanh một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế và giáo dục của chính phủ Latvia. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, Latvia sở hữu một trong những thị phần lao động sáng tạo cao nhất trong Liên minh châu Âu.
Thứ hai, Justīne Vernera, một dịch giả và nhà báo tự do người Latvia, giải thích: “Ở Latvia, không duy trì được một cuộc trò chuyện không bị coi là một điều thô lỗ hay vụng về. Tán gẫu liên tục, thay vì thỉnh thoảng giữ im lặng, bị coi là kiêu ngạo.”
Thêm vào đó, người Latvia là một dân tộc không thuần nhất. Hầu hết người dân ở quốc gia này là người Nga và còn là các nhóm dân tộc thiểu số với mức độ hội nhập ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ngoài ra, ở Latvia tồn tại sự khác biệt về thế hệ giữa những người lớn lên trong chủ nghĩa cộng sản khi đất nước này còn là một phần của Liên Xô và một thế hệ trẻ được nuôi dạy trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thế giới. Do đó, người Latvia không dễ dàng bắt chuyện với nhau như những người dân ở các quốc gia khác.
Một trong những lý do quan trọng nhất giải thích lối sống hướng nội của người Latvia là đặc điểm địa lý của quốc gia này, đặc biệt là mật độ dân số thấp và các khu rừng rậm rạp.
Theo Evelina Ozola, một kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị, chỉ đơn giản là người Latvia không quen với việc nhìn thấy nhiều người xung quanh họ. Phải chờ đợi bàn trống tại một nhà hàng hay ngồi quá gần với một người khác khi ăn là một điều khác bất thường tại Latvia. Quốc gia này có đủ không gian để người dân có thể giữ khoảng cách với những người khác.
Kể cả những người dân đô thị ở Lavia cũng có một tình yêu thiên nhiên sâu sắc, họ thường nghỉ xả hơi tại các vùng quê. Nhà vườn – một khu phức hợp nông thôn độc lập, tự cung tự cấp thường được làm bằng gỗ là một hình ảnh được lãng mạn hóa trong văn hóa Latvia. Nó nằm trong danh mục 99 đồ vật và nhân vật quan trọng nhất đối với người Latvia.
Tuy loại hình này đã biến mất dần trong thế kỷ 20 khi chính quyền Liên Xô thúc đẩy quá trình tập thể hóa, hình ảnh nhà vườn vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của Latvia. Vernena cũng đồng tình rằng tự túc (tư duy xuất phát từ tình yêu với nhà vườn) vẫn là một phần trong bản sắc của Latvia: “Chúng tôi không tụ tập ở quán cà phê vào ban ngày, chúng tôi không tiếp cận những người lạ trên phố.”
Mặc dù là một trong những quốc gia thưa thớt nhất châu Âu, gần 2/3 người dân Latvia sống trong các tòa nhà chung cư ở các trung tâm đô thị. Theo Eurostat, đây là một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu. Đồng thời, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty bất động sản Ektornet cho biết hơn 2/3 người Latvia muốn sống trong các ngôi nhà riêng, tách biệt. Ozola đoán rằng mong muốn được sống ở nhà riêng nhưng lại chỉ sở hữu các căn hộ chật hẹp trong các khu chung cư đã góp phần giải thích tại sao không gian cá nhân lại quan trọng với người Latvia.
Đối với du khách và những người mới đến Latvia, Vernera có một số lời khuyên: “Tôi chỉ khuyên bất cứ người nước ngoài nào không nên sợ sự im lặng ban đầu. Một khi họ tìm hiểu người Latvia và sau một khoảng thời gian nhất định, chúng tôi sẽ thực sự là những người bạn tốt. Chúng tôi không phải là một quốc gia giả tạo, nên chúng tôi khá thẳng thắn. Chúng tôi không nói với bất cứ ai rằng chúng tôi thích họ, vì vậy nếu một người Latvia nói rằng anh/cô ấy thích bạn, điều đó là sự thật.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét