Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Không chỉ ngại cưới, giới trẻ Hàn ngày nay còn không thèm hẹn hò, nhất là với phụ nữ khi chồng con trở thành của nợ hơn là hạnh phúc.


Đối với những người trẻ độc thân tại Hàn Quốc, năm mới luôn là một nỗi lo khi thường xuyên bị bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp hỏi: "Bao giờ thì bạn cưới?". Có thể nói những khó khăn về sự nghiệp, kinh tế đã khiến quan điểm về hôn nhân, tình dục tại quốc gia này thay đổi ngày càng mạnh mẽ so với trước đây.

"Bố mẹ tôi thường gây áp lực về vấn đề lập gia đình mỗi khi tôi thăm họ. Họ ban đầu nói đùa để rồi cuối cùng bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc trò chuyện nghiêm túc về việc bao giờ tôi sẽ cưới", một phụ nữ Hàn 34 tuổi tại Seoul nói với tờ SCMP.

Tương tự, một phụ nữ 32 tuổi tại Seoul cho biết cô thường nhận được những câu hỏi như bao giờ lấy chồng, ngay cả từ những người mới gặp lần đầu. Đối với người lớn tuổi, việc hỏi bao giờ kết hôn không khác một lời chào xã giao là mấy nhưng giới trẻ Hàn ngày nay lại thấy câu hỏi đó bất lịch sự và không cần thiết.

Trớ trêu thay, số liệu lại cho thấy không chỉ tỷ lệ kết hôn đi xuống mà giới trẻ Hàn Quốc ngày nay còn chẳng thèm hẹn hò. Khảo sát của Viện hôn nhân xã hội Hàn Quốc (KIHS) cho thấy tính đến năm 2012, thời điểm số liệu chính thức mới nhất được cập nhật, Hàn Quốc có chưa đến 40% số người trong độ tuổi 20-44 đang hẹn hò. Tỷ lệ số bạn trẻ kết hôn thậm chí còn thấp hơn nữa.




Báo cáo năm 2015 của tờ Korea Herald cũng cho thấy 90% nam giới và 77% nữ giới trong độ tuổi 25-29 của Hàn Quốc chưa kết hôn. Đối với những người trong độ tuổi 30-35, tỷ lệ này là 56% và giảm xuống 33% đối với những người trong độ tuổi 40-45. So sánh với quốc gia có dân số thuộc hàng già nhất thế giới là Nhật Bản, Hàn Quốc có số người chưa kết hôn cao hơn hẳn.

Số liệu chính thức của Nhật Bản năm 2015 cho thấy chỉ có 23% số nam giới dưới 50 tuổi chưa kết hôn và tỷ lệ này chỉ là 14% đối với nữ.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện cũng đã xuống mức thấp nhất thế giới với 0,95 trẻ sơ sinh trên mỗi phụ nữ tính đến cuối năm 2018. Nghĩa là cứ 100 phụ nữ thì chỉ có 95 trẻ được sinh ra. Theo lý thuyết, để giữ được cấu trúc dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần phải đạt mức 2,1 trẻ mỗi phụ nữ.

Vào thời kỳ đầu thập niên 1970, Hàn Quốc có gần 1 triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm. Tuy nhiên đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 357.700 trẻ.

Nếu đà này tiếp diễn, Hàn Quốc đến năm 2030 sẽ có 1/3 dân số là người già trên 65 tuổi. Thách thức này có thể khiến Hàn Quốc rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực cũng như đè nặng trách nhiệm tài chính, y tế lên vai những người trẻ.

"Thiếu hụt nguồn nhân lực có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Số lượng lớn người cao tuổi đồng nghĩa chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn cho an sinh xã hội, lương hưu và người trẻ sẽ phải trả thêm thuế để bù ngân sách", Giám đốc Kang Sung Jin của Viện phát triển bền vững Hàn Quốc (ISD) nhận định.

Thách thức của Hàn Quốc hiện nay tương tự như những gì Nhật Bản, Đức hay Italy đã và đang gặp phải khi 1/5 dân số của họ là trên 65 tuổi. Quả bom lão hóa này đang đe dọa đất nước nhưng có vẻ giới trẻ Hàn chẳng quan tâm mấy khi họ còn đang phải vật lộn với khó khăn tìm việc làm, thu nhập thấp và nền kinh tế tăng trưởng chậm.



Người Hàn tốn nhiều thời gian làm việc hơn nhiều nước phát triển khác (giờ/năm)



Dân số Hàn đang lão hóa nhanh chóng

Cưới làm chi khi vợ không khác gì nô lệ?

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tại một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,4%, mức cao nhất trong 17 năm qua còn mức lương bình quân năm 2017 chỉ đạt 35,5 triệu Won/năm (31.650 USD), chỉ bằng một nửa so với Mỹ (60.558 USD), việc cưới xin và có con được coi là những chi tiêu quá lãng phí.

Khảo sát năm 2013 cho thấy các cặp đôi Hàn Quốc chi bình quân 90.000 USD cho việc cưới xin, một con số quá lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Không riêng gì những khó khăn về tài chính, những thách thức phức tạp trong quan hệ xã hội cũng khiến giới trẻ ngày nay dị ứng với cưới xin hay thậm chí là hẹn hò. Một phụ nữ Australia làm dâu tại Hàn Quốc nói với SCMP rằng hôn nhân tại đây có khá nhiều điểm tương đồng với một cuộc mua bán tài sản hoặc địa vị xã hội.

Cô cho biết nếu gia đình nhà trai có vai vế trong xã hội hoặc giàu có, họ muốn nhà gái phải thanh toán tiền quà cưới hay có đóng góp lớn về tài sản, giống như một kiểu lệ phí để được gia nhập tầng lớp thượng lưu ở Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, văn hóa làm việc quá tải cũng khiến giới trẻ Hàn ngày nay ngại kết hôn và cũng chẳng có thời gian mà hẹn hò. Số liệu của OECD năm 2017 cho thấy bình quân mỗi người Hàn làm việc nhiều hơn 250 tiếng so với lao động Mỹ và nhiều hơn 424 tiếng so với đồng nghiệp Đức. Khảo sát năm 2018 của trang việc làm trực tuyến nổi tiếng Job Korea và Albamon cũng cho thấy 68,3% số bạn trẻ Hàn chú ý vào sự nghiệp để sau này có thể lấy vợ hơn là để ý chuyện hẹn hò từ sớm.


Hai thiếu nữ bên sông Hàn-Seoul

Chính phủ Hàn Quốc nhận thức được sự nguy hiểm của vấn đề khi kể từ năm 2005 đã tiêu tốn tới 36 nghìn tỷ Won (32,1 tỷ USD) trợ cấp cho các gia đình có em bé. Ngoài khoản hỗ trợ 300.000 Won (268 USD)/tháng cho mỗi trẻ, chính quyền Seoul còn có hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác cho các cặp vợ chồng trẻ.

Dự kiến đến tháng 7/2019, Hàn Quốc sẽ ban hành thêm một loạt các chính sách hỗ trợ mới như mở rộng thời hạn nghỉ chăm con lên 2 năm cho cả bố lẫn mẹ. Trong thời gian nghỉ chăm con, cha mẹ sẽ được hưởng 80% mức lương thông thường nhưng không được vượt quá 1,5 triệu Won (1.338 USD)/tháng.

Dẫu vậy, Giám đốc Kang của Viện ISD cho rằng giới trẻ không mặn mà mấy với những hỗ trợ này khi các khoản chi phí cưới xin và chăm con vẫn tốn kém hơn quá nhiều trong khi thị trường việc làm lại đang khó khăn.

Ngoài những yếu tố về chi phí và địa vị xã hội, phụ nữ Hàn Quốc ngày nay không muốn mất vị thế cũng là một nguyên nhân. Tư tưởng trọng nam khinh nữ hiện vẫn ăn quá sâu trong xã hội Hàn và nhiều nữ giới không muốn mất sự nghiệp lẫn địa vị của mình chỉ vì kết hôn.

"Ngày nay, nhiều phụ nữ thậm chí thẳng thừng tuyên bố kế hoạch làm mẹ đơn thân hơn là phải cưới chồng và ở nhà nuôi con", một phụ nữ Hàn 32 tuổi tại Seoul nói.

"Mỗi một phụ nữ Hàn khi bị đẩy khỏi vị trí trong xã hội khi kết hôn và phải ở nhà nuôi con, họ lại làm tấm gương cho những phụ nữ trẻ về việc không nên lấy chồng sớm. Nếu Hàn Quốc muốn sinh nhiều con hơn, họ cần phải thay đổi quan niệm phân biệt đối xử này", Giáo sư Shin Gi Wook của trường đại học Stanford nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét