Sống trong một gia đình có thiên hướng nghệ thuật, có vợ và con là họa sĩ, ông Võ Ngọc Hùng (trú tại phường Kim Long, TP. Huế) rất đam mê sáng tạo ra những sản phẩm cách tân từ những sản phẩm truyền thống. Ông cũng chính là người nghĩ ra và làm ra những chiếc nón lá trong suốt từ lá bàng rừng.
Xuất phát từ việc tìm tòi các clip về sự sáng tạo trên Youtube, ông Võ Ngọc Hùng thấy những người làm nón từ lá sen. Lúc này, ông Hùng bắt đầu manh nha ý tưởng sẽ làm nên một sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu. Nghĩ là làm, ông bắt đầu thử làm nón lá từ lá bồ đề và nhiều loại khác nhưng luôn gặp sự thất bại.
Trên 30 lần gặp thất bại nhưng ông tâm sự chưa bao giờ có ý định từ bỏ ý tưởng tạo nên một sản phẩm nón lá cách tân. Đỉnh điểm là lúc ông thiếu nguồn vốn để tiếp tục hành trình tìm kiếm và thử nghiệm ý tưởng của mình, ông đã đích thân bán đi 2 chiếc xe đạp đua ở trong nhà mình với trị giá 30 triệu đồng.
Không phụ sự nỗ lực và kiên trì, ông đã tìm kiếm được nguyên liệu phù hợp với ý tưởng của mình đó là những chiếc lá bàng rừng. Khi tìm được lá bàng rừng là loại lá phù hợp ông cũng mất rất nhiều công sức và thời gian để chọn ra những chiếc lá có tiêu chuẩn phù hợp.
Đó phải là những chiếc lá to, dày, không sâu, không rách và bề mặt to hơn so với những loại lá thông thường. Lá bàng được tuyển chọn lại phải mất thêm 1 tháng rưỡi ngâm trong dung dịch để loại bỏ mùi hôi, và phân hủy phần thịt lá. Cuối cùng khi có được xương lá ông mới tổng hợp lại và đem đến thợ chằm nón. Mỗi chiếc nón cần khoảng 13 – 15 lá, tùy thuộc vào kích thước của lá to hay nhỏ mà từ đó số lượng lá ít hay nhiều.
Thời gian đầu, những người thợ chằm nón có ý từ chối khi thấy có người làm nón từ lá bàng. Ai cũng có ánh nhìn khó hiểu và nghi ngờ đối với ông. Nhưng với sự cố gắng và tâm huyết của mình cuối cùng ông Hùng đã tạo ra được chiếc nón lá trong suốt từ lá bàng rừng.
Từ đây, ông học cách làm hết tất cả công đoạn để làm nên một chiếc nón lá trong suốt và bắt đầu đem các sản phẩm của mình đến với thị trường các tỉnh trong nước. Với sự đặc biệt của sản phẩm, những chiếc nón lá trong suốt của ông rất được khách hàng đón nhận và thu mua. Thậm chí, những chiếc nón lá của ông còn được các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh đón nhận và thu mua trong các dịp lễ tết, hội nghị.
Một chiếc nón lá có giá trung bình từ 450.000 đồng, khách hàng cũng có thể đặt thêm phần vẽ họa tiết cho nón lá ở mặt trong hoặc ngoài tùy nhu cầu.
Hiện, cùng với ông Võ Ngọc Hùng còn có 8 người thợ thực hiện các công đoạn để sản xuất nón lá trong suốt để cung cấp ra thị trường. Đây vừa là đáp ứng nhu cầu thực tiễn vừa thực hiện được mong ước của ông Hùng khi có thể tạo ra công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Công việc này đòi hỏi phải sản xuất kỳ công, có tâm, mà xuất phát từ việc tôi muốn góp chút công sức hỗ trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ cùng những người có hoàn cảnh khó khăn. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sản xuất đại trà buôn bán cho qua. Vì khi làm việc không có cái tâm thì sẽ giả dối, mà chẳng ai muốn mua sự giả dối để đội lên đầu cả” - ông Võ Ngọc Hùng chia sẻ về lý do không nhận nhiều thợ làm và mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm độc đáo này.
(Theo Pháp luật Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét