Zhang Xu, chủ tiệm sửa chữa ôtô ở một khu phố cổ của Thượng Hải đã mở cửa hoạt động lại, nhưng gần như chẳng có khách.
Zhang Xu hầu như rảnh rỗi cả ngày, nhìn đống kính chắn gió ôtô. Một trong hai nhân viên của ông vẫn mắc kẹt ở quê. Tuy nhiên, vấn đề đó không đáng lo bằng việc không có khách. "Nếu chúng tôi không có doanh số, nhà phân phối sẽ không đặt hàng thêm và nhà máy sẽ không thể sản xuất", ông Zhang nói.
Người Trung Quốc đang bắt đầu trở lại làm việc. Hơn sáu tuần sau khi các nhà lãnh đạo nước này gần như đóng cửa cả nền kinh tế để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona, các nhà máy đang mở cửa trở lại và các văn phòng đã dần đông người.
Vấn đề nằm ở chỗ, tạm dừng ngành công nghiệp máy móc đã là việc khổ sở đối với cả Trung Quốc lẫn thế giới. Nhưng khởi động lại nó còn khó hơn. Các nhà máy hiện thiếu khả năng vận hành đầy đủ. Ngay cả các thành phố khởi động lại thành công nhất cũng chỉ là một nửa. Hàng chục triệu lao động không thể đi làm.
Cửa hàng đìu hiu của ông Zhang Xu khi hoạt động lại. Ảnh: NYT |
New York Times cho rằng những khó khăn hiện giờ của Trung Quốc có thể là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác đang tìm cách đối phó đại dịch. Hôm 11/3, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm các chuyến đi từ châu Âu về Mỹ, đồng thời tung các biện pháp nhằm giúp người Mỹ chi tiêu nhiều hơn. Chính phủ Italy thì áp đặt hạn chế đi lại toàn quốc. Những nơi khác, như Hàn Quốc, đang tăng cường kiểm tra giám sát nhưng cố gắng không đóng cửa ngành công nghiệp.
Hiện tại, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp để giúp các văn phòng và nhà máy hoạt động trở lại. Ngân hàng tiến hành giãn nợ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ. Các công ty bảo hiểm được yêu cầu gia hạn chính sách, ngay cả khi phí bảo hiểm không được thanh toán đúng hạn.
Hệ thống đường sắt quốc doanh đã giảm một nửa phí vận chuyển hàng hóa. Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp thêm 180.000 suất học sau đại học vào mùa thu tới cho sinh viên tốt nghiệp, do triển vọng việc làm không sáng sủa. Riêng Thượng Hải đã tung ra gói 15 tỷ USD cho vay và hỗ trợ tín dụng khác, dành cho cư dân và doanh nghiệp, thông qua các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, các biện pháp này đang phải đối mặt với nhiều rào cản lớn.
Thứ nhất, lực lượng lao động vẫn chưa phục hồi đầy đủ vì nhiều lý do. Theo dữ liệu chính thức, hơn 50 triệu lao động nhập cư vẫn chưa trở lại làm việc. Một số vẫn còn trong thời kỳ cách ly. Những người khác bị mắc kẹt ở các vùng nông thôn - nơi dịch vụ xe buýt chưa nối lại. Nhiều công ty cũng không cần người vì khách hàng và đối tác hầu như chưa chi tiêu.
Các quan chức địa phương cũng đang chịu áp lực dập dịch, khiến họ lo lắng và thận trọng về việc cho phép mọi người trở lại làm việc. Gaode, một dịch vụ giám sát giao thông và lập bản đồ trực tuyến, ước tính vào thứ hôm 11/3 rằng, gần một nửa lực lượng lao động tại các thành phố lớn ven biển đã đi làm lại. Ngoài ra, nhiều nhân viên văn phòng đang làm việc tại nhà.
Tại Thượng Hải, rất nhiều công nhân vẫn chưa quay lại. Theo dữ liệu chính thức, các doanh nghiệp lớn mới chỉ có chưa đầy hai phần ba số công nhân. Các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn một nửa. Ở một số khu vực, rất ít người đi làm hoặc đi mua sắm.
Xu Renzhong - chủ một gara cho biết ông không có cả khách lẫn thợ máy. "Họ nói đang ở quê và xe khách thì chưa hoạt động lại", ông giải thích.
Chủ sở hữu của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các nhà máy xuất khẩu với tỷ suất lợi nhuận mỏng, còn sợ rằng nếu một nhân viên bị nhiễm bệnh, chính quyền địa phương có thể buộc họ phải trả tiền cách ly hai tuần cho hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm công nhân.
"Chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng mọi chính quyền địa phương sẽ xử lý tình huống theo cùng một cách", Ray Liu, Đối tác văn phòng Bắc Kinh của công ty luật Dorsey and Whitney, nhận định.
Bên trong một trung tâm thương mại tại Bắc Kinh hôm 7/3. Ảnh: AP |
Thách thức thứ hai là áp lực nợ đang chực chờ. Nợ hộ gia đình và doanh nghiệp tại Trung Quốc đã phình to sau một thập kỷ tăng trưởng chủ yếu nhờ đòn bẩy tài chính. Công nhân không biết liệu chủ lao động có thể trả tiền cho họ hay không. Các doanh nghiệp thì không rõ đối tác có thể chi trả cho hàng hóa và dịch vụ không.
Tuần trước, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) bắt đầu công cuộc giải cứu HNA - một tập đoàn tư nhân nợ nần chồng chất đang phải vật lộn để tồn tại. "Sẽ có nhiều vụ vỡ nợ xảy ra. Họ cần dòng tiền và nó vẫn chưa đến", ông Anne Stevenson-Yang, Giám đốc nghiên cứu của J Capital Research, nhận xét, "Tất cả đều dùng đòn bẩy, chứ có rất ít tiền mặt".
Thứ ba, nhu cầu thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc đang chậm lại. Sự bùng phát của Covid -19 bên ngoài nước này đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu, và có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của Trung Quốc. Theo Cao Heping - chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nếu cú sốc về nhu cầu không được giải quyết sớm, đây có thể là vấn đề không nhỏ cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nhu cầu nội địa cũng chưa mấy sáng sủa. Hầu hết các đại lý ôtô mở cửa trở lại vào cuối tháng 2/2020 nhưng vẫn ế ẩm. Doanh số bán xe đã giảm 80% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. "Trước đây, một đại lý có thể đón hơn một nghìn lượt khách mỗi tháng và giờ thì chỉ khoảng chục nhóm", ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Ôtô khách Trung Quốc cho biết các đại lý đang "mắc kẹt" với những chiếc xe 5 tháng không bán được.
General Motors chỉ đang dần mở cửa trở lại hàng chục nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc vì nhu cầu thị trường và các quy định của chính quyền địa phương. Một số thành phố đã trì hoãn việc nối lại sản xuất cho đến tuần này và các doanh nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc thì chỉ mới bắt đầu mở cửa trở lại.
Trong khi đó, dấu hiệu gian lận đã xuất hiện, khiến các quan chức ở Bắc Kinh càng khó khăn trong việc nắm bắt thực tế. Cao Heping cho biết gần đây có một vụ gian lận dưới hình thức doanh nghiệp bật điều hòa và chạy dây chuyền sản xuất nhưng không có sản phẩm đầu ra. Mục tiêu của việc này là "đốt" đủ điện để nhận trợ cấp trở lại.
Cho đến khi Trung Quốc hồi sinh hoàn toàn, nhiều người đang cố gắng tiết kiệm tiền mặt. Shirley Zhuo, quản lý tại một khu công nghiệp ở phía nam Thượng Hải, nói rằng địa điểm này từng yêu cầu các xưởng trả tiền thuê trước ba tháng. Bây giờ, họ yêu cầu chỉ một tháng. "Vì dịch bệnh, tất cả các đơn hàng đã bị hủy bỏ", cô nói, "Việc sản xuất không thể hoàn thành và liên doanh sẽ ngừng hoạt động".
Cửa hàng của cô Dai Jianglai tạm đóng chờ sang tuần sau mở cửa lại. Ảnh: NYT |
Trên một con phố gần đó, Dai Jianglai cũng lo sợ cho quán ăn của mình. Chủ nhà đã buộc cô phải trả trước 2 năm tiền thuê, khi cô khai trương vào cuối năm ngoái. "Hôm nay tôi định đi phỏng vấn xin việc vào nhà máy, nhưng vẫn quyết định thử lần cuối", cô nói. Nhuqng quán ăn gần như không có khách dù là giờ ăn trưa. Dai đóng cửa ngay sau đó nhưng sẽ mở lại vào tuần tới, với hy vọng bán khá hơn.
Còn với Zhang, do kinh doanh quá ảm đạm, ông chỉ còn biết ngày ngày ngồi giữa đống kính chắn gió ôtô ế ẩm và hối tiếc vì đã không ở quê cách Thượng Hải vài giờ lái xe. "Nếu biết tình hình thế này, tôi đã ở nhà rồi", ông nói.
Phiên An (theo The New York Times)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét