Theo Báo cáo về xu hướng lao động Việt Nam 2019, trong giai đoạn 2009-2018, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao (bình quân tăng 6,08%/năm), lạm phát được kiểm chế ở mức thấp, cán cân thương mại được cải thiện, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Tiến bộ về kinh tế đã tác động tích cực đến lĩnh vực lao động – xã hội. Tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, an sinh xã hội được tăng cường. Tuy nhiên, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn thấp; chất lượng việc làm không cao.
Năm 2019, tiền lương danh nghĩa bình quân của lao động làm công hưởng lương đạt 6,15 triệu đồng/tháng và tăng lên 6,53 triệu đồng vào năm 2021. Khoảng cách tiền lương bình quân giữa ngành nông lâm thủy sản và ngành công nghiệp, dịch vụ vẫn khá lớn. Khoảng cách này lần lượt trong năm 2019 là 64,32% và 57,73%; dự báo đến năm 2021, khoảng cách này sẽ là 63,51% và 57,50%.
Về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, dự báo giai đoạn 2019 – 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm bình quân 1,2 triệu người/năm, thêm khoảng 90,3 nghìn người hưởng chế độ hưu trí mỗi năm và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân mỗi năm gần 740 nghìn người.
Đánh giá xu hướng lao động và xã hội đến năm 2021 cho thấy, quy mô dân số cả nước sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 1,07%/năm trong giai đoạn 2019 -2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên giảm nhẹ, 76,06% năm 2019 và 75,48% năm 2021.
Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng lên 55,76 triệu người năm 2019 và 56,62 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt 23,14% năm 2019 và 25,82% năm 2021.
(Theo An ninh Thủ đô)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét