Dù đã có lệnh đình chỉ hoạt động, thực hiện công tác di dời của UBND TP Hà Nội nhưng du thuyền Tây Long 2 trên bến thủy Hồ Tây vẫn âm thầm hoạt động chui.
Bất chấp lệnh đóng cửa, di dời, du thuyền Tây Long 2 vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Lâu nay, hoạt động du thuyền, tàu, xuồng du lịch trên hồ Tây phần lớn hoạt động trái phép. Việc làm ấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an toàn tính mạng của du khách, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường hồ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, từ ngày 20/6, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng CSGT Đường thủy đã lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép.
Đối với các phương tiện được cấp phép hoạt động, có đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo điều kiện an toàn sẽ được đưa về neo đậu tại một địa điểm riêng, còn phương tiện quá hạn sử dụng, không đáp ứng an toàn kỹ thuật Sở yêu cầu doanh nghiệp tự phá dỡ hoặc di chuyển hẳn ra khỏi hồ Tây.
Theo khảo sát của phóng viên, sau lệnh đóng cửa, hầu hết các phương tiện tại bến thủy Hồ Tây đã ngưng hoạt động nhưng chưa chấp hành việc tháo dỡ và di dời. Đặc biệt, trong các tối 25-26/6, du thuyền Tây Long 2 thuộc Công ty TNHH Nhuận Mai vẫn “phá rào” hoạt động chui.
Từ khoảng 20 giờ tối, tại khu vực quầy ăn của du thuyền, nhân viên vẫn hoạt động phục vụ khách đến ăn uống. Những khách đến giải khát sẽ được nhân viên hướng dẫn di chuyển ra phía cuối du thuyền, nơi mà nhìn từ bên ngoài không thể nhìn thấy hoạt động bên trong.
Phía bên ngoài cổng dẫn vào du thuyền, dù đã được niêm phong bằng barie của Thanh tra Sở GTVT nhưng nhân viên luôn túc trực sẵn sàng mời chào khách, hướng dẫn khách nơi gửi xe và “len” qua barie chắn để vào du thuyền. Chỉ trong khoảng gần 2h đồng hồ từ 20-22h, có cả trăm khách ra vào du thuyền.
Chiều 27/6, trao đổi với phóng viên, ông Dũng - Đội trưởng Đội Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho hay, do lực lượng mỏng nên việc kiểm tra, giám sát các du thuyền chưa được sát sao.
“Có thể do các du thuyền hoạt động chui, khách vào họ bảo là người nhà, bên trong quây kín nên khó phát hiện. Chúng tôi sẽ tích cực cho lực lượng đi kiểm tra và xử lý triệt để, không để tình trạng các du thuyền kinh doanh chui trong thời gian chờ di dời”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, các du thuyền, nhà hàng khác đã tạm ngưng hoạt động.
Lý giải vì sao đã có lệnh cắt điện, cắt nước mà du thuyền Tây Long 2 vẫn hoạt động được, bà Võ Bích Thủy – Chánh Văn phòng UBND Quận Tây Hồ cho biết, quận đã cho người thông báo, ban hành văn bản tạm ngừng cấp điện, nước đến từng doanh nghiệp kinh doanh nhưng có thể do lợi nhuận nên họ chưa chấp hành.
“Quận đã chỉ đạo Công ty điện lực Tây Hồ và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình cắt toàn bộ điện, nước của các du thuyền trên bến thủy hồ Tây. Tuy nhiên, có thể do lợi nhuận nên các bên đã “xé rào” tự thỏa thuận với nhau. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý”, bà Thủy chia sẻ.
Theo thống kê của UBND Tây Hồ (Hà Nội), hiện có 13 đơn vị đang kinh doanh, hoạt động tại hồ Tây. Trong đó, khu vực Đầm Bảy có 5 đơn vị; Quảng Bá 1 đơn vị, Yên Phụ 1 đơn vị; đường Thanh Niên 1 đơn vị; Thụy Khuê 5 đơn vị.
Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng, gồm: 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm)
Đáng nói, đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Các bến thủy nội địa này đều chưa được cấp phép hoạt động từ năm 2010, do quận Tây Hồ chưa cấp giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét