Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016


Trước thời điểm xử phạt xe mô tô điện, xe máy điện không đăng ký, nhiều chủ sở hữu xe đạp điện lại lo lắng vì không biết xe của mình có thuộc diện phải đăng ký hay không.



Rất đông người dân tới Đội CSGT huyện Thanh Trì để đăng ký xe máy điện và mô tô điện trước ngày 1.7.

Người đăng ký xe máy điện, mô tô điện tăng đột biến

Ngày 27.6, Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (C67 – Bộ Công an) cho biết, bắt đầu từ ngày 1.7, các phương tiện xe mô tô điện, xe máy điện không đăng ký cấp biển sẽ bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký, cấp biển số xe mô tô điện, xe máy điện, Bộ Công an ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA (sau đây gọi là Thông tư 54) bổ sung quy định về đăng ký đối với loại hình xe trên.

Theo đó, từ ngày 6.12.2015 đến 30.6.2016, khi đi đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện, ngoài Giấy khai đăng ký xe theo mẫu quy định, người dân chỉ cần mang theo 2 loại giấy tờ gồm: Bản photocopy Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức) và Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân của người đến đăng ký xe.

Trao đổi với PV chiều 27.6, đại úy Lê Thị Thảo - Tổ trưởng Tổ đăng ký xe, Đội CSGT - Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: Ngày 30.6 tới là hạn chót đăng ký cấp biển theo Thông tư số 54 nên hai tuần gần đây, lượng người làm thủ tục đăng ký xe máy điện và mô tô điện tăng đột biến.

“Trong 2 tuần gần đây mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận, giải quyết khoảng 130 – 150 hồ sơ đăng ký xe, cấp biển xe mô tô điện, xe máy điện.

Để đáp ứng nhu cầu hoàn tất đăng ký xe trước ngày 30.6 cho người dân, chúng tôi đã tăng giờ làm việc. Có ngày chúng tôi làm việc đến 20h đêm để giải quyết hết hồ sơ cho người dân”, đại úy Thảo cho biết.

Theo đại úy Thảo, khi làm thủ tục đăng ký theo Thông tư số 54, người dân không phải đóng bất cứ khoản phí nào.

Tuy nhiên, sau ngày 30.6, chủ sở hữu mô tô điện, xe máy điện sẽkhi đi đăng ký, cấp biển phải thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đăng ký xe theo quy định của pháp luật. Tức là người dân phải nộp phí lệ phí và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xe như: Chứng từ nguồn gốc của xe, Giấy tờ của chủ xe, chứng từ chuyển quyền sở hữu của xe…

Xe đạp điện khác xe máy điện điểm nào?

Đại úy Lê Thị Thảo cho biết thêm, theo quy định, xe đạp điện không thuộc diện phải đăng ký trước khi lưu thông. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên nhiều người dân vẫn mang xe đạp điện đi đăng ký.

“Việc phân biệt xe máy điện, xe mô tô điện và xe đạp điện căn cứ theo quy chuẩn do Bộ Giao thông vận tải ban hành.


Tuy nhiên, nhận biết nhanh xe đạp điện bằng mắt thường, có thể căn cứ vào các đặc điểm xe đạp điện phải có bàn đạp, có hộp xích. Xe vận hành được bằng cách sử dụng cơ cấu đạp chân, có hệ thống, cơ cấu dẫn động lực từ bàn đạp đến bánh xe”, đại úy Thảo cho hay.

Theo Cục CSGT, căn cứ theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, việc phân loại xe đạp điện, xe mô tô điện, xe máy điện được thực hiện theo các tiêu chí sau:

Mô tô điện:Là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h; hoặc công suất động cơ điện lớn hơn 4kW.

Xe máy điện: Vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h; và công suất động cơ điện không lớn hơn 4kW.

Xe đạp điện: Có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét