Có mặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 2/6, anh Sơn con trai bà Dung không khỏi xúc động khi mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, có thể xuất viện, điều anh không hề nghĩ tới cách đây nửa tháng.
Ban đầu chỉ sốt 39-40 độ C, kèm gai rét, bà Dung tự uống thuốc hạ sốt, điều trị tại nhà. Sau đó đi ngoài phân lỏng, ho đờm trắng, bà đến một bệnh viện gần nhà khám thì được cho thuốc điều trị ngoại trú. Sau 3 ngày khó thở nhiều hơn, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện 19/8 thì đã hôn mê. Bệnh nhân được xác định bị viêm phổi nặng, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Sau 7 ngày điều trị ECMO, sức khỏe bệnh nhân đã dần tốt lên. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết bệnh nhân được chuyển đến ngày 18/5 trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi tổn thương lan tỏa đến ¾. Cách duy nhất để cứu bệnh nhân lúc này là ECMO - kỹ thuật trao đổi ôxy ngoài cơ thể. Đây là biện pháp hồi sức có hiệu quả với bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp nặng.
Sau 7 ngày được điều trị ECMO, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và không phải thở máy, rút ống nội khí quản. Một ngày sau bệnh nhân đã tự thở được. Đến nay sau 15 ngày nằm viện, bệnh nhân đã có thể xuất viện.
Nụ cười của bệnh nhân ngày được xuất viện. Ảnh: N.P.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy rút máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải CO2- thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể. Đây là trường hợp đầu tiên của bệnh viện được rút máy thở trước khi rút ECMO, tránh nguy cơ bị bội nhiễm, đồng thời tạo cơ hội cho bệnh nhân thở tự nhiên.
Kỹ thuật này rút ngắn thời gian điều trị, chức năng hô hấp của phổi nhanh hồi phục, giảm di chứng tổn thương phổi. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi chưa triển khai kỹ thuật này với những bệnh nhân bị viêm phổi nguy kịch, tỷ lệ tử vong hơn 80%. Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ ECMO.
Kỹ thuật này giúp giảm tử vong thấp nhất cho người bệnh, tuy nhiên giá thành đắt, trung bình khoảng 300-500 triệu đồng, Bảo hiểm y tế hiện chưa chi trả cho chi phí điều trị này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét