Mỗi bệnh nhân TP HCM phải chờ hơn 10 giờ một lượt khám
Mỗi năm TP HCM khám và điều trị khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân dẫn đến tình trạng quá tải, bình quân một lượt khám người bệnh phải chờ đợi 10 tiếng đồng hồ.
4 đề xuất của ông Đinh La Thăng nâng chất lượng khám chữa bệnh / 6 điều nên và không nên khi đi khám chữa bệnh
Đây là số liệu khảo sát của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tại các bệnh viện TP HCM. Theo kết quả khảo sát VNPT đưa ra tại hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế TP HCM ngày 25/6, trung bình một bác sĩ mỗi ngày phải điều trị cho 90 bệnh nhân dẫn đến tình trạng quá tải thường xuyên. Bệnh nhân luôn phải chờ đợi quá lâu, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trên.
Các chuyên gia nhìn nhận, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện nay chuyển tới xu hướng khai thác sức mạnh công nghệ thông tin để cung cấp và quản lý tốt hơn các ứng dụng chăm sóc sức khỏe. Dữ liệu y tế giúp bác sĩ nâng cao hiệu quả chẩn đoán, phát hiện các mối đe dọa sức khỏe và giảm chi tiêu y tế. Bệnh viện đã dần dần trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy xét nghiệm tự động, máy siêu âm 3D, 4D, X-quang kỹ thuật số, máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ...
Các thiết bị này yêu cầu khả năng xử lý bằng công nghệ thông tin và kết nối vào hệ thống chung, qua đó nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Quản lý dữ liệu bệnh nhân bằng công nghệ thông tin, tăng chất lượng điều trị nhờ các phương tiện kỹ thuật hiện đại... mới giúp bệnh viện giảm thời gian chờ đợi khám bệnh của bệnh nhân.
Các bệnh viện tuyến trên tại TP HCM luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải. Ảnh: Lê Phương.
Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết thành phố hiện có 113 bệnh viện với 34.388 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh/dân là 43/10.000. Mạng lưới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 9 triệu dân rất cần các giải pháp tin học hóa quản lý mạnh có tính hệ thống cao. Điều này giúp liên thông liên kết giữa các bệnh viện, giữa y tế điều trị và y tế dự phòng cũng như đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hợp lý và hiệu quả. Thực tế việc ứng dụng tại các đơn vị thuộc ngành y thành phố hiện chưa có sự đồng đều, có nhiều đơn vị chưa chú trọng.
Theo ông Thượng, hướng đến nền y tế thông minh, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho cả ngành y tế là một thách thức lớn cả từ phía đơn vị thụ hưởng và các nhà cung cấp giải pháp. Do đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nguồn lực này để phục vụ sức khỏe cho người dân được tốt nhất. Giải pháp phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn Cloud cho ngành y tế chưa nhiều nên chất lượng dịch vụ chưa được khách hàng thật sự tin tưởng.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM cho biết đến nay hầu hết bệnh viện Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận với công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Nhiều bệnh viện vẫn còn chưa triển khai ứng dụng công nghệ vì không tìm được phần mềm đáp ứng đúng hoạt động. Hệ thống y tế, bệnh viện, phòng khám tại Việt Nam cần những giải pháp hữu hiệu nhằm tin học hóa, cải cách hành chính, thực hiện quản lý, thống kê trên máy tính.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét