Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

“Việt Nam đã trải qua mấy đợt khủng hoảng, với kinh nghiệm hội nhập lớn của Việt Nam, chúng tôi tin Việt Nam có giải pháp hạn chế ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.






Thông tin tại cuộc họp báo diễn ra sáng 29/6, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, cả thế giới và Việt Nam đều không thoát khỏi chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế giới có xu hướng giảm cứ 10 năm một lần, nhiều dự báo đáy của chu kỳ sẽ rơi vào năm 2019 - 2020. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.


Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao, gần 200% GDP , Việt Nam dễ chịu tác động lớn từ những "cú sốc" kinh tế bên ngoài. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - EU cũng ảnh hưởng phần nào tới kinh tế Việt Nam.


Ông Hùng cũng cho biết, nội tại nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự ổn định. Tỷ trọng đầu tư trên tổng GDP trong 3 năm gần đây giảm, sẽ có tác động đến giai đoạn 2019 - 2020. Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế cũng xuất phát từ việc Việt Nam không thu hút được các dự án lớn như Samsung, Formosa.


Bổ sung thêm vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2019-2020 chu kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ chưa diễn ra, nếu có thì sau năm 2021 trở đi. Còn với Việt Nam, ta trải qua mấy đợt khủng hoảng, với kinh nghiệm hội nhập lớn của Việt Nam, chúng tôi tin Việt Nam có giải pháp hạn chế ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu. Nếu có diễn ra cũng phải từ năm 2021 trở đi.


“Giai đoạn 2018-2019 kinh tế toàn cầu vẫn phát triển tốt, các tổ chức tài chính vẫn dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu khá cao”, ông Lâm nói.


Theo số liệu thống kê được Tổng cục Thống kê công bố, GDP 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%. Như vậy, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.


Trong mức tăng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,39%, góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, góp 48,9% và dịch vụ tăng 6,9%, góp 41,4%...


Ông Lâm cho biết, mục tiêu 6,7% là mục tiêu khá cao của nền kinh tế Việt Nam, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, với những yếu tố năng lực mới tăng của nền kinh tế, chỉ đạo của Chính phủ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào Việt Nam, kịch bản tăng trưởng từng quý và từng nội dung thì mục tiêu 6,7% hoàn toàn có tính khả thi.


Về chỉ tiêu CPI , CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.


Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, áp lực đối với việc kiềm chế lạm phát rất lớn nhưng với quyết tâm chỉ đạo, đều có kịch bản từng tháng, tham mưu kịp thời cho Chính phủ cho nên mức dưới 4% năm 2018 chắc chắn vẫn đạt được.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét