"Mất! Mất hết rồi! Lũ cuốn trôi sạch sành sanh!" - cụ bà Xã Thị Mai (người dân tộc Nùng) 63 năm sinh sống ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) nhưng chưa bao giờ phải thốt lên đau đớn trước đống hoang tàn như thế này.
Hà Giang đau thương chỉ còn phủ một màu của bùn và đất
Ngày 23/6, mưa lũ bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, Hà Giang cùng với Lai Châu đã hứng chịu nhiều hậu quả đau thương nhất từ thiên tai. 5 người chết, hơn 200 ngôi nhà bị ngập nước, gia súc gia cầm và hàng trăm hecta hoa màu bị cuốn sạch trơn.
Ngày về Hà Giang thăm bà con, đâu đâu cũng thấy đặc một cảnh tượng tan hoang, tiêu điều và cả những giọt nước mắt.
Đường dẫn vào bản Tùng Nùn khấp khuỷu, bùn đất chất đầy.
Con đường trơn trượt sau mưa lũ.
Căn nhà của người dân bị đất đá vùi lấp.
Em bé 4 tuổi đứng trước căn nhà đổ nát của mình.
"Mất! Mất hết rồi! Lũ cuốn trôi sạch sành sanh!" - cụ bà Xã Thị Mai (người dân tộc Nùng) đã trải qua 63 năm sinh sống ở Quản Bạ (Hà Giang). Nhưng chưa bao giờ cụ phải thốt lên đầy đau đớn như thế về đống hoang tàn trước mắt mình. "Giờ các cháu đi thẳng vào con đường này và nhìn từ trên xuống. Xung quanh nhà cửa không còn nữa".
Đường đến bản Tùng Nùn (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ) - nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt lũ quét vừa qua, đã bớt trơn trượt nhưng vẫn ngổn ngang bùn đất. Vựa ngô chuẩn bị thu hoạch ngã đổ sàn sạt, mấy dãy taluy bị thổi bay, dấu vết in hằn rõ rệt trên từng thớ đất đai.
Người dân dọn dẹp nhà cửa sau lũ quét.
Nhà cửa giờ thứ đồ nào cũng có màu cam - màu của bùn đất.
Cả bản Tùng Nùn nơi chỉ còn sỏi đá trắng xóa.
Từng căn nhà san sát nhau đều đã bị lũ cuốn trôi.
"Bây giờ muốn vào bản Tùng Nùn, tụi con đến ngã 3 đường nhựa rồi nhìn bên tay phải. Ấy là nơi lũ về..." - ông Giáng A Sính (56 tuổi) vừa mếu máo vừa kể lại. "Giờ sợ lắm, đói lắm nhưng không biết làm sao nữa, ngô bị lũ san phẳng cả rồi".
Tại bản Tùng Nùn, 4 căn nhà của người dân tộc Nùng bị đổ sập hoàn toàn. Đến cái nhà vệ sinh nơi để vài ba thứ thiết yếu cũng chịu cảnh "màn trời chiếu đất". Toàn bộ 38 hộ dân của thôn bị cô lập giữa dòng nước lũ, 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp. 3 ngày qua, cả thôn mất điện, người dân đêm đi ngủ còn không dám nhắm mắt. Họ không yên tâm. Họ sợ nếu lỡ đâu lũ lại về, rồi không biết chạy có kịp không nữa.
Sáng ngày 29/6, bà con hò nhau đi vớt vát vài thứ đồ còn sót lại. Lũ nhỏ cũng theo bà, theo mẹ đi dọc từng con suối. Nhưng mà, không còn gì nữa... Bốn bề là vùng đất trắng xóa sỏi đá, chẳng ai nghĩ nơi đây từng có hộ dân sinh sống. Có cái xô, cái chậu, thêm vài ba cái dép và từng bao tải ngô nằm lăn lóc. Mất sạch trơn sau tiếng sấm rền trời như súng nổ, mà như cách bà Lù Thị U (50 tuổi, dân tộc Mông) tả lại là "Nhìn thấy như một đống mây, chỗ này sập, rồi nhà này bị hất bay".
Bùn đất tràn vào cuốn phăng các thứ đồ thiết bị.
Ở bản Tùng Nùn 3 ngày qua mất điện nghiêm trọng.
Lũ trẻ theo mẹ, theo bà đi vớt vát những thứ đồ còn sót lại.
"10 năm rồi chưa từng thấy trận lũ nào khủng khiếp thế này"
Nhà anh Lò Chính Cồ (40 tuổi, huyện Quản Bạ, Hà Giang) bị lũ "lướt" qua để lại bao tầng đất bùn bên trong. Nhìn vào căn nhà tình thương được chính quyền tặng, trên tường còn vẩn vương những bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ con, ai cũng ám ảnh... Vợ và đứa con thứ 3 của anh, do không chạy kịp khi lũ về, đã bị dìm chết trong bùn. Ngày hôm đó, anh Cồ không có nhà. Anh ở Trung Quốc làm thêm và không hề hay biết gì. Anh nhận cuộc điện thoại báo hung tin và tức tốc về nhà, ấy là khi vợ con anh đã được mai táng theo thủ tục địa phương.
Đêm đó, cả thôn Tùng Nùn khóc than cho vợ con anh Cồ. Nhà anh giờ đến mảnh gỗ cũng chẳng còn... "Giờ đâu còn nhà nữa, về nhà nội ở hết rồi" - anh Cồ bập bẹ tiếng Kinh than khóc. Đôi mắt anh sụp 2 mí đau đáu buồn. Người dân Tùng Nùn bảo, "nó khóc nhiều quá nên giờ thế đó!".
Nhà anh Quạ bùn đất cũng bắt đầu "xâm nhập" vào tận cửa.
Ai cũng vất vả giữa trời nắng nóng của Hà Giang, chỉ mong sớm quay về căn nhà nhỏ của mình.
Giữa bãi đất hoang nơi từng là nhà ở, chỉ còn cái chạn tủ...
... thêm cái giường và ti vi.
Sạt lở từ trên núi kéo theo lượng đất đá khổng lồ, nhấn chìm mọi thứ nội thất bên trong nhà anh Dà Mỹ Quạ (18 tuổi). Đến nỗi anh lấy thước ra đo, phải đến 20 phân lớp đất đá! Anh sống không nổi trong chính căn nhà của mình. "Giờ em chỉ mong được di dời đến nơi ở mới chứ cứ theo cái đà này, vài bữa lại sạt lở thì em sợ mình cũng chết mất". Anh Quạ chỉ vào chuồng bò nhà mình, may mắn sao 3 con bò nhà anh vẫn "bình an vô sự". "Dưới chuồng trâu toàn đất thôi, em xây cao nên không bị ảnh hưởng lắm".
Đi dọc bản Tùng Nùn, là cảnh bất cứ hộ dân nào cũng đang tất bật gia cố lại nhà cửa, tìm cách vớt vát được món đồ nào thì quý giá lúc đó. Nhìn vào chậu giặt đồ của chị Tả Thị Mỉ (17 tuổi) toàn đất với bùn, ai cũng ngán ngẩm. Bên cạnh là cái giường nằm chỏng chơ giữa sân, cái tủ xa xa gần bụi cây. Nhà chị giờ thứ đồ nào cũng có màu cam - màu của bùn đất.
Lũ trẻ theo cha mẹ đến nhà người thân trú tạm. Nhà cũ đã không còn an toàn cho các em nữa.
Ruộng ngô bị san phẳng đổ sàn sạt
Đến cả ngô và hoa màu cũng bị cuốn bay.
"Lũ quét vừa rồi kéo theo từng tảng đá lớn vào tận nhà, nhà hỏng hết rồi, tường cũng hỏng. Giờ chỉ cố đưa nước vào để quét hết đất ra thôi" - anh Sùng Mỹ Dình (30 tuổi) chỉ vào dòng nước đục ngầu đang chảy ồ ạt. Nhà anh từ già trẻ gái trai, người lớn trẻ nhỏ đều ra sức dọn dẹp mọi thứ sau khi lũ qua.
"10 năm rồi chưa từng thấy trận lũ nào khủng khiếp thế này" - anh Dình thở dài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét