Sáng 29-6, tại Hậu Giang đã diễn ra hội nghị "Giao ban công tác phối hợp 19 chi cục Quản lý thị trường (QLTT) khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm".
Theo báo cáo của chi cục QLTT các tỉnh, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Hàng hoá được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá lậu, đường cát, thuốc tân dược, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẫm, rượu, phụ tùng ô tô, điện thoại di động…
Các tuyến đường nhập lậu chính gồm: tuyến biên giới huyện Bến Cầu, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), tuyến biên giới huyện Đức Huệ, Đức Hoà (Long An), tuyến giáp ranh tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An. Sau đó, hàng nhập lậu đưa theo Quốc lộ 22 hoặc kênh Thầy Cai về TP HCM hoặc Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu tiêu thụ.
Ở các tỉnh miền Tây, hàng nhập lậu từ biên giới tỉnh An Giang, Kiên Giang được đưa theo Quốc lộ 91 hoặc theo tuyến đường thuỷ về Cần Thơ, các tỉnh miền Tây và TP HCM tiêu thụ.
Lực lượng chức năng tại TP Cần Thơ bắt hàng loạt vụ vận chuyển thuốc lá lậu. Ảnh: Công an cung cấp
Đối với hàng giả, các mặt hàng thường được đối tượng sản xuất, kinh doanh giả là những mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng được tiêu thụ nhiều trên thị trường như: giày dép, quần áo, túi xách của các nhãn hiệu như Nike, Adidas, Tommy, Gucci… máy tính Casino, giấy vệ sinh Sài Gòn, phụ tùng nhãn hiệu Honda, cà phê, xi măng…
Đặc biệt là việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đang là mối lo ngại cho người dân và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.
Trong 6 tháng đầu năm, chi cục QLTT 19 tỉnh phía Nam đã kiểm tra 15.840 vụ (giảm 30% số vụ so với cùng kỳ năm 2017), phát hiện 9.180 vụ (giảm 19%), xử lý 9.016 vụ (giảm 12%), những vụ còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, thu phạt tổng số tiền gần 102 tỉ đồng (giảm 14%) và tịch thu nhiều hàng hoá vi phạm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét