Sống cho hiện tại: Chỉ một trong bốn người trên toàn cầu tiết kiệm cho tuổi hưu
Theo một báo cáo toàn cầu mới của HSBC, chỉ có 1/4 người dân trên toàn thế giới thường xuyên tiết kiệm cho giai đoạn nghỉ hưu.
Theo báo cáo "Lấp đầy khoảng cách" thuộc chuỗi khảo sát Tương lai hưu trí, chỉ 26% số người đang trong độ tuổi lao động trên toàn cầu thường xuyên tiết kiệm cho tuổi hưu - và chỉ có 1/10 (tương đương với 9%) người đang tiết kiệm cho các khoản phí như nhà dưỡng lão hoặc chăm sóc y tế trong tương lai.
Gần một nửa số phụ nữ trong độ tuổi lao động (46%) vẫn chưa biết nên dành bao nhiêu cho giai đoạn nghỉ hưu cũng như không biết nên bắt đầu tiết kiệm như thế nào. Điều này hoàn toàn trái ngược với nam giới khi có 37% cũng ở hoàn cảnh tương tự.
Ngoài ra, 2/5 số người trong độ tuổi lao động (tương đương 43%) đang sống với khả năng tài chính "ngày qua ngày", trong khi 42% chỉ tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn. Và báo cáo của HSBC cũng cho biết, 1/3 số người khảo sát (tương đương 33%) thừa nhận rằng họ chỉ thích chi tiêu tận hưởng cuộc sống hôm nay hơn là tiết kiệm cho ngày mai.
Việc thiếu thói quen tiết kiệm cũng có thể liên quan đến việc nhiều người không coi những năm về già của mình là 'nghỉ hưu', với 6 trong số 10 người trong độ tuổi lao động (tương đương 58%) dự đoán họ sẽ tiếp tục làm một công việc nào đó và 2/5 (tương đương 42%) hy vọng sẽ bắt đầu khởi nghiệp.
Ở Việt Nam, 7/10 người cao niên vẫn phải mưu sinh bằng cách bán hàng rong hay thu nhặt rác
Ảnh minh họa. Nguonf: Joseph Chia.
Tại Việt Nam, theo Liên Hợp Quốc, hiện có nhiều người hơn bao giờ hết vẫn làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu. Khoảng 40% những người trong độ tuổi từ 70 đến 74 vẫn đang làm việc dưới một hình thức nào đó.
Khoảng 7 trong số 10 người cao niên đang làm việc tại các khu vực đô thị của Việt Nam ở những ngành không chính thống – như bán hàng ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác hay bán hàng rong. Tất cả đều liên quan đến công việc tay chân khó khăn đem lại thu nhập rất thấp.
Thu nhập thấp và không ổn định của các công việc như vậy sẽ khiến họ có ít cơ hội để tiết kiệm cho tuổi già. Do đó, lên kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu là điều rất quan trọng. Bước đầu tiên là mọi người phải đánh giá toàn bộ tình hình tài chính của bản thân và tất cả các hình thức tiết kiệm hưu trí dành cho họ - thậm chí để dành một lượng tiền nhỏ hàng tháng còn tốt hơn so với không làm gì và có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi đến tuổi già
Dân số của Việt Nam vẫn còn tương đối trẻ - chỉ hơn 10% hơn 60 tuổi - nhưng tình hình dân số trẻ này sẽ nhanh chóng chuyển sang dân số già. Thực tế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện tại có thể là quốc gia đang già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2000, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu người lần đầu tham gia đội ngũ lao động và 500.000 người bắt đầu nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 2017 con số tương ứng là 1,3 triệu lao động mới và 1 triệu người nghỉ hưu. Dự kiến đến năm 2035 con số tương ứng sẽ là 1,5 triệu lao động và 1,3 triệu người về hưu.
Một vài mẹo để xây dựng cuộc sống về hưu an nhàn
- Xem xét lại việc bạn nghĩ về giai đoạn nghỉ hưu
Báo cáo của HSBC cho rằng bản thân mỗi người sẽ rất dễ trì hoãn việc lên kế hoạch nghỉ hưu, do đó cơ cấu lại cách bạn nhìn nhận về nghỉ hưu như thế nào là rất quan trọng. Hãy nghĩ về giai đoạn đó như một cơ hội để bạn theo đuổi niềm đam mê hay tham gia những cuộc phiêu lưu mới. Hãy chắc chắn rằng bạn tận dụng tối đa thời kỳ này bằng cách lên kế hoạch cẩn thận từ trước.
- Hình dung bạn muốn tận hưởng giai đoạn nghỉ hưu như thế nào
Hãy suy nghĩ bạn muốn tận hưởng hình thức hưu trí nào. Bạn có muốn đi du lịch không? Có muốn chuyển nhà không? Có muốn tham gia một sở thích mới hoặc thậm chí bắt đầu lập nghiệp? Hãy vẽ ra cho bản thân một bức tranh về tuổi hưu mà bạn muốn tận hưởng và từ đó giúp bạn lên kế hoạch hiệu quả hơn.
- Hỏi ý kiến các chuyên gia
Không ai có thể là một chuyên gia về tiết kiệm và đầu tư cả, nên bạn hãy sử dụng những dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí hoặc tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tài chính để giúp bạn xây dựng kế hoạch và hoạch định chi phí cho các kế hoạch nghỉ hưu. Điều này sẽ giúp bạn quyết định phương pháp phù hợp. Đừng ngại đặt câu hỏi - hãy sáng tỏ mọi vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
- Từ quản lý đến lập kế hoạch
Quản lý tài chính bản thân vẫn chưa đủ. Bạn cần lập kế hoạch về nguồn tiết kiệm và bao nhiêu là đủ. Sử dụng các công cụ trực tuyến như tính toán tiết kiệm và thiết lập ngân sách để giúp xác định những thay đổi bạn có thể thực hiện từ hôm nay để cắt giảm chi phí và sau đó trực tiếp tiết kiệm cho tương lai của bản thân.
- Bắt đầu một cuộc trò chuyện trung thực
Nếu bạn có dự định nhận trợ giúp từ gia đình hoặc con cái trong thời gian nghỉ hưu, hãy bắt đầu trò chuyện với họ trước. Một cuộc thảo luận sớm về các hình thức hỗ trợ và thời điểm sẽ giúp kiểm soát kỳ vọng và đảm bảo quá trình nghỉ hưu của bạn diễn ra suôn sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét