- "Trời đất ơi! Đợi một tiếng đồng hồ mới mua được 2 ly trà đào , muỗi chích muốn nát hai cái giò luôn hà!" - Cô khách vừa than vừa cười hớn hở vì sau bao "khổ ải" đứng đợi thì cuối cùng cũng mua được 2 ly trà đào dầm.
Tôi chọc: "Bữa sau qua quán khác mua cho lẹ cô ơi!".
Cô lắc đầu: "Thôi! Uống ở đây quen rồi, đợi lâu một chút mà ngon!".
Thực khách chụp lại "chiến lợi phẩm" sau 1 tiếng đồng hồ xếp hàng ở quán trà đào "chờ".
Trà đào vỉa hè Sài Gòn 30 năm khiến khách kiên nhẫn chờ đợi đến... 2 giờ sáng
Ở cái đất Sài Gòn này nhiều chuyện nghĩ... cũng lạ lắm à nghen, ai đời quán xá khang trang bàn ghế êm ái, máy lạnh phà phà mát rượi mà ế nhệ, còn cái quán trà đào không tên không tuổi ở cái góc đường vừa nóng nực, vừa phải xếp hàng muốn rụng giò thì lại nườm nượp khách.
Khách xếp thành hai hàng để mua trà đào ở vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh.
Để dễ theo dõi tôi tạm gọi là tiệm trà đào cô Dung vì cô bán trà tên Hà Thị Dung. Cô chủ tiệm năm nay ngót nghét cũng ngoài 50, nghe đâu bán nước giải khát ở cái góc đường này từ năm 16 -17 tuổi, tính sơ sơ quán cũng có thâm niên hơn 30 năm chứ không ít.
Hỏi cô: "Ủa chứ cô có bí quyết gì mà người ta kéo tới mua quá trời quá đất vậy ha?". Cô cười hề hề: "Ai biết đâu, mấy loại nước này ai pha cũng được mà".
Cô Dung đã bán ở đây hơn 30 năm.
Nói nghe đơn giản là vậy nhưng để giữ chân thực khách ở lại với mình mấy chục năm qua đâu phải chuyện dễ. Bữa tôi ghé quán, tôi thật sự bất ngờ vì sự kiên nhẫn của thực khách.
Không ai bảo ai, mọi người đến quán đều trật tự xếp vào hàng, không chen lấn, không to tiếng, nhanh thì 40 phút, chậm thì đợi 1 tiếng đồng hồ mới nhoẻn miềng cười: "Cô ơi bán cho con 2 ly trà đào dầm".
Mọi người xếp hàng trật tự.
Ai đuối quá thì lấy ghế ngồi.
Người đợi mỏi mòn để thưởng thức ly trà đào cô Dung.
Tuy không được uống trà đào nhưng cún cũng phải đợi mòn mỏi.
Gọi là quán cho sang, chứ quán cô Dung chỉ có một chiếc bàn bự để mấy bình sữa, chai siro... và mấy cái ghế nhựa cho khách ngồi. Thế nhưng đa phần khách ở đây đều mua đem về, chứ ít khi ngồi lại ngắm cảnh... xếp hàng.
Trong lúc dòng người đứng đợi thở ngắn thở dài, đập muỗi bem bép, thì cô Dung và người cháu của mình vẫn đều tay nấu nước pha trà, đong đếm từng li từng tí để tạo nên một ly trà ngon nhất. Đó cũng là điểm đặc biệt ở quán cô Dung, nghĩa là khách gọi tới đâu thì cô làm tới đó, chứ không pha trước.
Khách gọi trà thì cô châm nước nóng pha trà rồi chế biến, khách gọi cacao thì cô chế cacao tại chỗ. Hai ấm nước luôn được đặt trên bếp than. Cô bảo: "Nước phải luôn sôi như vậy thì pha trà mới ngon, chứ nước ấm để trong bình thuỷ thì không bằng".
Nước luôn được nấu sôi, khách gọi tới đâu cô Dung pha tới đó để trà luôn ngon nhất.
Một điều đặc biệt nữa ở quán là không có menu, mọi người đến muốn gọi món gì thì cô pha kiểu đó. Ví như cô có thể mix nước cam với đào dầm, hay nước cam với siro dứa, hoặc trà xí muội... và giá mỗi món chỉ dao động từ 11.000 đồng đến 14.000 đồng.
Giá cả ở tiệm luôn rất bình dân, nhưng hương vị thì thơm ngơn không kém gì cửa tiệm sang trọng.
"Thiệt tình là cô luôn cảm thấy áy náy khi để khách đợi quá lâu"
Quán mở bán từ 7h30 tối, đôi khi tới tận 2h sáng mới vơi khách, trong suốt thời gian đó cô Dung không hề nghỉ tay một xíu nào.
Cô tâm sự: "Phải làm liên tục như vậy để khách không đợi lâu, nhiều khi cô làm mà không dám ngước lên nhìn mặt khách tại thấy ngại quá, để mọi người đợi cả tiếng đồng hồ. Cô đứng bán quen rồi nên không sao, chỉ mong là khách uống được ly nước cũng vơi đi mệt mỏi".
Cô Dung đứng suốt từ 8h30 đến khuya để pha trà cho khách nhưng không hề tỏ ra mệt mỏi.
Đa phần những trường hợp mà khách đông, cường độ làm việc nhiều như cô Dung rất dễ bực bội. Đôi khi chẳng cần lý do gì, chỉ cần mệt là thấy bực rồi.
Nhưng cô Dung thì khác trong mọi trường hợp cô đều rất ân cần và luôn cảm thấy hơi có lỗi khi để khách đợi, nhưng biết sao được vì cô cũng chỉ có 2 tay.
Cô luôn tất bật, vì sợ khách phải đợi lâu.
Chỉ những ngày bệnh, không đủ sức đứng bán thì cô Dung mới nghỉ bán 1 hôm, cô nói: "Tại nhiều khách quen người ta ghé mua mà không gặp mình thấy tội nghiệp, nên bữa nào đuối quá cô mới nghỉ thôi".
Khách hàng của cô không chỉ có những người trẻ, mà còn là những cô lao công, anh ve chai... cần được giải khát sau 1 ngày vất vả.
Trời về khuya, đường xá cũng chỉ còn lát đát vài chiếc xe, nhưng đôi tay cô Dung vẫn khuấy đều những ly trà. Vừa làm cô vừa kể: "Khi nào hết khách thì cô dọn dẹp cho sạch cái vỉa hè này để sáng mai người ta còn buôn bán. Mình phải sạch sẻ thì mới buôn bán lâu dài được"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét