Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Thay vì cái không khí hừng hực đâu đâu cũng là màu áo đỏ rực rỡ của Go-Viet tại TPHCM, lâu lắm đường phố Hà Nội mới xẹt qua bóng áo đỏ của Go-Viet.


Grab có vẻ vẫn giữ được thế thượng phong so với Go-Viet


Khác với thế chiến thắng như chẻ tre, đạt hơn 1/3 thị phần sau 1 tháng ra mắt tại TPHCM, như đại diện Go-Viet tuyên bố; hãng khá kín tiếng khi công bố về thị trường Hà Nội.


Nửa tháng sau khi Go-Viet Bắc tiến, trên đường phố thủ đô, bóng áo xanh của Grab cũng vẫn còn rất nhiều và che lấp những chiếc áo đỏ, mũ đỏ của Go-Viet. Ở những điểm đón khách hot, màu bóng áo đỏ cũng lẻ loi và lạc lõng giữa dòng xế xanh GrabBike.


Grab lạnh lùng tung code khiến khuyến mại sốc của Go-Viet "mất thiêng"


Thế trận thay đổi này chính là phần thưởng xứng đáng cho Grab, khi họ đã có những đòn đánh 1 tháng trước thời điểm Go-Viet chính thức cung cấp dịch vụ ở Hà Nội. Đầu tháng 9, Go-Viet khai trương tại Thủ đô, thì đầu tháng 8, Grab đã có những mã code siêu đẫm, khách chỉ phải trả 2.000đ/cuốc xe để di chuyển. Sau đó, khi Go-Viet khai trương, Grab phủ hàng loạt code khiến chuyến xe GrabBike chỉ còn giá 5.000đ-10.000đ.


Gần đây, khi Go-Viet chạy đồng giá 10.000đ/chuyến tối đa 6km, thì thậm chí GrabBike vẫn lạnh lùng tặng nhiều khách hàng mã code giảm tới 25.000đ/chuyến. Tức là nếu khách đi Go-Viet tối thiểu mất 10.000đ, thì khách của Grab có thể đi các chuyến xe miễn phí.


Chưa kể là do mới ra mắt, nên Go-Viet chưa thể mở rộng địa bàn hoạt động vì thiếu tài xế. Khuyến mại của Go-Viet chỉ gói gọn trong địa bàn 6 quận trung tâm, trong khi Grab có mặt ở khắp các quận Hà Nội và vùng ven.





Go-Viet không mở quá nhanh để tạo sự ổn định


Một nguyên nhân nữa có thể khiến Go-Viet chùn bước đó là: ổn định vận hành.


Những ngày đầu Go-Viet khuyến mại 1.000đ/chuyến cả khách và xế đều hồ hởi và thoải mái. Khách thì có những chuyến xe gần như cho không, xế thì thấy cuốc xe "nổ đều", không ế ẩm như Grab. Nhưng khi duy trì chuyến 1.000đ quá dài, các bất ổn vận hành lộ ra ngay lập tức.


Khách hàng thì phải chờ rất lâu, hoặc không thể bắt được xe; tài xế thì than thở vì các chuyến xe chỉ được 1.000đ, thậm chí nhiều khách còn "xin" để không phải trả tiền. Rồi thì tiền tài khoản về chậm, xế không thể trang trải cuộc sống, trong khi tiền đổ xăng, tiền ăn uống thì vẫn phải tiêu.


Ngoài ra, dường như rút kinh nghiệm ở TPHCM bị quá nhiều tài xế tạo cuốc ảo để ăn tiền nên Go-Viet cũng có nhiều biện pháp phòng chống. Một số tài xế Go-Viet nhận xét hãng chỉ cho các tài xế cách khách hàng 2km trở lên mới bắt được khách. Đi đón khách xa, chở khách còn xa hơn, lại gặp đường phố Hà Nội hay tắc đường, cuốc xe chỉ có 1.000đ tiền mặt,… là những nguyên nhân khiến những ngày cuối của chính sách 1.000đ, gần như khách không thể đặt được xe Go-Viet.


Có lẽ bởi hiệu ứng của lần ra mắt Hà Nội không được tốt và những bất ổn vận hành mà Go-Viet "lên thẳng" 10.000đ/chuyến xe chứ không chuyển qua chính sách 5.000đ/chuyến như tại TPHCM rồi mới lên giá.


Ngay lập tức, vận hành của Go-Viet đã ổn định hơn. Khách đã có thể đi xe sau khoảng 3 – 5 phút từ lúc đặt, và tài xế thì có tiền mặt trang trải cuộc sống, đổ xăng, sửa xe. Trong cuộc chiến của các ứng dụng "theo nhu cầu" tăng trưởng nhanh để giành thị phần là một tiêu chí quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc ổn định vận hành, để các khách hàng có thể đặt dịch vụ thành công, và nguồn cung dịch vụ không bị quá tải, phục vụ tốt.


Một vấn đề nữa khiến Go-Viet không đủ nổi bật là hầu hết các tài xế đều không có đồng phục. Khi đăng ký, tài xế chỉ nhận được 2 mũ bảo hiểm miễn phí và lời hứa khoảng 5 – 7 ngày sau có đồng phục.


Một số tài xế bình luận rằng vì công ty phát triển đội ngũ tài xế quá nóng, nên đồng phục may không kịp.


Tuy nhiên, một số tài xế lại có quan điểm khác, họ cho rằng công ty không phát đồng phục sớm vì sợ bị lợi dụng: tài xế nhận đồng phục miễn phí xong không chạy cho Go-Viet. Vì thế, các tài xế phải hoàn thành một số chuyến nhất định thì khi yêu cầu đồng phục mới được công ty cung cấp. "Công ty họ cũng phải làm thế thôi. Mình nhận đồng phục miễn phí mà không chạy gì thì họ lỗ chết", anh Thành – một tài xế chạy Go-Viet được 5 ngày và chưa có đồng phục chia sẻ với chúng tôi.


Không chỉ tại Hà Nội, tại TPHCM thì Go-Viet cũng có xu hướng trầm lắng hơn. Grab đã có thể mở sâm-panh ăn mừng khi đợt kháng cự này của họ đã thành công.


Nhưng, Grab cũng có thể không mừng được lâu, bởi với nguồn lực tài chính vững mạnh và công nghệ không kém cạnh Grab của Go-Jek, thì những đòn phản công giành lại chiến tuyến của Go-Viet cũng rất đáng gờm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét